Các chuyên gia phân tích thị trường đã nhận định kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp ngành nhựa Việt Nam từ quý IV/2022 sẽ tăng trưởng tốt so với mức nền của năm 2021. Dự báo cho năm 2023, nhìn chung, các công ty chứng khoán đều cùng quan điểm về sự phát triển thuận lợi của ngành.
Ngành nhựa – một trong những ngành tăng trưởng ổn định trong năm 2022
Tại Việt Nam, ngành nhựa ghi nhận phát triển vượt bậc trong thập kỷ trước (2010 – 2020). Thị phần ngành nhựa có lượt tiêu thụ và tăng trưởng hằng năm từ 16-18% đứng sau ngành dệt may và công nghệ viễn thông. Cùng với tốc độ tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ ngành nhựa được xem là một ngành khá năng động trong nền kinh tế.
Trong cuộc họp hồi giữa tháng 7/2022 với chủ đề “Những bước chuẩn bị để đáp ứng các tiêu chuẩn trong ngành tái chế và xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn đối với ngành nhựa”, Hiệp hội nhựa Việt Nam (VPA) báo cáo sản lượng toàn ngành đạt 5,9 triệu tấn, tăng 2,1% so với lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu vượt 13 tỷ USD, tăng 14,6% trong bối cảnh giá đầu vào và chi phí tăng từ 10-30%.
Vế số doanh nghiệp, ước tính năm 2022, cả nước ghi nhận trên 3.300 doanh nghiệp và hơn 250.000 lao động thuộc ngành nhựa.
Về kết quả kinh doanh, báo cáo tài chính đến hết quý III/2022 của loạt doanh nghiệp trong ngành cũng cho thấy những con số ấn tượng.
Nổi bật với vốn hóa thị trường lớn nhất trong ngành nhựa (5.001 tỷ đồng) gọi tên Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP). Báo cáo tài chính quý III BMP ghi nhận doanh thu xấp xỉ 1.500 tỷ đồng, gấp khoảng ba lần so với cùng kỳ (svck) năm ngoái. Lãi ròng 175 tỷ đồng trước tình hình chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp và chi phí tài chính đồng loạt tăng mạnh. Trong khi đó, số liệu cùng kỳ chịu lỗ 26 tỷ đồng.
Đây là mức lãi hàng quý cao nhất từ khi Nhựa Bình Minh thành công ty con của Nawaplastic Industries, thành viên của Tập đoàn SCG (Thái Lan) vào đầu năm 2018. Nawaplastic Industries hiện nắm quyền chi phối tại đây với tỷ lệ 54,39%.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của công ty đạt 4.400 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 447 tỷ đồng, lần lượt tăng mạnh 40,5% và 351% svck.
Trong đại hội cổ đông thường niên 2022, Ban lãnh đạo BMP đặt kế hoạch doanh thu tăng 24,4% so với cùng kỳ lên 5.680 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 109% lên 448 tỷ đồng. Tính lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, công ty đã thực hiện 77,6% kế hoạch doanh thu đặc biệt đã hoàn thành mục tiêu kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận năm 2022.
Với Công ty cổ phần DNP Holding (HNX: DNP); Quý III/2022, doanh thu thuần của công ty đạt 1.675 tỷ đồng, tăng 20,16% svck, lợi nhuận sau thuế 17 tỷ đồng, gấp 8,5 lần svck năm trước. Lũy kế 9 tháng, DNP ghi nhận doanh thu 5.072 tỷ đồng, tăng 47,3%, lợi nhuận sau thuế gần 43 tỷ đồng, gấp 6 lần svck 2021.
Với Công ty cổ phần Nhựa An Phát Xanh (HOSE: AAA), doanh thu thuần và lãi ròng lũy kế 9 tháng lần lượt đạt 11.883 tỷ đồng và 266 tỷ đồng, tương ứng tăng 33% và 5% svck 2021. Biên lợi nhuận gộp 8,8%, giảm so với mức 10,3% cùng kỳ do ảnh hưởng của chi phí mảng thương mại hạt nhựa. Trong đó, biên lợi nhuận gộp mảng bao bì tăng từ 14,8% lên 17,5% và mảng hạt nhựa phụ gia tăng từ 30,8% lên 34,7%. Chi phí tài chính tăng 23% do chênh lệch tỷ giá tăng 181%. Doanh thu tài chính giảm hơn 12% do không còn khoản thu từ chuyển nhượng chứng khoán.
