Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí PVFCCo (Đạm Phú Mỹ, mã DPM) vừa tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2022. Với kết quả kinh doanh với nhiều điểm sáng, doanh nghiệp quyết định chi 2.800 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2022.
Trong phiên họp, HĐQT Đạm Phú Mỹ đã thông qua nhiều nội dung quan trọng, đáng chú ý nhất là mức chi trả cổ tức mới. Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên năm 2022 được tổ chức vào tháng 6, ĐHĐCĐ đã thông qua mức chi cổ tức năm 2022 là 50% vốn điều lệ (tương ứng 5.000 đồng/cổ phiếu), là mức cao nhất từ trước tới nay của cổ phiếu DPM, và cũng được đánh giá là mức rất cao trên thị trường chứng khoán nói chung.
Tuy nhiên, năm 2022, Đạm Phú Mỹ ghi nhận tình hình kinh doanh khá thuận lợi, doanh thu đạt gần 20.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 6.400 tỷ đồng (tương đương 160% vốn điều lệ, gần gấp đôi so với năm 2021). Trước tình hình đó, ĐHĐCĐ đã thông qua việc nâng mức cổ tức bằng tiền mặt năm 2022 từ 50% lên 70%, tương đương 7.000 đồng/cổ phiếu. Tổng số tiền chi cổ tức là gần 2.800 tỷ đồng. Phần lợi nhuận chưa phân phối còn lại của năm 2022 và các năm trước được Ban điều hànhĐạm Phú Mỹ dự trù cho các dự án đầu tư phát triển trong các năm tới.
Năm 2022, Đạm Phú Mỹ cho biết đã đạt các chỉ tiêu tài chính kỷ lục trong lịch sử hoạt động với doanh thu đạt gần 20.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 6.400 tỷ đồng, gần gấp đôi so với năm 2021. Tăng trưởng chủ yếu nhờ lãi lớn 9 tháng đầu năm trong khi lợi nhuận trước thuế quý IV/2022 ước đạt 1.031 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ.
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 mới đây, ông Lê Cự Tân – Tổng giám đốc Đạm Phú Mỹ cho biết, năm qua doanh nghiệp đã vận hành Nhà máy Đạm Phú Mỹ liên tục với công suất tối đa, đạt kỷ lục vận hành mới với sản lượng sản xuất đạt khoảng 1,15 triệu tấn phân bón và hóa chất các loại, trong đó sản xuất đạm ure ước đạt 912.000 tấn.
Với việc điều hành kinh doanh linh hoạt, hợp lý, Đạm Phú Mỹ đã tận dụng thời điểm giá cao để xuất khẩu ure. Cụ thể sản lượng ure xuất khẩu năm 2022 đạt khoảng 190.000 tấn, tăng 280% so với kế hoạch năm và chiếm 23% tổng sản lượng ure kinh doanh trong năm 2022 của Đạm Phú Mỹ.
Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng lưu ý vấn đề suy giảm sản xuất toàn cầu, cùng với các bất định của tình hình địa chính trị trên thế giới, nợ công, lạm phát, lãi suất… khiến giá cả đầu vào tăng nhanh là một vấn đề rất lớn đã tác động trực tiếp, rõ nét đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn trong quý IV/2022 và sẽ tiếp tục tác động trong năm 2023.
Trong báo cáo nhanh cuối tháng 10, chứng khoán KIS Việt Nam nhận định Đạm Phú Mỹ còn rất nhiều cơ hội tăng trưởng doanh thu trong quý IV. Đơn vị này cho rằng DPM có thể tăng sản lượng tiêu thụ ure trong quý IV nhờ nhu cầu nội địa tăng vào mùa vụ Đông – Xuân sắp đến. Trong tháng 10, đơn giá bán ure bình quân khoảng 15.000 – 15.800/kg. KIS cho rằng mức giá này sẽ tăng dần, sau đó đạt đỉnh tại 16.500 — 17.000/kg trong tháng 11-12. Ước tính đơn giá gas đầu vào trong quý IV rơi vào khoảng USD227/tấn, giảm 13% so với mức giá trong quý III.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) ngày 31/8, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của Đạm Phý Mỹ có thể âm trong quý IV. Tính chung cả năm 2022, lợi nhuận ròng ước tính khoảng 5.100 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ. Đối với năm 2023, SSI Research giả định giá urê đầu vào sẽ giảm so với mức cơ sở cao được thiết lập trong năm nay, và do cả Nga và Trung Quốc đều sẽ tăng sản lượng xuất khẩu, nên giá bán bình quân của urê sẽ giảm.
“Chúng tôi điều chỉnh giảm ước tính lợi nhuận ròng năm 2023 (từ 4.100 tỷ đồng) xuống 4.000 tỷ đồng (giảm 22% so với cùng kỳ). Yếu tố hỗ trợ tăng giá chính đối với khuyến nghị của chúng tôi sẽ là việc giá dầu giảm nhiều hơn dự kiến. Ngược lại, rủi ro giảm giá chính đối với khuyến nghị của chúng tôi là sự can thiệp của Chính phủ vào thị trường phân bón để hạ nhiệt giá”, SSI Research nhận định.