Theo thông tin từ phía Nutrifood, doanh nghiệp này đã đăng ký bán toàn bộ 18,3 triệu cổ phiếu CPA của CTCP Cà phê Phước An. Nếu giao dịch thành công, Nutrifood sẽ rút toàn bộ vốn tại công ty con này sau 5 năm tham gia đầu tư chiến lược.
Cụ thể, CTCP Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood vừa đăng ký bán ra toàn bộ gần 18,3 triệu cổ phiếu CPA, tương đương 77,31% vốn điều lệ tại CTCP Cà phê Phước An nhằm cơ cấu danh mục đầu tư. Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận từ ngày 27/12/2022 đến 19/1/2023.
Cổ phiếu CPA đang giao dịch trên UpCOM với thị giá 10.200 đồng/cổ phiếu nhưng gần như không có thanh khoản. Trong trường hợp giao dịch thành công, Nutifood ước tính thu về khoảng 190 tỷ đồng từ thương vụ thoái vốn này.
Về phía Cà phê Phước An, công ty tiền thân là Nông trường Quốc doanh Phước An, được thành lập vào ngày 1/4/1977. Đến cuối năm 2017, Cà phê Phước An tiến hành cổ phần hoá và đây cũng là thời điểm Nutrifood tham gia đầu tư chiến lược. Cũng từ giai đoạn này, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty gặp nhiều khó khăn từ tình hình thị trường, điều kiện thời tiết và phân bổ tài nguyên liên quan đến khoản chi phí hoạt động trước khi cổ phần hóa. Do gặp khó khăn liên tiếp, sự xuất hiện của Nutrifood cũng không đủ giúp tình hình kinh doanh của Cà phê Phước An trở nên khởi sắc hơn, thậm chí doanh nghiệp này sau đó còn lỗ kỷ lục hơn 51 tỷ đồng vào năm 2019.
Đến năm 2020, Nutrifood tiếp tục rót thêm 100 tỷ đồng để mua 10 triệu cổ phiếu trong đợt chào bán riêng lẻ của Cà phê Phước An với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phần. Mục đích chào bán là bổ sung vốn và trả nợ vay. Sau giao dịch, Nutrifood đã trở thành công ty mẹ chi phối 77,31% vốn như hiện nay. Hiện Phó Chủ tịch HĐQT Nutifood – ông Lê Nguyên Hòa cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT CPA.
Thời điểm khi tiếp tục được Nutrifood rót vốn vào năm 2020, Cà phê Phước An đang sản xuất trên diện tích 827,4 ha vườn cây cà phê, 1.400 ha diện tích cà phê chứng nhận UTZ Certified, sản lượng xuất khẩu hàng năm đạt 7.000-10.000 tấn nhân/năm và xuất khẩu ở các thị trường như Nhật Bản, Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ý, Mỹ,… Nhưng dù được cấp thêm hàng trăm tỷ, doanh nghiệp này vẫn chìm sâu trong chuỗi thua lỗ.
Theo báo cáo tài chính gần nhất, trong quý III/2022, Cà phê Phước An ghi nhận doanh thu thuần chỉ đạt 7,5 tỷ đồng, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí tài chính phát sinh quý III tăng 64% cùng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp quý III tăng 141% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, doanh nghiệp phân bổ dự phòng phải thu khó đòi 1,4 tỷ đồng và chi phí thanh lý vườn cây 1,3 tỷ đồng.
Kết quả, doanh nghiệp ghi nhận lỗ tăng hơn gấp đôi cùng kỳ năm ngoái là 4,62 tỷ đồng so với quý III/2021 là lỗ 2,2 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, Cà phê Phước An ghi nhận doanh thu đạt 61,9 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn và chi phí quản lý tăng cao trong khi doanh thu tài chính lại giảm khiến doanh nghiệp lỗ ròng 6,4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ lỗ gần 1 tỷ đồng.
Như vậy, lỗ lũy kế của Cà phê Phước An đã tăng từ hơn 35 tỷ đồng cuối năm 2017 lên gần 153 tỷ đồng thời điểm 30/9/2022. Nếu tính theo quý, kể từ ngày giao dịch đầu tiên trên sàn UPCoM (từ quý IV/2019-III/2022), CPA lỗ tới 11 quý. Trong đó, quý IV/2021 lỗ đậm nhất với hơn 10,7 tỷ đồng. Doanh nghiệp chỉ có số lãi rất nhỏ trong 2 quý đầu năm 2021.
Về tình hình tài chính, tính đến 30/9, Cà phê Phước An có tổng tài sản 136,6 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm, trong đó chủ yếu là tài sản cố định (87 tỷ đồng). Tiền và các khoản tương đương tiền chỉ có 1,6 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn 15 tỷ đồng, hàng tồn kho 25 tỷ đồng.
Doanh nghiệp ghi nhận nghĩa vụ nợ 53 tỷ đồng, trong đó hơn 47 tỷ đồng là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu đến hết quý III ghi nhận 83,4 tỷ đồng.