Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 27,88km, bao gồm 2 đoạn tuyến thuộc Quốc lộ 8C và Quốc lộ 8 sẽ được cải tạo, nâng cấp theo quy mô 2 – 4 làn xe, đạt tiêu chuẩn đường cấp III miền núi và cấp III đồng bằng, riêng các đoạn từ Thiên Cầm – Quốc lộ 1 là công trình cấp I.
Ngày 26/12, Bộ trưởng Bộ GTVT ông Nguyễn Văn Thắng đã ký Quyết định số 1723/QĐ – BGTVT phê duyệt Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 8C đoạn từ Thiên Cầm – Quốc lộ 1 và đoạn từ Quốc lộ 8 đến đường Hồ Chí Minh, đi qua địa bàn huyện Cẩm Xuyên, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Dự án bao gồm 2 đoạn tuyến thuộc QL8C và QL8 với tổng chiều dài tuyến gần 28 km,sẽ được cải tạo, nâng cấp theo quy mô 2 – 4 làn xe, riêng các đoạn từ Thiên Cầm – QL1 là công trình cấp I.
Trong đó, đoạn từ Thiên Cầm đến QL1 có điểm đầu giao với QL15B tại thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh; điểm cuối giao với QL1 tại thị trấn Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Đoạn từ QL8 đến đường Hồ Chí Minh có điểm đầu giao với QL8 tại xã Sơn Long, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; điểm cuối giao với đường Hồ Chí Minh tại xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Dự án sẽ tận dụng 4 cầu hiện hữu đã đáp ứng quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án (cầu Nậy, Hói Vàng 1, Hói Vàng 2 và cầu Mỹ Thịnh. Thay thế 3 cầu (cầu Chợ Gôi; cầu Mốc; cầu 101-Km106+965) thành cống hộp khẩu độ lớn; mở rộng 2 cầu (cầu Đụn và cầu Gon) để đáp ứng bề rộng nền đường mở rộng.
Tổng mức đầu tư Dự án lên tới hơn 1.000 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trong đó ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 của Bộ GTVT với mức vốn khoảng 846 tỷ đồng để đầu tư đoạn từ Thiên Cầm đến QL1 có quy mô 2 làn xe và đoạn từ QL8 đến đường Hồ Chí Minh có quy mô 2 làn xe. 230 tỷ đồng ngân sách tỉnh Hà Tĩnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 để đầu tư phần mở rộng thêm các đoạn qua đô thị hiện hữu tại thị trấn Thiên Cầm, Cẩm Xuyên để đáp ứng theo tiêu chuẩn phố chính đô thị thứ yếu, 4 làn xe.
Trong năm 2022, dự án bố trí hơn 4,7 tỷ đồng (ngân sách trung ương); năm 2023 dự kiến khoảng 376 tỷ đồng (ngân sách trung ương 316 tỷ đồng; ngân sách tỉnh là 60 tỷ đồng); năm 2024 dự kiến khoảng 551 tỷ đồng (ngân sách trung ương 481 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 70 tỷ đồng); năm 2025 dự kiến khoảng 144,026 tỷ đồng (ngân sách trung ương 44,026 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 100 tỷ đồng).
Sở GTVT Hà Tĩnh được giao thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, lựa chọn nhà thầu để triển khai thực hiện dự án tuân thủ quy định, thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư dự án theo quy định pháp luật; chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và Bộ trưởng Bộ GTVT trong quá trình quản lý, thực hiện dự án, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng, pháp luật về đấu thầu và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Dự án sau khi hoàn thành sẽ từng bước hoàn thiện QL8C theo quy hoạch; tăng cường năng lực kết nối, nâng cao năng lực khai thác trên đoạn tuyến kết nối Quốc lộ 1 với Khu du lịch Thiên Cầm; đảm bảo thông suốt, an toàn giao thông, hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn vào mùa mưa lũ tại khu vực bờ tả ngạn sông Ngàn Phố; tạo điều kiện hỗ trợ phát triển du lịch, kinh tế – xã hội của địa phương, đảm bảo quốc phòng an ninh khu vực.
Theo thông tin từ Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng TP Hà Tĩnh cho biết trước đó HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông qua nghị quyết số 254/NQ-HĐND ngày 8/12/2020 phê duyệt Dự án Đường vành đai phía Đông TP. Hà Tĩnh.
Dự án có tổng mức đầu tư 950 tỷ đồng sử dụng nguồn vốn Ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và Chủ đầu tư huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.
Trong giai đoạn 1 sẽ đấu thầu qua mạng chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu 06.XL Xây dựng đoạn K0+00 – K9+525; đoạn K14+145,54 – K15+775,47 và phần còn lại của nút giao đường Hải Thượng Lãn Ông. Gói thầu có giá dự toán 419,857 tỷ đồng; thời gian thực hiện 36 tháng; dự kiến mở thầu ngày 23/12/2022. Dự án được đầu tư nhằm mục tiêu phát triến đô thị, kinh tế xã hội TP. Hà Tĩnh nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung; mở rộng không gian đô thị thành phố, khai thác hiệu quả quỹ đất vùng ven để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội; từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng thành phố theo quy hoạch đã được phê duyệt.