Trang chủ Nghiên cứu - Trao đổiNghiên cứu Bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp qua các biện pháp phòng vệ thương mại

Bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp qua các biện pháp phòng vệ thương mại

bởi Linh

Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2023, Bộ sẽ tiếp tục quan tâm, bảo vệ lợi ích của các ngành sản xuất trong nước thông qua việc điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trên nguyên tắc công khai, minh bạch, tuân thủ quy định pháp luật và phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, để hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với các biện pháp phòng vệ thương mại, cũng như tránh thiệt hại cho hàng hoá hóa trong nước do sự gia tăng của hàng nhập khẩu, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thông qua các hoạt động cụ thể.

Đơn cử như Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại, tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ; nâng cao năng lực về phòng vệ thương trong bối cảnh tham gia các FTA…

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các hiệp hội, địa phương để phổ biến thông tin về phòng vệ thương mại đến doanh nghiệp giúp nắm vững được các nguyên tắc cơ bản của việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Ngoài ra là khả năng tác động đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu; hoạt động cần triển khai khi trở thành đối tượng bị điều tra để hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp.

Mặt khác, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp cùng với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh thu thập thông tin, cảnh báo, sớm tiếp cận với các doanh nghiệp trong những ngành có nguy cơ bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để cung cấp thông tin, giúp các doanh nghiệp hiểu được các nguyên tắc, quy trình điều tra.

Hơn nữa, tiếp tục trực tiếp can thiệp, trao đổi với cơ quan điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài khi phát hiện trong hoạt động điều tra có điểm chưa phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)…

Đặc biệt, nhằm tiếp tục đem lại hiệu quả tích cực cũng như giúp các ngành sản xuất trong nước khắc phục thiệt hại do sự gia tăng của hàng nhập khẩu gây ra, giữ vững sản xuất và từng bước phát triển, Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý, tích cực thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước về phòng vệ thương mại.

Thống kê cho thấy, trong năm 2022, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các ngành sản xuất trong nước xử lý 16 vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của ta, bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, xuất khẩu.

Nhờ có hiệu quả của các biện pháp phòng vệ thương mại, một số ngành sản xuất như thép mạ, phân bón DAP/MAP… đã cho thấy những con số phục hồi tích cực đến mức trong năm 2022, Bộ Công Thương đã quyết định không cần thiết phải tiếp tục duy trì biện pháp phòng vệ thương mại đối với những mặt hàng này.

Đại diện Bộ Công Thương cho hay, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại được xem là một phần quan trọng trong chính sách thương mại quốc tế của mỗi quốc gia bởi mục đích là bảo vệ hoặc hỗ trợ ngành sản xuất trong nước trong quá trình hội nhập, tự do hóa.

Tính đến hết tháng 11/2022, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị 22 quốc gia/vùng lãnh thổ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với tổng cộng 225 vụ việc phòng vệ thương mại.
Không chỉ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như sản phẩm gỗ, cá tra, cá basa, tôm, da giày, dệt may, thép mà các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu nhỏ hơn như mật ong, gạch men, giấy bọc thuốc lá… cũng đã bị điều tra phòng vệ thương mại.

Nhận định từ các chuyên gia, trước bối cảnh tình hình trong nước, khu vực và thế giới được dự báo sẽ có nhiều thay đổi với những diễn biến phức tạp, khó lường nhưng Việt Nam đang đứng trước cơ hội từ việc thực thi các cam kết hội nhập với mức độ mở cửa ngày càng cao.

Do đó, để khai thác tốt cơ hội này, Việt Nam cần tiếp tục phải chủ động hoàn thiện hệ thống về phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế.

Có thể bạn quan tâm