Trang chủ Doanh nghiệp Chất xúc tác cho doanh nghiệp ngành hàng không phục hồi

Chất xúc tác cho doanh nghiệp ngành hàng không phục hồi

bởi Linh

Việc nới lỏng các biện pháp chống COVID-19 của Trung Quốc được cho là sẽ tác động tích cực lên lĩnh vực du lịch, hàng không khi có lượng lớn khách Trung Quốc quay trở lại Việt Nam sau gần 3 năm bị hạn chế bởi dịch COVID-19.

Chất xúc tác cho doanh nghiệp ngành hàng không phục hồi

Thành phố Móng Cái sẵn sàng đón khách Trung Quốc trở lại. Ảnh minh họa: Văn Đức/TTXVN

Thực tế, Trung Quốc dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch trong nước từ đầu tháng 12/2022 và dự kiến sẽ mở cửa hoàn toàn nền kinh tế vào quý II/2023. Trung Quốc sẽ bỏ cách ly sau khi hạ cấp phòng COVID-19 từ ngày 8/1/2023.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), việc mở cửa trở của lại của Trung Quốc sẽ là động lực quan trọng để hỗ trợ nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2023, trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do nhu cầu tiêu thụ yếu.

Trên thực tế, dù đã mở cửa du lịch từ sớm, lượng khách du lịch quốc tế của Việt Nam đến từ châu Á trong 11 tháng đầu năm mới chỉ bằng 1/7 số lượt khách của năm 2019 với nguyên nhân không nhỏ đến từ việc thiếu vắng khách du lịch đến từ Trung Quốc (thường chiếm 30-40% số lượt khách đến từ châu Á).

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), gần đây, Trung Quốc rút lại chính sách “Zero covid” vốn kiên định trong thời gian dài và tuyên bố mở lại biên giới trước ngày 8/1/2023.

Yêu cầu duy nhất đối với hành khách đến quốc gia này là có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ trước khi khởi hành. Mặc dù SSI kỳ vọng Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại vào năm 2023, nhưng sự thay đổi trong chính sách này vẫn khiến các chuyên gia phân tích từ công ty chứng khoán này bất ngờ, vì ban đầu SSI  dự kiến việc rút dần các biện pháp và việc mở cửa trở lại hoàn toàn sẽ không diễn ra trước quý II năm 2023.

Do đó, SSI cho rằng, đây là chất xúc tác lớn cho toàn ngành hàng không, vì khách du lịch Trung Quốc chiếm 32% lượng du khách qua các cảng hàng không quốc tế đến Việt Nam vào năm 2019 và Trung Quốc cũng là thị trường điểm đến lớn của khách du lịch Việt Nam.

Tuy nhiên, SSI cũng không kỳ vọng lượng khách du lịch Trung Quốc sẽ phục hồi nhanh chóng ngay lập tức, vì Trung Quốc vẫn đang trong tình trạng lây lan COVID-19 nghiêm trọng và số ca nhiễm mới có thể tăng đột biến vào mùa Tết Nguyên đán trong tháng 1/2023.

Sau 3 năm phong tỏa, việc mở cửa trở lại đòi hỏi một khoảng thời gian nhất định đối với tất cả các đối tượng tham gia vào thị trường (công ty du lịch, hãng hàng không, khách sạn…).

Vì vậy, SSI dự báo lượng hành khách Trung Quốc đến Việt Nam sẽ dần phục hồi từ quý II năm 2023, trước khi đạt đỉnh vào kỳ nghỉ hè năm 2023. SSI  kỳ vọng năm 2024 có thể chứng kiến lượng khách quốc tế, lần đầu tiên sau 5 năm vượt qua con số của năm 2019, đánh dấu sự phục hồi hoàn toàn của ngành hàng không Việt Nam.

Lượng hành khách nội địa có thể chững lại vào năm 2023, do sẽ không còn hiện tượng “du lịch bù đắp” ở khách nội địa và SSI cũng dự đoán một phần hành khách du lịch nội địa trong năm 2022 sẽ chuyển sang du lịch quốc tế vào năm 2023.

Thu nhập khả dụng của người dân thấp hơn do áp lực lạm phát có thể là một tác động tiêu cực khác vào năm 2023. Vì vậy, SSI dự báo lượng hành khách hàng không nội địa sẽ không tăng trưởng vào năm 2023 trước khi quay trở lại mức tăng trưởng 5% trong 2 năm tiếp theo.

Mới đây, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã chứng khoán: ACV) đã tổ chức Hội nghị tổng kết thường niên cuối năm; trong đó, công ty đã công bố kết quả sơ bộ năm nay cũng như nhận định về triển vọng năm tới của ngành hàng không.

Công ty này cho rằng, trong bối cảnh quan điểm toàn cầu về COVID-19 đã thay đổi theo hướng coi virus này là một “bệnh lưu hành” và Trung Quốc đang mở cửa trở lại bằng cách gỡ bỏ tất cả các yêu cầu cách ly và giới hạn bay đối với các hãng hàng không từ ngày 8/1/2023, do đó, việc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đặt kế hoạch tích cực cho năm 2023 là hoàn toàn hợp lý.

Cụ thể, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đặt kế hoạch về tổng lượng hành khách năm 2023 đạt 116 triệu hành khách, tăng 17% so với cùng kỳ và quay trở lại con số năm 2019. Công ty không nêu cụ thể, nhưng các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho rằng phần lớn sự tăng trưởng sẽ đến từ sự phục hồi của khách quốc tế (cả khách quốc tế đến và khách quốc tế đi từ Việt Nam), vì khách nội địa đã kết thúc giai đoạn phục hồi.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam dự kiến doanh thu đạt 18,4 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ và cũng trở lại mức năm 2019. Tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận trước thuế thấp hơn 17% so với năm 2019, đạt 8,5 nghìn tỷ đồng.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, hầu hết các quốc gia đã dỡ bỏ hạn chế cho du khách và điều này sẽ hỗ trợ cho nhu cầu du lịch quốc tế. Sản lượng khách quốc tế có thể phục hồi về mức 84% trong quý II/2023 và 100% trong quý IV/2023, giúp tổng sản lượng khách quốc tế tăng 195% so với cùng kỳ trong năm 2023.

VNDIRECT cho rằng, có độ tương quan cao với hàng không quốc tế, bán lẻ hàng không sẽ là ngành hưởng lợi nhất khi sản lượng khách quốc tế phục hồi.

Các chuyên gia phân tích từ VNDIRECT cho biết họ ưa thích mô hình bán lẻ hàng không nhờ rào cản gia nhập ngành cao cùng biên lợi nhuận vượt trội. Với cảng hàng không, tăng trưởng tương đối vững chắc nhưng có thể bị thu hẹp trong năm 2024 do công suất bị hạn chế.

Dù vậy, triển vọng tăng trưởng của các hãng hàng không bị hạn chế bởi chi phí nhiên liệu cao, biến động tỷ giá và lãi suất tăng.

Tuy nhiên, VNDIRECT nêu quan điểm rằng vẫn ưa thích mô hình hàng không giá rẻ hơn hàng không truyền thống, do mô hình giá rẻ ít bị biến động trong môi trường tài chính không ổn định cùng chi phí nhiên liệu cao.

Có thể bạn quan tâm