Nội dung chính
Thị trường chứng khoán đang sôi động với kế hoạch niêm yết của TCBS, “ngôi sao mới” trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong bối cảnh ngành đang trên đà phục hồi sau quý I/2025, thương vụ IPO này liệu có phải là “mồi lửa” thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành?
Nội dung chính:
- Bối cảnh ngành chứng khoán quý I/2025
- Vị thế TCBS trước và sau niêm yết
- Lý do Techcombank muốn đưa TCBS lên sàn
- Định giá và cơ hội đầu tư
Trong chương trình Data Talk | The Catalyst lần này, ông Đặng Khiết Trường, Trưởng phòng Tư vấn Khách hàng Tổ chức, Công ty Dữ liệu Wigroup, cùng hai diễn giả: ThS Bùi Văn Huy, Phó Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Khối Nghiên cứu đầu tư, Công ty FIDT và ông Trần Ngọc Báu, CEO Công ty Dữ liệu Kinh tế Tài chính WiGroup.
Ngành chứng khoán đang đối mặt với thách thức và cơ hội

Từ trái qua phải: Ông Đặng Khiết Trường, ông Trần Ngọc Báu, ông Bùi Văn Huy.
Lợi nhuận ngành chứng khoán phụ thuộc vào mảng cho vay
Ông Đặng Khiết Trường: Trong bối cảnh thị trường hiện nay, các mảng kinh doanh cốt lõi của công ty chứng khoán như thế nào?
Ông Trần Ngọc Báu: Ngành chứng khoán đã trải qua hai lần bùng nổ lợi nhuận từ năm 2018 đến nay. Ban đầu, cả mảng tự doanh và cho vay đều tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, sau những cú sốc lớn, toàn ngành ghi nhận sự suy giảm mạnh, trước khi phục hồi trở lại cùng với sự tăng trưởng về tổng tài sản.
Từ năm 2023, lợi nhuận ngành tập trung chủ yếu vào mảng cho vay, tăng từ 2.900 tỷ đồng lên khoảng 5.500 tỷ đồng. Trong khi đó, tự doanh đi ngang, còn môi giới và các mảng khác khá trầm lắng.
Tái cấu trúc và cạnh tranh bằng vốn
Ông Đặng Khiết Trường: Đâu sẽ là những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng của từng mảng kinh doanh trong ngành chứng khoán?
Ông Trần Ngọc Báu: Mảng cho vay và tự doanh tiếp tục là hai trụ cột tăng trưởng. Tuy nhiên, tăng trưởng mảng cho vay margin phụ thuộc vào sự mở rộng của thị trường cổ phiếu.
Ông Bùi Văn Huy: Với các công ty top đầu, doanh thu từ môi giới vẫn đủ bù đắp chi phí. Nhưng với nhóm nhỏ hơn, biên lợi nhuận ngày càng hẹp.
TCBS – Lợi thế hệ sinh thái và chiến lược định vị riêng
Ông Đặng Khiết Trường: Vị thế và lợi thế cạnh tranh của TCBS sẽ thay đổi như thế nào sau khi niêm yết?
Ông Bùi Văn Huy: TCBS đang xây dựng hệ sinh thái để làm IB một cách hiệu quả. Họ ứng dụng công nghệ tốt trong phát triển sản phẩm và phân phối.
Ông Trần Ngọc Báu: TCBS có một mô hình phát triển rõ ràng và thời điểm tái cấu trúc rất thuận lợi. Với hậu thuẫn từ ngân hàng mẹ Techcombank, TCBS có khả năng duy trì biên lợi nhuận tốt.

Định giá TCBS: Câu hỏi lớn
Ông Đặng Khiết Trường: Với mức định giá 5 tỷ USD, các ông có cho rằng đây là con số hợp lý?
Ông Bùi Văn Huy: Nếu xét theo P/B, sau khi tăng vốn, con số này tương đương khoảng 5 lần – là mức khá cao.
Ông Trần Ngọc Báu: Tôi đồng tình. Mức định giá hợp lý là P/B khoảng 3,5–4 lần, đã bao gồm kỳ vọng tái cấu trúc và tăng vốn.
Data Talk là chuỗi tọa đàm chuyên sâu do WiGroup và VietnamBiz đồng sản xuất. Chương trình tập trung bàn luận về các sự kiện kinh tế từ vĩ mô đến ngành, chính sách dựa trên góc nhìn và dữ liệu.