Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 Dabaco (mã: DBC) công bố mới đây, doanh nghiệp ghi nhận lỗ 49 tỷ đồng trong riêng quý cuối năm, kéo lợi nhuận cả năm sụt giảm 74%. Đây cũng là lần lỗ nặng nhất của doanh nghiệp kể từ quý III/2017 đến nay.
Dabaco lỗ ròng 79 tỷ đồng trong quý IV/2022
Theo đó, doanh thu thuần quý IV/2022 của Dabaco ghi nhận 2.930 tỷ đồng, giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu giảm trong khi giá vốn tăng kéo lợi nhuận gộp doanh nghiệp giảm mạnh 59% xuống còn gần 150 tỷ đồng. Hiệu suất kinh doanh cũng giảm mạnh khi biên lãi gộp giảm còn 5% từ 12% trong quý IV/2021.
Bên cạnh đó, một phần do tác động của xu hướng lãi suất tăng vào các tháng cuối năm, doanh nghiệp ghi nhận chi phí tài chính (phần lớn là lãi vay) tăng lên 48 tỷ đồng, phần lãi trong công ty liên doanh cũng giảm xuống còn hơn 1 tỷ đồng từ 2,9 tỷ cùng kỳ 2021.
Do vậy, công ty báo lỗ trước thuế và sau thuế lần lượt 48 tỷ đồng và 79 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi trước và sau thuế lần lượt 164 tỷ và 112 tỷ đồng. Đây cũng là lần báo lỗ nặng nhất của doanh nghiệp kể từ từ quý III/2017.
Theo giải trình, Dabaco cho biết kết quả kinh doanh kém lạc quan của quý IV/2022 là do ngành chăn nuôi vẫn còn khó khăn do dịch bệnh, giá lợn hơi cùng nhu cầu của người dân cùng giảm trong một thời gian dài đã làm ảnh hưởng lớn đến kết quả hoạt động chăn nuôi trên cả nước nói chung cũng như của các Công ty chăn nuôi thuộc Tập đoàn nói riêng. Bên cạnh đó, ngành thức ăn chăn nuôi nói chung cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ từ khủng hoảng địa chính trị tại một số quốc gia dẫn đến chi phí đầu vào, giá nguyên, nhiên, vật liệu và chi phí vận chuyển, logistic tăng cao.
Lũy kế cả năm 2022, tổng doanh thu của Dabaco đạt 12.269 tỷ đồng, tăng 13,5% so với 2021 nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ 150 tỷ đồng, giảm gần 82%. Doanh thu của Dabaco phần lớn vẫn đến từ bán thành phẩm sản xuất với 11.120 tỷ đồng, tương đương gần 88%; xếp sau là mảng kinh doanh bất động sản, hoạt động xây dựng và từ thương mại, siêu thị, khách sạn, nhà hàng.
So với chỉ tiêu đề ra cho cả năm, Công ty chỉ mới thực hiện được 54% kế hoạch doanh thu và khoảng 16% kế hoạch lợi nhuận ĐHĐCĐ giao.
Kết quả kinh doanh kém sắc quý IV và cả năm 2022 phần nào được phản ánh trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ, với dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong năm 2022 của DBC giảm gần một nửa về còn gần 340 tỷ đồng, trong khi dòng tiền đầu tư âm 1.206 tỷ đồng, chủ yếu chi vào mua sắm, xây dựng tài sản cố định và các tài sản dài hạn. Bù lại, dòng tiền tài chính dương 1.294 tỷ đồng, chủ yếu tới từ tiền thu đi vay. Nhờ đó, tổng lưu chuyển tiền tệ dương 427 tỷ đồng.
Trong ngày 3/1 vừa qua, doanh nghiệp đã đặt mục tiêu kinh doanh năm 2023 với doanh thu 24.562 tỷ đồng và 569 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Trong bối cảnh kinh tế năm 2023 được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, mục tiêu kinh doanh trên được nhận định sẽ là đặt ra nhiều thách thức lớn với doanh nghiệp.
Nợ vay tăng đáng kể là nguyên nhân chính khiến chi phí tài chính đội lên
Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của DBC đạt 12.526 tỷ đồng, tăng 15,7% so với đầu năm, bao gồm 627 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, 504 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn, 615 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn.
Hàng tồn kho còn 4.763 tỷ đồng, chiếm 38% tổng tài sản, phần lớn là nguyên vật liệu và chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang. Ngoài ra, công ty có tài sản cố định 4.302 tỷ đồng; tài sản dở dang dài hạn 1.398 tỷ đồng, bao gồm các dự án như: Lợn giống Dabaco Phú Thọ giai đoạn 2, cảng Dabaco giai đoạn 2, chăn nuôi lợn Thanh Hóa, nhà máy Vacxin,…
Bên kia bảng cân đối, Dabaco ghi nhận tổng nợ phải trả tăng 26,3% lên 7.740 tỷ đồng. Đáng chú ý, hơn 85% trong số đó là nợ ngắn hạn, bao gồm 2.146 tỷ đồng phải trả người bán ngắn hạn, 207,8 tỷ đồng người mua trả tiền trước ngắn hạn, 238,4 tỷ đồng phải trả ngắn hạn khác, 886,3 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính dài hạn.
Vay và nợ thuê tài chính cả ngắn hạn và dài hạn ghi nhận 4.591 tỷ đồng, tăng hơn 40% và chiếm hơn 59% tổng nghĩa vụ nợ, chủ yếu là vay các ngân hàng thương mại Nhà nước (3.363 tỷ đồng) và phát hành trái phiếu (150 tỷ đồng). Việc nợ vay tăng mạnh trong bối cảnh lãi suất tăng trong các tháng cuối năm 2022 cũng là nguyên nhân khiến chi phí tài chính của doanh nghiệp tăng như đã nói trên đây, góp phần làm cho biên lãi co hẹp.
Vốn chủ sở hữu của Dabaco tính đến 31/12/2022 ghi nhận 4.786 tỷ đồng.