Nhận định về triển vọng ngành trong các tháng cuối năm 2022 được công bố hồi tháng 9/2022, Công ty trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS) nhận định nhựa nhiệt dẻo Polyvinyl clorua (PVC) trong nửa cuối năm 2022 sẽ duy trì ở mặt bằng giá thấp giúp biên lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành nhựa tích cực do nguồn cung thiếu hụt tại Mỹ đã phục hồi và nguồn cung trên thế giới tăng mạnh.
Ngoài ra, theo VCBS, sản lượng tiêu thụ các sản phẩm nhựa xây dựng vẫn có nhiều tiềm năng tăng trưởng do nửa đầu năm 2022, số căn hộ bất động sản được triển khai tại miền Bắc cho thấy mức tăng trưởng tốt sau thời gian dài sụt giảm. Điều này thúc đẩy sản lượng tiêu thụ ống nhựa tại khu vực này trong nửa cuối 2022 và 2023.
Triển vọng cho năm mới với ‘các ông lớn’ ngành nhựa: cơ hội xen lẫn thách thức
Nhìn chung, các công ty chứng khoán đều cùng quan điểm về sự phát triển thuận lợi của ngành nhựa nói chung cũng như các doanh nghiệp trong ngành nói riêng trong năm 2023.
Nhận định về triển vọng kinh doanh của Nhựa Bình Minh dài hạn, các chuyên gia VCBS kỳ vọng việc hồi phục nguồn cung từ các dự án bất động sản sẽ là động lực thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận chính cho BMP. Bên cạnh đó, BMP cũng đang thực thi mạnh mẽ kế hoạch gia tăng thị phần của mình tại các thị trường miền Bắc và miền Trung bằng các chính sách khuyến mãi hấp dẫn.
Ở quan điểm thận trọng hơn, Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) lại nhận định kết quả kinh doanh của Nhựa Bình Minh (BMP) sẽ gặp khó khăn trong 2023 và dần phục hồi từ 2024. Theo đó, các chuyên gia đánh giá tình hình kinh doanh kém khả quan do nhu cầu ống nước phụ thuộc vào diễn biến của thị trường thị trường bất động sản và xây dựng cùng với triển vọng tăng trưởng kinh tế. KBSV cho rằng thị trường bất động sản và xây dựng tiếp tục ảm đạm bởi quy định kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào bất động sản và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm.
Sang 2024, KBSV dự báo BMP đạt doanh thu 5.928 tỷ đồng, lợi nhuận 592 tỷ đồng, tăng tương ứng 12% và 11% so với năm 2023, sản lượng đạt 104 triệu tấn, tăng 8%. Nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng vẫn còn nhiều tiềm năng bởi tiềm năng tăng trưởng kinh tế khả quan của Việt Nam trong dài hạn cùng kỳ vọng đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, theo Hiệp hội nhựa Việt Nam (VPA), cơ cấu ngành nhựa sẽ có xu hướng giảm dần tỷ trọng nhựa bao bì và nhựa gia dụng, tăng dần tỷ trọng nhựa xây dựng và nhựa kỹ thuật.
Về AAA, công ty chứng khoán Mirae Asset (MAS) dự phóng doanh thu và lãi ròng sang năm 2023 đạt 17.168 tỷ đồng và 568 tỷ đồng, tăng 11% và 64% nhờ ngành bán lẻ, tiêu dùng sẽ duy trì đà hồi phục. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 8,2% lên 9% nhờ tự chủ nguyên vật liệu. Tỷ trọng đóng góp doanh thu mảng khu công nghiệp (KCN) tăng từ 3% lên 4%.
Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, giới chuyên gia cho rằng ngành nhựa nói chung cũng đang đứng trước nhiều thách thức sống còn.
Tại hội t
hảo “Những bước chuẩn bị để đáp ứng các tiêu chuẩn trong ngành tái chế và xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn đối với ngành nhựa” ngày 15/7, ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết: “Ngành nhựa tại thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản tăng đơn hàng nhập khẩu từ các nhà cung ứng Việt Nam do các thị trường này đang khó khăn trong sản xuất ngành nhựa và giá tăng. Dự kiến đến năm 2035 tỷ lệ nhựa trong máy móc (ô tô, xe máy…) nâng lên 35%. Tới đây Hoa Kỳ sẽ mở nhà máy lắp ráp máy bay tại Việt Nam, là cơ hội tốt cho các nhà sản xuất, cung ứng trong ngành nhựa.
Bên cạnh đó, ngành nhựa vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, thách thức sống còn là “rác thải nhựa”. Nếu không giải quyết thỏa đáng thách thức này, sản phẩm nhựa sẽ bị xã hội xa lánh. Thành viên Hiệp hội Nhựa cần đổi mới mạnh mẽ, trong đó yêu cầu trước tiên là công nghệ, đáp ứng tiêu chuẩn và xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn đối với ngành nhựa”.