Ông Phạm Thiếu Hoa, chủ tịch HĐQT Vinhomes kiến nghị thị trường trái phiếu doanh nghiệp khó khăn, nên mong muốn ngân hàng xem xét giải ngân chi phí ban đầu.
Phát biểu tại Hội nghị Tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức ngày 8/2, ông Phạm Thiếu Hoa, Tổng Giám đốc CTCP Vinhomes (mã chứng khoán: VHM) chia sẻ, trong đầu tư bất động sản có nhiều chi phí phát sinh nhưng không phải chi phí nào cũng được ngân hàng giải ngân như chi phí giải phóng mặt bằng.
Trước đây, khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn tốt thì doanh nghiệp có thể huy động vốn để tài trợ cho các chi phí ban đầu này, còn hiện tại thì không. Do vậy, doanh nghiệp đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét hỗ trợ.
Về lãi suất vay vốn: BĐS đang chịu hệ số rủi ro cao lên tới 200% so với hoạt động kinh doanh thông thường. BĐS với các các dự án có đầy đủ cơ sở pháp lý, không quá nhiều rủi ro so với các ngành kinh doanh khác.
Do đó, lãi suất cho vay cao hơn các ngành nghề khác sẽ ảnh hưởng đến nhà đầu tư và khách hàng. Bên cạnh đó, việc hạn chế room tín dụng cho vay BĐS cũng bị hạn chế đẩy lãi suất cho vay tăng lên.
Việc vướng mắc tiếp cận tín dụng của BĐS còn liên quan đến tài sản đảm bảo khi các ngân hàng yêu cầu tỷ lệ tài sản đảm bảo trên vốn vay cao hơn các khoản vay thông thường.
“NHNN nên xem xét các dự án có đầy đủ cơ sở pháp lý thì nên duy trì tỷ lệ tài sản đảm bảo như các khoản vay thông thường trong bối trưởng thị trường đang gặp nhiều khó khăn”, theo ông Hoa.
Trên cơ sở đó, đại diện Vinhomes đề nghị NHNN và các ngân hàng làm rõ các quy định, tháo gỡ các vướng mắc về mục đích vay vốn và hình thức giải ngân tại các văn bản hướng dẫn, có biện pháp tháo gỡ về cơ chế liên quan đến việc xếp loại và kiểm soát cho vay trong lĩnh vực BĐS
Bên cạnh đó, cần bổ sung các cơ chế chính sách đặc thù cho các nhà đầu tư lớn, các dự án có đầy đủ pháp lý mang tính trọng điểm, tránh tình trạng cào bằng. Đồng thời có biện pháp giảm dần lãi suất để hỗ trợ khả năng tài chính cho người dân và chủ đầu tư.
NHNN chưa thông báo siết chặt tín dụng bất động sản
Kết luận Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng ghi nhận và chia sẻ với khó khăn của thị trường BĐS. Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường cần rất nhiều chính sách khác nhau, trong đó có chính sách tín dụng.
Thống đốc ghi nhận cụ thể các kiến nghị của các DN, hiệp hội như: Làm rõ, bổ sung các quy định về mục đích vay vốn; quy định về hình thức giải ngân; giãn nợ 24 – 36 tháng; đề xuất giữ nguyên nhóm nợ, không nên phân biệt hệ số rủi ro; phối hợp với Bộ Tài chính xử lý những khó khăn, vướng mắc về trái phiếu DN…
“Trên thực tế NHNN chưa có văn bản nào nêu vấn đề thắt chặt tín dụng vào BĐS. Việc cho vay phụ thuộc vào thẩm định của các tổ chức tín dụng đối với các DN, nhưng vẫn bảo đảm an toàn hoạt động”, Thống đốc khẳng định.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2023, định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 14 -15%, nhưng không hề cứng nhắc mà có điều chỉnh tùy theo tình hình. Nếu diễn biến lạm phát cho phép thì việc điều hành tín dụng có thể sẽ linh hoạt mức cao hơn hoặc ngược lại.
