Sau những biến động gần đây của các thị trường tài chính toàn cầu, các nhà đầu tư đang đối mặt với một lo ngại khác là sự phục hồi của đồng USD.
Sau những biến động gần đây của các thị trường tài chính toàn cầu, các nhà đầu tư đang đối mặt với một lo ngại khác là sự phục hồi của đồng USD.
Đồng USD tăng gần 4% từ các mức thấp gần đây và ở gần mức cao kỷ lục của bảy tuần so với một giỏ các đồng tiền mạnh khác, do khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải tăng lãi suất lên mức cao hơn so với dự báo mà nhiều nhà đầu tư đưa ra trước đó để hạ nhiệt lạm phát.
Đồng bạc xanh vẫn giảm 8% so với mức cao kỷ lục 8 năm được ghi nhận vào năm ngoái. Tuy nhiên, việc đồng tiền này phục hồi cùng với lợi suất trái phiếu của Mỹ tăng đã làm phức tạp triển vọng của một loạt tài sản vốn đã tăng khi đồng USD lao dốc vào nửa cuối năm ngoái.
Do vai trò trung tâm của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu, biến động của đồng tiền này có tác động đến nhiều tài sản rủi ro.
Theo báo cáo vào tháng 11/2022 của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, đồng USD mạnh hơn có xu hướng thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu, trong khi làm giảm sức hấp dẫn của các tài sản rủi ro và làm yếu hoạt động thương mại. Các nước đi vay USD để thanh toán lãi các khoản vay sẽ gặp khó khăn hơn, đặc biệt là với các nền kinh tế thị trường mới nổi.
Đồng USD lên giá cũng khiến dầu thô, vàng và các hàng hóa được định giá bằng đồng tiền này đắt hơn với những người mua bằng các đồng tiền khác.
Các nhà phân tích tại UBS Global Wealth Management cho rằng một trong những nguyên nhân khiến giá dầu Brent giảm 2% kể từ đầu năm là việc đồng USD phục hồi. Việc Trung Quốc mở cửa và sự gián đoạn nguồn cung của Nga sẽ hạn chế ảnh hưởng của đồng USD và đẩy giá dầu lên trong thời gian tới.
Với Mỹ, đồng USD mạnh làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, trong khi ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của các công ty đa quốc gia khi họ tốn kém hơn để chuyển lợi nhuận bằng đồng tiền khác sang đồng USD.
Các nhà phân tích của Morgan Stanley cho rằng xu hướng của đồng USD có thể là yếu tố chính tác động đến diễn biến của thị trường chứng khoán Mỹ trong ngắn hạn, do mối liên quan giữa đồng tiền này và các điều kiện thanh khoản của toàn cầu.
Chỉ số S&P 500 giảm gần 5% từ các mức cao gần đây và tăng 3,6% kể từ đầu năm.
Nếu lãi suất tại Mỹ và đồng USD tiếp tục tăng, thị trường chứng khoán có thể nhanh chóng đi xuống.