Theo các báo cáo phân tích gần đây của một số công ty chứng khoán, nhóm chuyên gia nhận định chính sách tiền tệ được kỳ vọng sẽ nới lỏng trong nửa cuối năm 2023, sau khi tình hình lạm phát được kiểm soát ở nửa đầu năm.
Tín dụng bật tăng mạnh trong 10 ngày cuối 2022
TheoBản tin thị trường tiền tệ, trái phiếu tuần 26/12/2022 – 30/12/2022 được SSI Research công bố ngày 3/1, biến động trên thị trường tiền tệ trong tuần giao dịch cuối cùng của năm không quá nhiều bất ngờ, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống vẫn tương đối dư thừa. Xuyên suốt trong những ngày đầu tuần, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tiếp tục xu hướng giảm, với mức thấp nhất là 2,8% vào phiên giao dịch ngày 22/12/2022. Trạng thái này đã được đảo ngược trong ngày giao dịch 30/12/2022 và kết tuần, lãi suất liên ngân hàng bật tăng về mức 5% (tăng 150 điểm cơ bản).
Trên kênh hoạt động thị trường mở, NHNN tiếp tục linh hoạt kết hợp nghiệp vụ mua kỳ hạn và bán tín phiếu. Trong đó, trên kênh mua kỳ hạn, NHNN chào thầu 49.000 tỷ đồng (tăng gấp đôi so với tuần trước) ở kỳ hạn 7 ngày và lãi suất là 6,0%. Tổng khối lượng trúng thầu đạt 41.900 tỷ đồng trúng thầu (riêng phiên ngày 30/12/2022 là 17.300 tỷ).
Trên kênh tín phiếu, NHNN chào thầu với kỳ hạn 7 ngày ở hầu hết các phiên, với tổng khối lượng trúng thầu đạt 124.400 tỷ đồng, lãi suất dao động từ 5,2% đến 6,0%. Kết tuần cuối năm 2022, NHNN hút ròng 37.200 tỷ đồng thông qua nghiệp vụ thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh mua kỳ hạn là 62.900 tỷ và kênh tín phiếu là 124.400 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, theo SSI Research, trong hội nghị tổng kết năm 2022 của Chính phủ, NHNN đã công bố tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 ước đạt 14,5% so với cuối năm 2021 (năm 2021: 13,6%). Như vậy, chỉ trong 10 ngày cuối cùng của tháng 12/2022, tín dụng đã bật tăng khoảng hơn 1,5 điểm phần trăm, tuy nhiên mức tăng trưởng này vẫn thấp hơn hạn mức mà NHNN cho phép trong năm 2022 là 16%.
Bức tranh tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 có thể được chia rõ rệt thành 2 màu sắc, tăng mạnh trong nửa đầu năm và giảm nhiệt trong nửa cuối năm trong bối cảnh các điều kiện tài chính thắt chặt hơn.
Nhìn chung, SSI Research đánh giá, chính sách tiền tệ xuyên suốt năm 2022 là linh hoạt với xu hướng thắt chặt, tùy theo diễn biến tình hình để xác định trọng tâm, trọng điểm ưu tiên trong từng thời điểm.
Thực tế, từ tháng 10/2022 khi sự cố SCB xảy ra tác động mạnh tới thanh khoản hệ thống và thị trường, NHNN đã ưu tiên cao nhất và tập trung thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn hệ thống và ổn định thị trường ngoại hối.
Năm 2023: Kiểm soát lạm phát là tiền đề để nới lỏng chính sách tiền tệ
Theo báo cáo Vĩ mô và thị trường 2023 được Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) công bố ngày 22/12/2022, kiểm soát được lạm phát trong 6 tháng đầu năm là cơ sở để kỳ vọng chính sách tiền tệ nới lỏng hơn trong nửa cuối năm 2023.
Trước đó, trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tăng lãi suất điều hành 2 lần (trong tháng 9 và tháng 10) với mức tăng khá lớn lên tới 200 điểm cơ bản.
