Những năm gần đây CTCP Mía đường Sơn La (mã: SLS) thường đặt mục tiêu lợi nhuận ở mức thận trọng. Giai đoạn từ năm 2017 đến 2021, lợi nhuận sau thuế của công ty đều gấp trên hai lần kế hoạch cả năm, niên độ 2020 – 2021 ghi nhận gấp hơn 6 lần. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 (từ 1/10/2022 – 31/12/2022, niên độ tài chính 2022-2023), doanh nghiệp ghi nhận cả doanh thu và lợi nhuận tăng gấp 2,3 lần cùng kỳ năm trước.
Vượt mục tiêu lợi nhuận cả năm tài chính chỉ sau 2 quý
Theo đó, doanh thu thuần quý II/2022 niên độ 2022-2023 của SLS ghi nhận 373 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ 2021.
Những tháng cuối năm 2022, giá phân bón, vật tư nông nghiệp đồng loạt tăng khiến giá vốn hàng bán của doanh nghiệp cũng tăng mạnh 84% lên 262 tỷ đồng. Dù vậy, nhờ mức tăng ấn tượng của doanh thu, hiệu suất kinh doanh vẫn được cải thiện khi biên lãi ròng tăng lên 30% từ 22% trong quý II niên độ 2021-2022.
Trong các chi phí, lãi vay vẫn là khoản lớn nhất của SLS với gần 5 tỷ đồng, tuy nhiên đã giảm gần 1 nửa cùng kỳ năm trước.
Kết quả, SLS báo lãi sau thuế 108 tỷ đồng, tăng 3,2 lần từ mức 34 tỷ đồng quý II niên độ trước.
Luỹ kế 2 quý (1/7/2022-31/12/2022), doanh nghiệp ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt 715 tỷ và 189 tỷ đồng, tăng mạnh 117% và 178% so với cùng kỳ niên độ 2021-2022.
Theo giải trình, SLS cho biết doanh thu bán hàng tăng, lợi nhuận gộp tăng, mặt khác các chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí tài chính giảm là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận tăng mạnh.
Những năm gần đây Mía đường Sơn La thường đặt mục tiêu lợi nhuận ở mức thận trọng. Giai đoạn từ năm 2017 đến 2021, lợi nhuận sau thuế của công ty đều gấp trên hai lần kế hoạch cả năm, niên độ 2020 – 2021 ghi nhận gấp hơn 6 lần.
Niên độ 2022 – 2023, công ty đặt mục tiêu doanh thu xấp xỉ 1.111 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ở mức hơn 75 tỷ đồng. Như vậy sau 2 quý đầu niên độ, Mía đường Sơn La đã thực hiện được 64% kế hoạch doanh thu và vượt 152% kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm.
Kết quả kinh doanh có điểm sáng của doanh nghiệp phần nào được thể hiện trong bức tranh lưu chuyển tiền tệ, với dòng tiền từ hoạt động kinh doanh ghi nhận đến cuối quý II đạt 273 tỷ đồng, giảm 18%, toàn bộ đến từ tiền bán hàng, cung cấp dịch vụ và một số hoạt động kinh doanh khác. Trong khi đó, dòng tiền đầu tư giảm mạnh xuống còn âm 141 tỷ đồng từ âm 763 tỷ đồng vào cuối quý trước, do doanh nghiệp giảm chi mua sắm, xây dựng tài sản cố định và các tài sản dài hạn. Dòng tiền tài chính ghi nhận âm 313 tỷ đồng do tiền thu từ đi vay không đủ để chi trả nợ gốc vay và cổ tức, lợi nhuận cho chủ sở hữu. Kết quả, trong kỳ, dòng tiền thuần âm 40 tỷ đồng.
Tổng nghĩa vụ nợ giảm mạnh, nợ vay giảm 77%
Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của SLS đạt 1.136 tỷ đồng, tăng 17,6% so với đầu năm, bao gồm 162 triệu đồng tiền mặt, hơn 6 tỷ đồng gửi ngân hàng, các khoản phải thu ngắn hạn 340 tỷ. Hàng tồn kho 173 tỷ, phần lớn là thành phẩm, nguyên vật liệu. Ngoài ra, SLS cũng dành 11,6 tỷ đồng đầu tư dài hạn, trong đó 9,6 tỷ đồng đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết là Công ty TNHH Nông nghiệp Tô Hiệu – Sơn La. Hiện SLS cũng nắm giữ 30% vốn điều lệ và tỷ lệ quyền biểu quyết của doanh nghiệp này.
Bên kia bảng cân đối, SLS ghi nhận tổng nợ phải trả giảm hơn 2 lần xuống còn 287 tỷ đồng. Gần 84% trong số đó là nợ ngắn hạn, bao gồm 142 tỷ đồng phải trả người bán ngắn hạn, 3 tỷ đồng thuế và hơn 7 tỷ đồng trả người lao động.
Vay và nợ thuê tài chính cả ngắn hạn và dài hạn ghi nhận 127,6 tỷ đồng, giảm mạnh 77%, toàn bộ khoản vay nằm tại các ngân hàng thương mại Nhà nước: VietinBank 301 tỷ, MB Bank 21 tỷ. Việc giảm mạnh khoản nợ là nguyên nhân chính khiến chi phí tài chính của doanh nghiệp giảm mạnh.
Vốn chủ sở hữu của SLS tính đến 31/12/2022 ghi nhận 849 tỷ đồng.