Trang chủ Nghiên cứu - Trao đổiNghiên cứu Chuyên gia đề nghị không quy định chấm dứt quyền sở hữu khi phá dỡ chung cư

Chuyên gia đề nghị không quy định chấm dứt quyền sở hữu khi phá dỡ chung cư

bởi Linh

Chiều 14/2, tại TP Hồ Chí Minh, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội thảo “Lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi)”.

Chuyên gia đề nghị không quy định chấm dứt quyền sở hữu khi phá dỡ chung cư

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hồng Giang/TTXVN

Đối với Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết, dù Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) hiện tại không còn sử dụng các khái niệm trực tiếp như “sở hữu nhà chung cư có thời hạn”, hoặc “gia hạn thời hạn sở hữu nhà chung cư” như trong các dự thảo trước đây, nhưng về bản chất vẫn giữ quan điểm sở hữu nhà chung cư có thời hạn.

Theo đó, Điều 25 của Dự thảo mới vẫn quy định quyền sở hữu nhà chung cư chấm dứt khi có thông báo phá dỡ nhà chung cư, hoặc khi UBND cấp tỉnh thông báo về việc phá dỡ nhà chung cư thì quyền sở hữu ghi trong giấy chứng nhận đã cấp cho các chủ sở hữu nhà chung cư không còn giá trị pháp lý. Trong khi đó, Điều 26 Dự thảo cũng quy định “xử lý nhà chung cư khi chấm dứt quyền sở hữu”. 

Theo ông Lê Hoàng Châu, các quy định trên không đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của đa số người dân mua căn hộ nhà chung cư gắn liền với quyền sử dụng đất ổn định lâu dài, muốn được sở hữu nhà chung cư không xác định thời hạn.

Ngoài ra, phân tích sâu hơn, ông Châu cũng cho rằng các quy định nói trên cũng chưa phù hợp, thậm chí còn bất cập với các quy định pháp luật hiện hành.

Trước hết, quan điểm sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo sẽ có tác động bất lợi đến tiến trình đô thị hóa theo định hướng tại khoản 4 Điều 14 Luật Nhà ở 2014 và khoản 4 Điều 7 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định: “Tại khu vực nội thị thuộc đô thị loại đặc biệt, đô thị loại 1 thì chủ yếu phát triển nhà chung cư”.

Bên cạnh đó, quy định “quyền sở hữu nhà chung cư chấm dứt khi có thông báo phá dỡ nhà chung cư” tại điều 25 cũng chưa phù hợp với khoản 3 Điều 237 Bộ Luật Dân sự 2015.

Ông Châu lý giải, tại thời điểm có thông báo phá dỡ nhà chung cư thì nhà chung cư chưa bị phá dỡ, chưa bị tiêu hủy nên không thể chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư của các chủ sở hữu tại thời điểm này. Trường hợp nhà chung cư đã bị phá dỡ thì cũng không thể cho là nhà chung cư đã bị tiêu hủy, bởi lẽ tài sản nhà chung cư bao gồm tòa nhà chung cư và các công trình hạ tầng phục vụ cư dân cùng đất xây dựng khu chung cư. Vì vậy, dù tòa nhà chung cư đã bị phá dỡ thì đất xây dựng vẫn còn tồn tại, không thể chấm dứt quyền sở hữu.

Chuyên gia đề nghị không quy định chấm dứt quyền sở hữu khi phá dỡ chung cư

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh Trần Việt Anh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hồng Giang/TTXVN

Đồng quan điểm, ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, Điều 26 dự thảo Luật Nhà ở đang có phần can thiệp hành chính quá sâu vào việc sở hữu nhà ở của các chủ sở hữu nhà chung cư trong khi chưa quy định rõ về việc xử lý quyền sử dụng đất khi nhà chung cư bị phá dỡ trong các trường hợp này. Quy định tại khoản 1 Điều 26 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) còn chưa tính đến việc khi chủ sở hữu bị chấm dứt quyền sở hữu theo Điều 25 dự thảo luật thì không thể thực hiện phá dỡ nhà chung cư do không còn quyền sở hữu đối với nhà chung cư này…

