Bộ Công Thương đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ sớm xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về yêu cầu thiết kế, lắp đặt, vận hành đối với trụ/thiết bị sạc điện cho xe điện.
Để đảm bảo tính thống nhất đồng bộ trong quản lý trụ/thiết bị sạc điện, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ sớm xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về yêu cầu thiết kế, lắp đặt, vận hành đối với trụ/thiết bị sạc điện cho xe điện đảm bảo phù hợp với các dòng xe điện lưu thông trên lãnh thổ Việt Nam.
Nội dung này được Bộ Công Thương đề cập trả lời văn bản số 3440/BKHCN-TĐC ngày 21/11/2022 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc bổ sung trụ/thiết bị sạc điện cho xe điện (cột đo điện năng sạc xe điện) vào Danh mục phương tiện đo nhóm 2.
Theo Bộ Công Thương, hiện nay thị trường xe điện trên thế giới đang phát triển rất mạnh mẽ với 3 thị trường lớn nhất gồm Trung Quốc, châu Âu và Hoa Kỳ.
Cùng với đó, ngành công nghiệp sạc điện bao gồm việc sản xuất, lắp đặt các trạm sạc điện, dịch vụ thu phí sạc điện và các dịch vụ khác đang tăng lên nhanh chóng và phát triển theo hai mô hình cơ bản do các công ty ôtô xây dựng trạm sạc của riêng hãng và mô hình còn lại do các công ty chuyên về các trạm sạc.
Tính đến tháng 6/2022, Trung Quốc có khoảng 3,91 triệu trạm sạc, bao gồm khoảng 1,52 triệu trạm sạc công cộng và 2,39 triệu trạm sạc tư nhân. Trong khi đó tại Hoa Kỳ, mới đây đã công bố các tiêu chuẩn mới cho chương trình xây dựng mạng lưới quốc gia gồm khoảng 500 nghìn trạm sạc xe điện vào năm 2030.
Các tiêu chuẩn này sẽ đảm bảo một mạng lưới bộ sạc thống nhất với các hệ thống thanh toán, thông tin giá cả, tốc độ sạc và các yêu cầu thông tin thời gian thực về giá cả và vị trí của trạm, các trạm sẽ được yêu cầu có số lượng và loại bộ sạc tối thiểu; tại châu Âu, năm 2021 có khoảng 290 nghìn điểm sạc và mục tiêu đến năm 2025 là 1 triệu điểm sạc và đến năm 2030 là 3 triệu điểm sạc.
Tổng hợp số liệu cho thấy, một số nước tại châu Á như: Nhật Bản hướng tới việc chuyển đổi hoàn toàn các loại xe chở khách thành xe điện, xe Hybrid, xe chạy sử dụng pin nhiên liệu Hydro. Mục tiêu đến năm 2030, số lượng các trạm sạc cho xe điện sẽ là 150 nghìn trạm.
Ở Việt Nam, VinFast là nhà sản xuất ôtô điện duy nhất tại Việt Nam và kế hoạch sẽ khai triển hơn 2 nghìn trạm sạc với hơn 40 nghìn cổng sạc cho xe máy điện và ôtô điện tại các bãi đỗ xe của các địa điểm trung tâm tỉnh, thành phố như chung cư, tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, siêu thị, bến xe, bãi đỗ xe công cộng, trường đại học, cao đẳng, khách sạn…
Cụ thể, tại các bãi đỗ xe, bến xe, các trạm sạc xe điện VinFast thường cung cấp tối thiểu 5 trụ sạc nhanh ôtô điện công suất 30kW, ít nhất 5 trụ sạc ô tô điện công suất 11kW.
Ngoài ra, tại tòa nhà chung cư, văn phòng, VinFast dự kiến triển khai từ 1-2 trụ sạc ô tô DC30kW và từ 6-7 trụ sạc AC11kW (tổng cộng có thể sạc đồng thời cho 9 xe ôtô điện).
Cùng đó, tại các trung tâm thương mại, dự kiến VinFast sẽ triển khai các trạm sạc hỗn hợp bao gồm: 6-8 trụ sạc nhanh ôtô điện công suất 30kW, 2-4 trụ sạc ô tô điện công suất 11kW.
Hàn Quốc phạt Tesla 2,2 triệu USD vì những quảng cáo sai lệch
Về quản lý đo lường đối với trụ/thiết bị sạc điện, theo thông tin tổng hợp từ Bộ Khoa học và Công nghệ, tháng 10/2022, tại Cuộc họp lần thứ 57 của Ủy ban Đo lường Pháp định quốc tế (CIML) – Tổ chức Đo lường pháp định quốc tế (OIML) đã thông báo về việc ban hành hướng dẫn OIML G22 “Các yêu cầu kỹ thuật đo lường, quy trình thử nghiệm và kiểm soát đo lường đối với trụ sạc điện cho xe điện” và đề nghị các nước thành viên; trong đó, có Việt Nam chủ động xây dựng các văn bản kỹ thuật đo lường phù hợp với thực tế và hài hoà với hướng dẫn OIML G22 để kiểm soát đo lường đối với phương tiện đo này khi có nhu cầu.
Ở Việt Nam, qua thu thập số liệu cho thấy số lượng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý đối với xe điện, trạm sạc điện vẫn còn hạn chế, thiếu các quy định quản lý nhà nước về yêu cầu kỹ thuật thiết kế, lắp đặt, vận hành và đo lường đối với trạm sạc điện.
Do đó, việc đề xuất bổ sung quản lý đo lường đối với trụ/thiết bị sạc điện là rất cần thiết, nhằm thống nhất chung các yêu cầu quản lý nhà nước về kỹ thuật đo lường đối với trụ/thiết bị sạc điện, phù hợp, hài hòa với quy định, yêu cầu kỹ thuật đo lường trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng nhu cầu của nhà sản xuất, nhập khẩu và bảo vệ người tiêu dùng.
Về bổ sung trụ/thiết bị sạc điện cho xe điện vào Danh mục phương tiện đo nhóm 2, Bộ Công Thương cho rằng, theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Đo lường (Luật số 04/2011/QH13): “Phương tiện đo được sử dụng để định lượng hàng hóa, dịch vụ trong mua bán, thanh toán, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, trong thanh tra, kiểm tra, giám định tư pháp và trong các hoạt động công vụ khác (sau đây gọi là phương tiện đo nhóm 2) thuộc Danh mục phương tiện đo nhóm 2 phải được kiểm soát theo yêu cầu kỹ thuật đo lường do cơ quan quản lý nhà nước về
đo lường có thẩm quyền quy định áp dụng.”
Tại Điều 5 Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2: “Hàng năm, theo đề xuất của các bộ, cơ quan ngang bộ và yêu cầu quản lý nhà nước về đo lường, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổng hợp, trình Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung Danh mục phương tiện đo, biện pháp kiểm soát về đo lường đối với phương tiện đo và chu kỳ kiểm định phương tiện đo quy định tại Điều 4 của Thông tư này”.
Vì vậy, việc đề xuất bổ sung trụ/thiết bị sạc điện (cột đo điện năng sạc xe điện) vào Danh mục phương tiện đo nhóm 2 là phù hợp với quy định pháp luật hiện hành về đo lường.