Ngày 13/1, Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry khẳng định nước này sẵn sàng tiếp nhận trung tâm cung cấp và dự trữ ngũ cốc toàn cầu, với sự hợp tác của cộng đồng quốc tế nhằm giúp đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực đang diễn ra trên toàn thế giới.
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Ngoại trưởng Shoukry đưa ra tuyên bố trên tại Hội nghị thượng đỉnh “Tiếng nói Nam bán cầu”, được tổ chức theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Ấn Độ – nước hiện giữ chức Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Theo ông Shoukry, Ai Cập ủng hộ các mục tiêu của Nhóm công tác nông nghiệp G20 nhằm vạch ra lộ trình cho an ninh lương thực và nông nghiệp thông minh với khí hậu. Ai Cập cũng sẽ đóng góp một cách xây dựng cho các cuộc thảo luận và sáng kiến trong khuôn khổ năm Chủ tịch G20 của Ấn Độ nhằm thúc đẩy đồng thuận trong giải quyết những thách thức phức tạp đang diễn ra.
Cũng theo người đứng đầu ngành ngoại giao Ai Cập, các nước cần áp dụng cách tiếp cận toàn diện trong việc đối phó với các thách thức toàn cầu để có thể đưa ra được những giải pháp chung và hiệu quả. Với vai trò quan trọng của mình, G20 cần cung cấp động lực cần thiết cho việc cải tổ hệ thống kinh tế quốc tế để hệ thống này có thể phản ứng hiệu quả và kịp thời trước những thách thức phức tạp đang đặt ra. Bên cạnh đó, G20 cũng cần chủ động yêu cầu các đối tác phát triển cung cấp hỗ trợ cần thiết cho các quốc gia ở Nam bán cầu để giúp các nước này phục hồi trong tương lai gần cũng như giải quyết nhu cầu phát triển trong dài hạn.
Ngoại trưởng Shoukry nêu rõ các nước Nam bán cầu đang phải đối phó với nhiều thách thức lớn từ hậu quả của các cuộc khủng hoảng toàn cầu như đại dịch COVID-19, đứt gãy chuỗi cung ứng, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu. Các nước này sẽ không thể tiếp cận và chuyển đổi năng lượng hiệu quả nếu không được cung cấp đủ kinh phí và chuyển giao công nghệ. Hội nghị thượng đỉnh “Tiếng nói Nam bán cầu” diễn ra trong hai ngày 12-13/1, với sự tham gia của các quan chức đến từ 120 quốc gia, nhằm tìm kiếm nền tảng cho phép các quốc gia Nam bán cầu được tham gia vào các vấn đề về an ninh lương thực và an ninh năng lượng trong bối cảnh địa chính trị và địa kinh tế có nhiều diễn biến phức tạp. Nam bán cầu bao gồm các nước đang phát triển ở châu Phi, châu Á, Mỹ Latinh và châu Đại Dương.