Xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh trong tháng 12/2022, khi nhu cầu toàn cầu hạ nhiệt, qua đó càng cho thấy những rủi ro đối với sự phục hồi kinh tế của nước này trong năm nay. Tuy nhiên, nhập khẩu giảm nhẹ đã củng cố quan điểm rằng nhu cầu trong nước sẽ phục hồi chậm trong những tháng tới.
Trong khi hoạt động nhập khẩu dự kiến sẽ thúc đẩy làn sóng nhu cầu bị dồn nén sau khi Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp cứng rắn đối với dịch COVID-19 vào tháng 12 năm ngoái, thì hoạt động xuất khẩu của nước này được cho là sẽ suy yếu trong năm 2023, khi nền kinh tế toàn cầu đang trên bờ vực suy thoái. Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng tại công ty quản lý tài sản Pinpoint Asset Management, cho biết: “Tăng trưởng xuất khẩu yếu cho thấy tầm quan trọng của việc thúc đẩy nhu cầu trong nước, coi đó là động lực chính cho nền kinh tế vào năm 2023”.
Cụ thể, theo dữ liệu của Cục Hải quan Trung Quốc, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 12/2022 giảm 9,9% so với cùng kỳ năm trước đó, kéo dài đà giảm 8,7% trong tháng 11, mặc dù thấp hơn một chút so với kỳ vọng. Đây là mức giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 2/2020, phản ánh nhu cầu của thế giới đang chững lại. Theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu chính thức, lượng hàng xuất khẩu sang Mỹ đã giảm 19,5% trong tháng 12 vừa qua, trong khi các chuyến hàng đến Liên minh châu Âu (EU) giảm 17,5%, . Mặc dù lượng hàng xuất khẩu giảm mạnh trong vài tháng qua, nhưng tổng giá trị xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng 7% vào năm 2022, nhờ hoạt động thương mại mạnh mẽ với các quốc gia Đông Nam Á, cũng như sự bùng nổ xuất khẩu các phương tiện sử dụng năng lượng mới. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này còn rất xa so với mức tương ứng ghi nhận vào năm 2021 là 29,6%.
Kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 12/2022 đã giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2021, thu hẹp so với mức giảm 10,6% trong tháng 11 và tốt hơn so với mức dự báo là giảm 9,8%. Thặng dư thương mại của Trung Quốc trong năm 2022 đạt mức cao nhất từ trước tới nay là 877,6 tỷ USD, so với mức 670,4 tỷ USD ghi nhận vào năm 2021. Việc thúc đẩy tiêu dùng trong nước sẽ rất quan trọng đối với các kế hoạch phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Nhập khẩu của nước này chỉ tăng 1,1% trong năm ngoái, giảm mạnh so với mức tăng 30% vào năm 2021. Hoạt động mua than đá và đồng của Trung Quốc đã giảm trong tháng 12/2022, khi hoạt động công nghiệp chững lại do số ca nhiễm COVID-19 gia tăng. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã cam kết tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế, với mong muốn củng cố đà tăng trưởng và giảm bớt sự gián đoạn do việc đột ngột dừng các hạn chế liên quan tới COVID-19.
Đặc biệt, các biện pháp nhằm giảm bớt tình trạng khủng hoảng tài chính trong lĩnh vực bất động sản có thể giúp phục hồi doanh số bán nhà và thúc đẩy nhập khẩu nguyên liệu công nghiệp, từ quặng sắt đến đồng. Lloyd Chan, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Oxford Economics, kỳ vọng Chính phủ Trung Quốc sẽ đưa ra nhiều hỗ trợ hơn cho các nhà phát triển bất động sản và hộ gia đình, nhưng cho biết thương mại ròng vẫn có thể là lực cản đối với tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay. Ngày 12/1 vừa qua, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, nhu cầu bên ngoài chậm lại và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu gia tăng đang gây áp lực lớn đối với việc ổn định thương mại của Trung Quốc. Một cuộc khảo sát chính thức về hoạt động sản xuất của Trung Quốc cho thấy chỉ số phụ về các đơn đặt hàng xuất khẩu mới vẫn nằm trong vùng âm trong 20 tháng liên tiếp.
Tuy nhiên, Bộ cho biết các tỉnh xuất khẩu chủ lực của nước này đã báo cáo một số cải thiện trong việc nhận được các đơn đặt hàng mới. Các nhà phân tích tham gia khảo sát của Reuters dự đoán tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ phục hồi lên 4,9% vào năm 2023, trước khi ổn định vào năm 2024. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể chỉ tăng trưởng 2,8% vào năm 2022 trong bối cảnh các lệnh phong tỏa lan rộng, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức là khoảng 5,5%. Dự kiến, dữ liệu về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý IV/2022 và cả năm 2022 sẽ được Trung Quốc công bố vào ngày 17/1 tới.