Trang chủ Doanh nghiệp Cao su Đà Nẵng (DRC): Lợi nhuận 2022 cao nhất trong 5 năm bất chấp quý IV ‘đi lùi’

Cao su Đà Nẵng (DRC): Lợi nhuận 2022 cao nhất trong 5 năm bất chấp quý IV ‘đi lùi’

bởi Linh

Ngày 13/1, CTCP Cao su Đà Nẵng (mã: DRC) đã thông qua ước kết quả sản xuất kinh doanh quý IV/2022 và cả năm 2022, đồng thời công bố kế hoạch kinh doanh trong quý I/2023.

 

Theo đó, trong quý IV/2022, DRC ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.114 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 104 tỷ đồng, đều giảm 5% so với cùng kỳ năm 2021. 

Lũy kế cả năm 2022, DRC ước tính doanh thu thuần khoảng 4.898 tỷ đồng, tăng 12% so năm trước đó. Công ty lãi trước thuế 386 tỷ đồng, tăng 6%, là kết quả cao nhất của công ty kể từ năm 2017. Với kết quả này, công ty đã vượt 11% chỉ tiêu doanh thu và vượt 21% mục tiêu lợi nhuận năm 2022.

 

Trong quý I/2023, DRC đặt mục tiêu giá trị sản xuất thực tế 1.150 tỷ đồng; doanh thu bán hàng 1.150 tỷ đồng, lãi trước thuế 70 tỷ đồng, cùng giảm 15% so với kết quả quý I/2022.

Trước đó, ngày 28/12/2022, HĐQT Công ty đã công bố nghị quyết chấp thuận việc huy động vốn tại các tổ chức tín dụng, quỹ tài chính để thực hiện dự án “Đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất lốp xe tải Radial, nâng công suất lên 1 triệu lốp/năm”. Giá trị vay vốn tối đã là gần 598 tỷ đồng. Khoản vay sẽ được thế chấp tài sản hình thành từ chính dự án và các tài sản hợp lý khác. 

Trong một diễn biến khác, DRC đã chốt phương án tạm ứng cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 5% (1 cổ phiếu được nhận 500 đồng). Ngày đăng ký cuối cùng là 12/1, ngày thanh toán là 10/2. Với 118,8 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính doanh nghiệp sẽ chi hơn 59 tỷ đồng để thực hiện nghĩa vụ với cổ đông. 

Theo báo cáo của SSI Research, thời gian qua, Cao su Đà Nẵng đã chuyển một số nguồn lực (bao gồm một số dây chuyền sản xuất nhất định và nhân công) từ nhà máy lốp bias (sản xuất dòng lốp bố vải truyền thống) sang nhà máy radial (dòng lốp bố kẽm, lốp bố thép) để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với lốp radial.

Về thị trường xuất khẩu, lốp bias được xuất khẩu sang các thị trường kém phát triển hơn như Lào, Myanmar và một số quốc gia ở Trung Đông. Sản lượng tiêu thụ lốp bias tại các thị trường này bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu cao, quá trình chuyển đổi từ lốp bias sang lốp radial và nhu cầu yếu trong bối cảnh áp lực lạm phát.

Trong khi đó, lốp radial của Cao su Đà Nẵng được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, nơi mà sự cạnh tranh từ các công ty Trung Quốc không quá gay gắt do thời gian phong tỏa kéo dài ở Trung Quốc. Do đó, xuất khẩu lốp radial của Cao su Đà Nẵng vẫn tăng trưởng tốt trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, chuyên gia SSI nhận định.

Về xu hướng nguyên vật liệu, SSI Research dự báo Trung Quốc sẽ khôi phục sản xuất săm lốp khi dần dần nới lỏng giãn cách xã hội, do đó làm tăng nhu cầu về cao su tự nhiên và giá cao su tự nhiên trên thị trường. 

Tuy nhiên, với xu hướng giảm giá dầu, các chuyên gia SSI cho rằng giá cao su tự nhiên có thể chỉ tăng trong biên độ 1% – 5% trong năm 2023. Đồng thời, giá than đen và hóa chất trong nửa cuối năm 2022 và năm 2023 nhiều khả năng sẽ giảm cùng với giá dầu, ở mức 15% – 20% vào năm 2023.

 

Có thể bạn quan tâm