Trang chủ Tài chínhDịch vụ tài chính Đến hết năm 2022, hàng chục ngân hàng có tỷ lệ cho vay/tiền gửi vượt 100%

Đến hết năm 2022, hàng chục ngân hàng có tỷ lệ cho vay/tiền gửi vượt 100%

bởi Linh

9/10 ngân hàng có dư nợ cho vay lớn nhất toàn hệ thống tính đến hết 31/12/2022 cũng đồng thời là các ngân hàng có huy động tiền gửi lớn nhất hệ thống. Tỷ lệ cho vay/tiền gửi quá cao đã vượt 100% tại hàng chục ngân hàng, phản ánh

Thống kê từ BCTC quý IV/2022 của 26 ngân hàng thương mại (NHTM) cho thấy dẫn đầu BXH ngân hàng có dư nợ tín dụng cao nhất năm 2022 tiếp tục là ba ngân hàng nhóm quốc doanh, trong đó BIDV là nhà băng có dư nợ lớn nhất toàn hệ thống với hơn 1,48 triệu tỷ đồng, tăng 12% so với cuối năm 2021. Ở vị trí thứ 2, dư nợ cho vay của VietinBank hiện là 1,25 triệu tỷ đồng, tăng 13% và ở vị trí thứ ba là Vietcombank với 1,12 triệu tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.

So với thời điểm hết quý III/2022, dư nợ tín dụng của 3 nhà băng dẫn đầu BXH dư nợ lần lượt tăng hơn 2%, hơn 3% và gần 3%.

 

ngân hàng có dư nợ tín dụng cao nhất năm 2022

 Diên Vỹ tổng hợp từ BCTC các ngân hàng

 

Ở chiều ngược lại, 9 trong số 10 ngân hàng nằm trong top 10 ngân hàng TMCP có lượng tiền gửi khách hàng lớn nhất tính đến hết quý IV/2022 cũng là các ngân hàng có dư nợ cho vay lớn nhất. Chỉ riêng HDBank rời top, nhường chỗ cho LienvietPostBank (LPB) trong BXH huy động với sự bám đuổi sát nút.

Cụ thể, nhóm 10 ngân hàng TMCP có lượng tiền gửi khách hàng lớn nhất tính đến hết quý IV/2022 lần lượt là BIDV, VietinBank, Vietcombank, Sacombank, MB, ACB, SHB, Techcombank, VPBank và LienVietPostBank.

Tương ứng BXH dư nợ tín dụng, dẫn đầu BXH hút tiền gửi khách hàng năm qua tiếp tục là ba ngân hàng nhóm quốc doanh, trong đó BIDV là nhà băng huy động được nhiều tiền gửi nhất hệ thống với hơn 1,47 triệu tỷ đồng. Ở vị trí thứ 2 và thứ 3, VietinBank và Vietcombank đang bám đuổi sát nút với số dư tiền gửi khách hàng lần lượt là 1,25 triệu tỷ đồng và 1,24 triệu tỷ đồng. Chỉ riêng lượng tiền gửi của ba nhà băng này đã lên tới gần 4 triệu tỷ, tương đương 61% tổng lượng tiền gửi của cả top 10.

 

 top 10 ngân hàng TMCP có lượng tiền gửi khách hàng lớn nhất

   Diên Vỹ tổng hợp từ BCTC các ngân hàng 

 

Việc so sánh tỷ lệ cho vay/ tiền gửi khách hàng được xem là một trong các chỉ số có thể cho thấy mức độ cho vay so với nguồn vốn của các nhà băng, qua đó phản ánh phần nào rủi ro thanh khoản và an toàn hoạt động.

Theo tính toán dựa trên BCTC quý IV/2022 của 26 ngân hàng TMCP, tính đến hết năm 2022, tỷ lệ cho vay khách hàng/tiền gửi khách hàng bình quân của các ngân hàng này hiện ở mức khoảng 103%.

Trong đó, có những ngân hàng có tỷ lệ cho vay/tiền gửi khách hàng khá cao. Chẳng hạn, VPBank với tỷ lệ đạt khoảng 140%, tương đương với mỗi 100 đồng tiền gửi khách hàng, ngân hàng đang cho vay ra tương ứng tới 140 đồng tín dụng.

Một số ngân hàng khác có tỷ lệ này khá cao là SeABank (131%), NVB (126%), HDBank (121%), Techcombank và OCB (đều khoảng 116%)…

 

tỷ lệ cho vay khách hàng/tiền gửi khách hàng bình quân

   Diên Vỹ tổng hợp từ BCTC các ngân hàng 

 

 

 

tỷ lệ cho vay khách hàng/tiền gửi khách hàng bình quân

   Diên Vỹ tổng hợp từ BCTC các ngân hàng 

 

Ngoài 9 ngân hàng TMCP có tỷ lệ cho vay/ tiền gửi hơn mức bình quân toàn hệ thống (103%) như biểu đồ trên, còn một số ngân hàng cũng có tỷ lệ cho vay/ tiền gửi vượt 100% như MB, BIDV…

Việc tỷ lệ cho vay/ tiền gửi khách hàng vượt mức 100%, nghĩa là các ngân hàng đang cho vay nhiều hơn nguồn vốn huy động về. Điều này đồng nghĩa khả năng sinh lời của các ngân hàng này cao nhưng rủi ro thanh khoản do đó cũng tăng theo.

Nhìn chung, việc tỷ lệ cho vay/tiền gửi khách hàng tại nhiều ngân hàng trên toàn hệ thống tăng cao trong năm 2022 có thể được giải thích do sự lệch pha đáng kể giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng tiền gửi.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 21/12/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021. Trong khi đó, trong cùng khoảng thời gian trên, tăng trưởng huy động vốn chỉ đạt khoảng 6%, dù có sự tăng trưởng đáng kể trong những tháng cuối năm khi lãi suất huy động tăng lôi kéo dòng tiền nhàn rỗi vào các ngân hàng. Việc tăng
trưởng tín dụng hơn gấp đôi tăng trưởng huy động tiếp tục đặt ra thách thức đối với hệ thống ngân hàng trong việc điều tiết hệ số sử dụng vốn.

 

Lưu ý: Tỷ lệ cho vay khách hàng/ tiền gửi khách hàng theo cách tính trong bài viết này không đồng nhất với cách tính Tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi (LDR) được quy định tại được quy định trong Thông tư 22 ban hành ngày 15/11/2019 của NHNN liên quan đến các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Theo Thông tư 22, nguồn huy động của các ngân hàng không chỉ nằm ở khoản mục Tiền gửi của khách hàng mà còn huy động từ tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, tiền ký quỹ và tiền gửi vốn chuyên dùng của khách hàng, tiền huy động từ phát hành kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu.

Cũng theo quy định của Thông tư 22, tất cả các ngân hàng đều phải đảm bảo tỷ lệ LDR không được vượt quá 85%.

Gần đây,  ngày 31/12/2022, NHNN đã ban hành Thông tư 26/2022/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2019; trong đó có nội dung sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 4 Điều 20 về tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (tỷ lệ LDR). 

 

So với quy định cũ, Thông tư 26/2022 cho phép tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước sẽ được tính vào tổng huy động của các ngân hàng thương mại với một tỷ lệ khấu trừ nhất định. Điều này giúp ngân hàng thương mại sẽ có thể cho vay nhiều hơn với cùng một mức huy động hiện tại.

 

 

Có thể bạn quan tâm