Ngoài ra, ông Huy cho rằng, quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư sẽ làm phát sinh hàng loạt các vấn đề cần lưu ý, xử lý và đánh giá kỹ lưỡng như tâm lý thị trường không thích mua nhà chung cư sẽ ảnh hưởng đến chính sách phát triển nhà chung cư; tác động lớn đến thị trường bất động sản, đặc biệt trong bối cảnh thị trường đang trầm lắng; phát sinh các vấn đề pháp lý như quyền sử dụng đất ở ổn định lâu dài nhưng quyền sở hữu nhà ở có thời hạn là không thực sự phù hợp trong khi nhà và đất gắn liền với nhau.

Trước những bất cập trên, các đại biểu kiến nghị bỏ các quy định về chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư khi phá dỡ chung cư và xử lý nhà chung cư khi chấm dứt quyền sở hữu tại các Điều 25, 26 trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). 

Đồng thời, các đại biểu cũng đề xuất xây dựng lại Điều 25 và 26 với nội dung phù hợp như chỉ nên quy định “xác lập quyền sở hữu nhà chung cư không xác định thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất ổn định lâu dài” hoặc “quyền sở hữu nhà chung cư có thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất có thời hạn” và quy định các trường hợp phá dỡ nhà chung cư để xây dựng lại nhà chung cư nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đối với dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi), nhiều đại biểu kiến nghị quy định bắt buộc mọi giao dịch nhà đất, trừ giao dịch giữa những người cùng huyết thống, phải thông qua sàn giao dịch môi giới bất động sản để ngăn chặn việc khai khống giá mua bán.

Luật sư Lê Hồng Nguyên, Trưởng cơ quan đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh cho biết, có nhiều ý kiến cho rằng việc yêu cầu các giao dịch bất động sản phải thực hiện qua sàn giao dịch có thể tạo thêm những thủ tục hành chính rườm rà, từ đó ảnh hưởng đến lượng giao dịch về bất động sản trên thị trường.

Tuy nhiên trên thực t
ế, việc mua bán không thông qua sàn giao dịch bất động sản như hiện nay khiến cơ quan chức năng không thể kiểm soát được các giao dịch mua bán, nhất là giá trị thật của các hợp đồng chuyển nhượng trên thị trường. Nhiều trường hợp người dân mua nhà 10 tỷ đồng nhưng chỉ kê khai 1 tỷ đồng khiến hồ sơ bị dừng, không cho đăng bộ.

Thời gian qua, cơ quan thuế đã đưa ra rất nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng khai gian giá trị mua bán hoặc người dân mua đi bán lại không có sự kiểm soát về giá và dòng tiền nhưng sự minh bạch của thị trường vẫn chưa đảm bảo. Do đó, việc quy định các giao dịch bất động sản phải thông qua sàn giao dịch bất động sản là cần thiết.

Chuyên gia đề nghị không quy định chấm dứt quyền sở hữu khi phá dỡ chung cư

Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN

Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho rằng, Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) chỉ mới giải thích các khái niệm của các loại hình nhà ở riêng lẻ, nhà chung cư, nhà ở thương mại, nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội… mà chưa xét đến những loại hình mới xuất hiện trên thị trường như căn hộ du lịch (condotel), căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú (officetel), căn hộ dịch vụ (serviced apartment), căn hộ khách sạn (hometel)…

Theo ông Khiết, những loại hình bất động sản trên đã tồn tại trong thời gian dài nhưng vẫn thiếu tính pháp lý, phát triển tự phát, không minh bạch trên thị trường và tiềm ẩn nhiều rủi ro trong hoạt động chuyển nhượng. Trong hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành xây dựng cũng không có khái niệm về các loại hình này.

Trên cơ sở đó, ông Khiết kiến nghị bổ sung định nghĩa, khái niệm cùng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật kèm theo của các loại hình chưa được quy định trong Dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản và cả Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để thống nhất cách hiểu trong quá trình triển khai thực tế, cũng như xem xét cách thức quy định để tránh thiếu sót.

Có thể bạn quan tâm