Trang chủ Doanh nghiệp Doanh nghiệp bán lẻ ‘nương nhờ’ mảng dược phẩm

Doanh nghiệp bán lẻ ‘nương nhờ’ mảng dược phẩm

bởi Linh

Trong bối cảnh người tiêu dùng đang có xu hướng thắt chặt hầu bao trước nguy lạm phát tăng, giới phân tích nhận định, nhiều doanh nghiệp bán lẻ có thể tiếp tục tăng trưởng nhờ vận hành mảng dược phẩm.

 

Thời gian qua, mạng lưới bán lẻ dược phẩm đã được mở rộng mạnh mẽ. Theo tổ chức nghiên cứu thị trường IQVIA, Việt Nam có 55.300 cửa hàng thuốc vào năm 2016; trong đó, 185 cửa hàng thuộc chuỗi nhà thuốc hiện đại. Năm 2021, tổng số cửa hàng thuốc giảm xuống còn 44.600, nhưng số cửa hàng thuộc chuỗi nhà thuốc hiện đại đã tăng lên con số 1.600.

Dù chưa có thống kê chính thức cho năm 2022 nhưng các chuỗi nhà thuốc hiện đại lớn tiếp tục tăng trong năm. Tính đến tháng 7/2022, số lượng cửa hàng trong chuỗi nhà thuốc Pharmacity tăng hơn 40%, Long Châu tăng hơn 70%, An Khang tăng gần gấp đôi so với năm trước.

Nhiều công ty mới cũng bước chân vào thị trường, bao gồm Wincommerce (sở hữu chuỗi cửa hàng bách hóa Winmart, với khoảng 3.000 siêu thị nhỏ) và Viettel (sở hữu mạng lưới bán lẻ với khoảng 370 cửa hàng viễn thông).

Theo lý giải của Công ty Chứng khoán SSI, điều này do sự kết hợp của nhiều yếu tố; trong đó, nhà thuốc theo mô hình hiện đại giành được thị phần từ các hiệu thuốc truyền thống, khi Chính phủ dần đưa ra các quy định chặt chẽ hơn đối với các nhà bán lẻ dược phẩm, kiểm soát chặt chẽ hơn đối với thuốc kê đơn và triển khai hình thức đơn thuốc điện tử.

Mặt khác, kênh nhà thuốc có thể đã chiếm thị phần từ kênh bệnh viện, do các bệnh viện công thận trọng hơn trong hoạt động đấu thầu thuốc. Việc gia tăng tiêu dùng đối với các sản phẩm vitamin hay thực phẩm chức năng để củng cố sức khỏe trong bối cảnh “sống chung với dịch COVID-19” cũng thúc đẩy tốc độ mở cửa hàng bán lẻ dược phẩm.

Hiện, các chuỗi nhà thuốc cũng đã đa dạng hóa danh mục sản phẩm bao gồm các mặt hàng tiêu dùng nhanh khác như sản phẩm chăm sóc cá nhân, dược mỹ phẩm, bánh kẹo và đồ uống… từ đó gia tăng doanh thu và lợi nhuận.

Chuyên gia của SSI đánh giá, dù chi tiêu của người tiêu dùng bị ảnh hưởng rõ ràng bởi lạm phát gia tăng và những lo ngại liên quan, nhưng chi tiêu cho dược phẩm có thể vẫn ổn định do tính thiết yếu của các sản phẩm này.

Trên cơ sở này, các chuỗi nhà thuốc sẽ có thể chuyển phần chi phí gia tăng sang cho khách hàng. Các chuỗi nhà thuốc tích cực mở cửa hàng mới có thể thương lượng các điều khoản tốt hơn với các nhà cung cấp, do đó có thể tăng tỷ suất lợi nhuận gộp.

Tính đến tháng 12/2022, chuỗi nhà thuốc Long Châu trong hệ sinh thái Công ty Bản lẻ kỹ thuật số FPT (FRT) đã chính thức vượt mốc 1.000 nhà thuốc, phủ khắp 63 tỉnh thành tại Việt Nam, vượt 125% kế hoạch mở mới của năm 2022. FRT cũng dự kiến sẽ tăng tổng số cửa hàng lên 3.000 trong 5 năm tới.

Chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng MB (MBS) kỳ vọng, trong khi mảng kinh doanh điện thoại của FRT đang chậm lại do thị trường bão hòa, mảng dược phẩm sẽ thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của FRT trong dài hạn.

FRT sẽ tiếp tục mở mạnh chuỗi nhà thuốc Long Châu do tỷ lệ kênh nhà thuốc thương mại hiện đại trong bán lẻ dược phẩm hiện chỉ khoảng 5% và chuỗi nhà thuốc Long Châu hiện đã ghi nhận lãi ròng.

Về chuỗi bán lẻ dược phẩm An Khang được quản lý vận hành bởi Công ty Đầu tư Thế giới di động (MWG) chứng kiến tốc độ tăng trưởng cửa hàng mạnh mẽ, từ 178 cửa hàng năm 2021 lên 529 cửa hàng vào năm 2022. Sang năm 2023, An Khang dự kiến tiếp tục mở rộng quy mô nếu tìm được thời điểm phù hợp, với mô hình thuốc điều trị chiếm khoảng 60% so với tổng sản phẩm.

Với lợi thế của MWG khi có cơ sở khách hàng từ chuỗi siêu thị và mảng công nghệ thông tin và điện tử gia dụng rộng khắp cả nước, An Khang có thể tận dụng lợi thế này để tăng cường bán chéo sản phẩm, từ đó gia tăng biên lợi nhuận của chuỗi bán lẻ dược phẩm nói riêng và doanh nghiệp nói chung.

“Hiện nay, doanh thu trung bình 1 cửa hàng An Khang từ 350-400 triệu đồng. Nếu đạt doanh thu trung bình khoảng 450-500 triệu đồng cộng biên lợi nhuận gộp đang có là 22%, cùng với việc kiểm soát tốt như hiện tại thì doanh thu 500 triệu đồng là đạt hòa vốn và thậm chí có lời”, ông Đoàn Văn Hiểu Em, thành viên Hội đồng quản trị MWG thông tin tại buổi họp nhà đầu tư mới đây.

Số liệu của Tổng cục Tống kê ghi nhận, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2022 ước tăng 7,8%; trong đó, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu có tốc độ tăng trưởng cao, ở mức 19,2%.

Giới phân tích nhận định, đây là dư địa lớn để nhiều doanh nghiệp bán lẻ có thể tiếp tục tăng trưởng nhờ vận hành mảng dược phẩm.

Khảo sát do Công ty Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cho thấy, số chi tiêu cho y tế tăng từ 16,1 tỷ USD vào năm 2017 lên hơn 20 tỷ USD năm 2021, dự kiến sẽ đạt 23,3 tỷ USD vào năm 2025 và 33,8 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép giai đoạn từ năm 2020-2030 là 7,6%.

Việt Nam cũng là 1 trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Nhận thức của người tiêu dùng đối với chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và thu nhập của người dân cao hơn, khiến chi tiêu cho hoạt động chăm sóc sức khỏe nói chung và tiêu thụ dược phẩm bình quân đầu người nói riêng sẽ nhiều hơn.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc Vietnam Report Vũ Đăng Vinh phân tích, Top 4 thách thức ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp  ngành dược phẩm và chăm sóc sức khỏe. Đó là rủi ro từ chuỗi cung ứng, chi phí hậu cần gia tăng; cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành, chi phí nguyên liệu thô và sức ép từ tỷ giá gia tăng.

Các chuyên gia phân tích cũng chỉ ra rủi ro, nhu cầu vitamin và thực phẩm chức năng có thể giảm, do đại dịch dần dần được kiểm soát. Cùng với đó, do những khó khăn trong quá trình thực hiện, Chính phủ có thể gia hạn thời hạn triển khai đơn thuốc điện tử và lượt khám bệnh tại bệnh viện sẽ dần hồi phục cùng với sự mở cửa hoàn toàn của nền kinh tế có thể làm giảm nhu cầu tự mua thuốc.

Đóng cửa phiên giao dịch cuối năm 2022 (30/12), cổ phiếu MWG của Công ty Đầu tư Thế giới di động có giá 42.900 đồng; cổ phiếu FRT của Công ty Bán lẻ kỹ thuật số FPT có giá 69.000 đồng/đơn vị.

 

Có thể bạn quan tâm