Chỉ trong 2 ngày 20 – 21/2, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (HOSE: VPB) liên tiếp có thông báo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán TP HCM về giao dịch bán cổ phiếu (cp) của Công đoàn VPB và người nội bộ bà Nguyễn Thị Thu Hằng.
Theo đó, Công đoàn Ngân hàng đã đăng ký bán ra 375.000 cp theo phương thức khớp lệnh từ ngày 23/2 đến 24/3 nhằm phục vụ nhu cầu tài chính Công đoàn. Khối lượng nắm giữ sẽ giảm từ 7,5 triệu cp xuống 7,2 triệu cp tương ứng tỷ lệ 0,113% còn 0,107% vốn chủ sở hữu sau khi giao dịch này thành công.
Cũng trong khoảng thời gian trên, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, kế toán trưởng Ngân hàng, vừa đăng ký bán 170.000 cp theo phương thức khớp lệnh để phục vụ nhu cầu cá nhân. Sau giao dịch, ước tính khối lượng cp bà Hằng nắm giữ giảm còn 211.940 cp tương ứng 0,003%.
Tạm tính với mức giá cổ phiếu tại phiên 21/2, Kế toán trưởng và bộ phận Công đoàn VPBank lần lượt thu về khoảng 3 tỷ đồng và 6,7 tỷ đồng từ việc bán cổ phiếu VPB.
Về kết quả kinh doanh, kết thúc năm 2022, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng tăng 48% so với năm trước, lợi nhuận trước thuế ngân hàng riêng lẻ đạt hơn 24.000 tỷ đồng.
Các chỉ số lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA), chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR) lần lượt đạt 3,7%, 25,6% và 19,3%.
Thu nhập hoạt động (TOI) tại ngân hàng riêng lẻ đạt hơn 40.000 tỷ đồng, với động lực đóng góp chính đến từ thu nhập phí tăng mạnh 64% so với năm 2021.
Sau các đợt tăng vốn lớn, vốn chủ sở hữu của VPBank đã chính thức cán mốc hơn 103.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2022. Vốn điều lệ của VPBank đạt hơn 67.000 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống tính đến thời điểm hiện tại.
Chia sẻ thêm về kế hoạch bán vốn chiến lược, bà Lê Hoàng Khánh An – Giám đốc khối tài chính VPBank cho biết trong buổi gặp mặt nhà đầu tư ngày 9/2, kế hoạch thành công sẽ giúp ngân hàng này bổ sung nguồn lực vốn, giảm bớt áp lực về huy động. Như vậy, trong năm 2023, sẽ có những yếu tố làm tăng chi phí vốn đồng thời có yếu tố giảm bớt áp lực vốn cho VPBank.
Theo bà An, hiệu quả sinh lời của ngân hàng có thể bị ảnh hưởng giảm nhẹ, tuy nhiên không quá lớn so với năm 2022. Còn về chương trình huy động, ngân hàng sẽ tập trung tận dụng cơ hội của thị trường, thúc đẩy sáng kiến số hoá, khai thác hệ sinh thái tối đa.
Về kế hoạch cổ tức, bà Lưu Thị Thảo – Phó Tổng giám đốc thường trực VPBank, cho biết kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược là cơ sở để thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt. Theo đó, phát hành riêng lẻ thành công sẽ giúp VPBank có cơ sở về vốn, trong đó ưu tiên đầu tiên là dành đủ vốn để đạt hệ số an toàn tốt và sẽ tiến hành chia cổ tức bằng tiền mặt khi điều kiện cho phép.