Lãi suất tái cấp vốn được nâng từ 4% lên 6% và lãi suất tái chiết khấu từ 2,5% lên 4,5%. Trần lãi suất cho vay qua đêm liên ngân hàng và lãi suất cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN được nâng từ 5% lên 7%.
Trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng được nâng từ 4% lên 6% trước đó. Kể từ đầu năm 2022, mức tăng lãi suất điều hành của Việt Nam lớn hơn đáng kể so với các nước trong khu vực.Về tình hình lạm phát, lạm phát năm 2022 tương đối thấp ở mức 3,2%. Tuy nhiên, Việt Nam tiếp tục chứng kiến áp lực lạm phát tăng lên. Tháng 12/2022 là tháng thứ 3 liên tiếp lạm phát vượt mức trần 4% của NHNN (lạm phát trong 3 tháng cuối năm 2022 của Việt Nam tăng lần lượt 4,47%; 4,81% và 4,99% so với cùng kỳ).
Về áp lực giá năm 2023, theo Báo cáo Chiến lược Đầu tư năm 2023 của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) (công bố 30/12/2022), lạm phát các tháng đầu năm được dự báo có thể vẫn ở mức cao và giảm dần sau đó. Đồng thời, lạm phát không phải là vấn đề đáng quan ngại trong năm 2023, và triển vọng lạm phát xoay quanh hai yếu tố: giá dầu và chính sách.
Liên quan đến giá dầu, vào đầu tháng 12/2022, giá dầu thế giới đã giảm rất nhanh trước triển vọng u ám của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Mặc dù vấn đề nguồn cung vẫn khó đoán nhưng xác suất dầu trở về mức đỉnh của năm 2022 là khá thấp.
Liên quan đến vấn đề chính sách, VDSC chỉ ra có 4 điểm đáng chú ý, bao gồm: Mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu năm 2023 sẽ giữ nguyên như năm 2022; giá điện có thể được điều chỉnh tăng từ 5-10% trong 2023; chính sách tăng tiền lương cơ bản; Chính phủ nới lỏng chính sách tiền tệ và mục tiêu lạm phát.
VDSC cho biết, trong bối cảnh cầu tiêu dùng trong nước không khả quan, tác động của cung tiền tăng thấp kéo dài từ năm 2022 sang 2023 thì lạm phát vẫn có thể kiểm soát được ở mức 4,2%.
Còn theo báo cáo ngày 3/1/2023 của SSI Research, mục tiêu điều hành trong năm 2023 cũng không có nhiều khác biệt với 2022, là sẽ tùy vào trạng thái thực tế của thị trường để có những giải pháp phù hợp. Tuy nhiên, với mặt bằng lãi suất cuối 2022 ở mức tiệm cận cao (tương đương giai đoạn 2011-2012) và tăng trưởng kinh tế trong năm tới sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do các yếu tố từ bên ngoài, chính sách tiền
tệ được kỳ vọng sẽ có xu hướng nới lỏng hơn và kết hợp với chính sách tài khóa mở rộng nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong năm nay.
Đồng quan điểm với SSI Research, báo cáo Vietnam At A Glance – Tăng trưởng 8% nhưng cần thận trọng của HSBC ngày 5/1/2023 cũng dự báo xu hướng thắt chặt các chính sách tiền tệ của NHNN sẽ chậm lại trong năm 2023, khi FED giảm tốc độ tăng lãi suất và biến động thị trường ngoại tệ được xoa dịu. Tuy nhiên, khi FED chưa ngừng tăng lãi suất, chu kỳ tăng lãi suất trong nước sẽ còn tiếp tục.
HSBC dự báo NHNN sẽ nâng lãi suất tái cấp vốn 0,5 điểm % trong quý I và II, đồng thời nâng lãi suất tái cấp vốn lên 7%/năm vào giữa 2023.