Trang chủ Việt NamĐầu tư phát triển Bình Dương đầu tư gần 22.000 tỷ cho các dự án giao thông, cao nhất từ trước đến nay

Bình Dương đầu tư gần 22.000 tỷ cho các dự án giao thông, cao nhất từ trước đến nay

bởi Linh

Tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 từ ngân sách của tỉnh Bình Dương là 18.675 tỷ đồng, so với năm 2022 tăng gấp 2,17 lần. Cộng gộp cả nguồn vốn ngân sách Trung ương được Thủ tướng Chính phủ giao, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 của Bình Dương là 21.817 tỷ đồng. Đây là số vốn đầu tư công được giao cao nhất từ trước đến nay.

UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Quyết định số 3679/QĐ-UBND về việc giao vốn đầu tư công năm 2023 (vốn ngân sách địa phương). Theo quyết định, tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 từ ngân sách của tỉnh là 18.675 tỷ đồng. So với năm 2022, nguồn vốn ngân sách địa phương dành cho đầu tư công của Bình Dương tăng gấp 2,17 lần. Cộng gộp cả nguồn vốn ngân sách Trung ương năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao thì tổng kế hoạch đầu tư công năm 2023 của Bình Dương là 21.817 tỷ đồng. Đây là số vốn đầu tư công được giao cao nhất từ trước đến nay.

Bình Dương đầu tư gần 22.000 tỷ cho các dự án giao thông, cao nhất từ trước đến nay

 Tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng dài 48 km sắp được đưa vào sử dụng (Ảnh VnExpress)

Việc Bình Dương được giao vốn đầu tư công cao hơn so với các năm trước nhằm đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng liên kết vùng như đường Vành đai 3, Vành đai 4 (TP HCM) đoạn qua Bình Dương; đường cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; đường ven sông Sài Gòn từ Thủ Dầu Một đến Thuận An, nút giao Sóng Thần,…

Bên cạnh đó, sẽ có thêm 99 dự án giao thông lớn được Bình Dương rót vốn trong năm mới với tổng kinh phí lên tới 12.819 tỷ đồng (58,8% tổng kế hoạch vốn năm 2023).

Như vậy, trong năm 2023, Bình Dương sẽ phân bổ vốn cho 103 dự án giao thông hạ tầng trên tổng số 311 dự án đầu tư công. Ngoài các dự án giao thông được tỉnh đầu tư, các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương sẽ có 25 dự án sẽ được khởi công.

Theo đó, TP Dĩ An sẽ khởi công nhiều dự án bằng nguồn ngân sách tỉnh gồm: Nâng cấp, mở rộng đường Tô Vĩnh Diện; nâng cấp, mở rộng đường D5 – D8, phường An Bình; đường Vành đai Đông Bắc 2; nâng cấp, mở rộng đường 30 tháng 4… TP Thuận An có 7 dự án, trong đó 2 dự án sử dụng nguồn ngân sách tỉnh là cải tạo, nâng cấp đường Bùi Thị Xuân (đoạn từ đường Mỹ Phước – Tân Vạn đến ranh phường Thái Hòa, thị xã Tân Uyên); xây dựng mới hệ thống thoát nước hạ lưu đường Lê Thị Trung, phường Bình Chuẩn. 5 dự án còn lại sử dụng ngân sách của thành phố. Thị xã Tân Uyên có 1 dự án sử dụng ngân sách tỉnh là nâng cấp, mở rộng tuyến đường ĐH.402, phường Tân Phước Khánh. 7 dự án khác thuộc ngân sách của địa phương. Huyện Bàu Bàng và Dầu Tiếng mỗi nơi có 1 dự án sử dụng ngân sách của tỉnh, lần lượt là nâng cấp, mở rộng đường ĐH.610 (Bàu Bàng); nâng cấp, mở rộng đường ĐT.744 (Đoạn từ Km24+460 đến ngã tư Cầu Cát) thuộc huyện Dầu Tiếng. Ngoài ra, tại huyện Bắc Tân Uyên có 4 dự án sử dụng ngân sách hoàn toàn của địa phương.

Trước đó cuối tháng 12/2022, Bình Dương khởi công dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT.746 đoạn từ ngã ba Tân Thành (huyện Bắc Tân Uyên) đến ngã ba Hội Nghĩa (thị xã Tân Uyên). Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư, có kinh phí gần 1.500 tỷ đồng.

Hiện nay, Bình Dương đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ để triển khai Dự án đường Vành đai 3 TP HCM. Dự án có tổng chiều dài 76,34km đi qua địa phận TP HCM và 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Trong đó đoạn đi qua Bình Dương dài khoảng 26,6km gồm dự án thành phần 5: Xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương (bao gồm nút giao Tân Vạn và cầu Bình Gởi) và dự án thành phần 6: Bồi thường, hỗ trợ tái định cư đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương.

Tổng mức đầu tư của dự án này khoảng 19.280 tỷ đồng, trong đó dự án xây lắp 5.752 tỷ đồng và dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư 13.528 tỷ đồng. Tổng diện tích thu hồi đất khoảng 85,86ha với khoảng 1.600 hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng. Dự án dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.

 

Liên quan đến việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, tỉnh Bình Dương đã ban hành kế hoạch số 6523/KH-UBND, về triển khai chiến dịch cao điểm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Chiến dịch được triển khai từ ngày 08/12/2022 đến 31/01/2023. Trong bản kế hoạch tỉnh Bình Dương đã giao chỉ tiêu tỷ lệ giải ngân cho 16 cơ quan, đơn vị và đề ra 12 nhiệm vụ cụ thể để các cơ quan, đơn vị thực hiện theo tiến độ.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương, trước khi ban hành kế hoạch, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 (bao gồm vốn năm 2021 kéo dài sang năm 2022) mới đạt 38,7%; ước tính đến ngày 05/01/2023, tỷ lệ giải ngân đạt 58,2% và đến ngày 31/01/2023 là 83,4%. Số vốn dự kiến giải ngân không đạt chủ yếu nằm ở các dự án như xây dựng đường từ cầu Tam Lập đến Đồng Phú; xây dựng cầu bắc qua sông Đồng Nai (Cầu Bạch Đằng 2); Bệnh viện đa khoa 1500 giường; bồi thường, giải phóng mặt bằng trục thoát nước Bưng Biệp – Suối Cát (đoạn thuộc TP.Thuận An)… Nguyên nhân dẫn đến giải ngân đầu tư công không đạt theo kế hoạch do khó khăn, vướng mắc liên quan đến giả
i phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư, quản lý dự án…

Có thể bạn quan tâm