Đối với các đơn vị thuộc NHNN, Thống đốc chỉ đạo rà soát, tổng hợp đầy đủ và nghiên cứu các kiến nghị của DN, hiệp hội tham mưu thêm các giải pháp. Tăng cường kiểm tra, thanh tra các ngân hàng cho vay dồn vốn cho các DN, tập đoàn sân sau của mình.
“Những khó khăn, vướng mắc của thị trường BĐS cần giải pháp của tất cả các bộ, ngành và địa phương. Mong rằng các đơn vị cùng phối hợp với NHNN để tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực này”, Thống đốc nói.
Về phía các DN, khi tình hình vĩ mô có những biến động, trong đó các chính sách vĩ mô có thể thay đổi, DN cần chủ động việc đầu tư và sản xuất kinh doanh.
“Có DN BĐS cùng một lúc triển khai trên 50 dự án, không hiểu việc làm đồng thời nhiều dự án như vậy có chủ động lường trước những khó khăn hay không? Do đó, các DN cần phải có kế hoạch và thận trọng khi xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng dẫn ví dụ.
Lãnh đạo NHNN lưu ý: Các DN đều cần chú trọng trong việc quản trị dòng tiền, tính toán tình hình thị trường. DN có thể có rất nhiều dự án và tài sản giá trị lớn, nhưng khi cần tiền ngay lại khó vì bán một dự án không phải dễ, việc này phụ thuộc vào người mua, vào thủ tục pháp lý, thủ tục hành chính…cần đa dạng hóa khả năng huy động vốn, giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng. Khi phụ thuộc vào vốn ngân hàng, trong bối cảnh lạm phát rất cao, chính sách tiền tệ phải thắt chặt sẽ gặp khó khăn.
“Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, lãnh đạo NHNN cho rằng việc này cần nỗ lực không chỉ từ hệ thống ngân hàng, mà còn từ chính các DN, các dự án phải minh bạch và đủ điều kiện. Các DN cũng phải tự mình trong việc tái cơ cấu để phù hợp với khả năng tài chính và khả năng quản lý dòng tiền của mình…”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
Tình hình kinh doanh Vinhomes: CTCP Vinhomes (Mã: VHM) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 với mức doanh thu tăng mạnh so với cùng kỳ.
Cụ thể, tổng doanh thu thuần hợp nhất ghi nhận trong quý IV/2022 đạt 31.193 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhờ bàn giao thêm 2.200 căn bất động sản thấp tầng tại đại dự án Vinhomes Ocean Park 2 – The Empire.
Tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 12.467 tỷ đồng, lợi nhuận hợp
nhất sau thuế của công ty mẹ đạt 8.928 tỷ đồng, giảm tương ứng 10% và 24% so với cùng kỳ.
Lũy kế cả năm 2022, nhờ tốc độ bàn giao kỷ lục tại Vinhomes Ocean Park 2 – The Empire, tổng doanh thu thuần hợp nhất đạt 62.392 tỷ đồng. Tổng doanh thu thuần hợp nhất quy đổi, bao gồm doanh thu từ các hoạt động của Vinhomes, các hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) và chuyển nhượng bất động sản được ghi nhận vào thu nhập tài chính vượt kế hoạch đề ra, đạt 81.406 tỷ đồng.
Tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2022 đạt 38.661 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất sau thuế của công ty mẹ gần đạt kế hoạch ở mức 28.628 tỷ đồng.
Hoạt động bán hàng năm 2022 hồi phục mạnh mẽ sau hai năm chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-1, với giá trị hợp đồng ký mới trong năm (doanh số) đạt mức kỉ lục 128.200 tỷ đồng, tăng 62% so với năm 2021. Nhờ đó doanh số chưa bàn giao đạt mức 107.600 tỷ đồng, tăng 105% so với thời điểm cuối năm 2021, giúp đảm bảo doanh thu và lợi nhuận trong các quý tới trong bối cảnh thị trường chung có nhiều thách thức.
Tại thời điểm 31 tháng 12 năm 2022, quy mô tổng tài sản của Vinhomes đạt 361.200 tỷ đồng, tăng 57% so với tại thời điểm 31/12/2021, trong đó khoản mục tiền và tương đương tiền tăng 53% lên hơn 14.700 tỷ đồng, nhờ mở bán thành công đại dự án mới.