Trong khi dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) duy trì tăng trưởng tích cực, nhu cầu xây dựng nhà xưởng, hạ tầng khu công nghiệp không ngừng tăng. Cùng với việc giá các loại vật liệu quan trọng giảm, giới phân tích đánh giá, những yếu tố này sẽ thúc đẩy doanh nghiệp nhóm hạ tầng công nghiệp tăng tốc trong thời gian tới.
Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VCBS), thị trường xây dựng nhà xưởng, kho bãi sẽ tương đối thuận lợi cho các doanh nghiệp xây lắp trong nước.
Nhóm phân tích của VCBS căn cứ nhu cầu nhà xưởng tăng cao khi khu vực FDI kỳ vọng duy trì mức tăng trưởng tích cực trong giai đoạn tới nhờ xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc. Cùng với đó là xu hướng gia tăng các nhà phát triển khu công nghiệp tự đầu tư hệ thống nhà xưởng rồi cho thuê, thay vì chỉ cho thuê đất, qua đó mang đến lợi thế cho các nhà thầu trong nước.
Ngoài ra, vật liệu chủ đạo cho xây dựng nhà xưởng, nhà máy như thép thanh, thép cuộn, tôn lợp… đã ghi nhận mức giảm mạnh. Điều này giúp doanh nghiệp hưởng lợi, do các nguyên liệu thép, tôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí. Biên lợi nhuận nhóm doanh nghiệp trên dự kiến sẽ có sự cải thiện khi hợp đồng với các nhà cung cấp được điều chỉnh theo đơn giá mới.
Tuy vậy, nhóm phân tích của VCBS cho rằng, giai đoạn tới, mức độ cạnh tranh trong ngành này dự kiến tăng khi nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xây dựng dân dụng và hạ tầng tích cực gia nhập thị trường.
Đơn cử, thời gian qua, sau khi nội bộ của Công ty xây dựng Coteccons chính thức chia tách, lĩnh vực xây dựng ghi nhận cuộc đua thị phần mới khi thị trường phân mảnh hơn. Nhiều doanh nghiệp tiền thân từ hệ thống Coteccons như Ricons, Central, Newetons… gia tăng quy mô hoạt động và đấu thầu các dự án.
VCBS cho rằng lợi thế trong cạnh tranh sẽ thuộc về các doanh nghiệp quy mô lớn, có khả năng cung cấp dịch vụ xây lắp trọn gói cho khu công nghiệp trên nhiều hạng mục hạ tầng nội khu, nhà xưởng, văn phòng và nhà ở công nhân…Các nhà thầu có mối quan hệ tốt và thân thuộc văn hóa với các doanh nghiệp nước ngoài cũng có nhiều lợi thế trong đấu thầu các dự án lớn khi các doanh nghiệp FDI thiết lập chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
Cùng với đó, giới phân tích đánh giá hiệu quả về dòng tiền tại các dự án nhà xưởng, kho bãi và hạ tầng khu công nghiệp vượt trội trong ngành xây dựng do thời gian xây dựng ngắn. Các chủ đầu tư, đặc biệt khối FDI thường có nguồn tài chính dồi dào và ứng trước phần lớn nhu cầu vốn theo tiến độ.
Tại báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 1/2023 được Tổng cục Thống kê công bố, tính từ đầu năm đến ngày 20/1/2023, tuy tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong tháng đầu năm giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng có một điểm tích cực là trong tháng này có 153 dự án được cấp mới, với tổng vốn đăng ký đạt 1,2 tỷ USD, tăng 48,5% về số dự án và gấp 3,1 lần về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, tháng 1/2023, Việt Nam thu hút được 103 dự án FDI được cấp phép mới, với số vốn đăng ký đạt 388 triệu USD, tăng 119,1% về số dự án và giảm 70,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Trong số các dự án FDI được cấp mới, những dự án liên quan đến lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 351,2 triệu USD, chiếm 29,1%; chiếm phần lớn sau lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; các ngành còn lại đạt 201,9 triệu USD, chiếm 16,8%.
Theo Tổ chức JP Morgan, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất linh kiện và dịch vụ sản xuất điện tử, dự báo sẽ đóng góp 65% tổng sản lượng AirPods, 20% iPad và Apple Watch, 5% MacBook vào năm 2025.
Phó giám đốc, Trưởng bộ phận dịch vụ công nghiệp John Campbell thuộc Tổ chức Savills Việt Nam nhận xét, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu cùng các biến động địa chính trị là chất xúc tác cho sự đa dạng hóa về lĩnh vực sản xuất tại thị trường Việt Nam.
Ở giai đoạn thăm dò thị trường, các nhà đầu tư thường có nhu cầu thuê nhà xưởng để hoạt động với quy mô nhỏ. Sau đó họ có thể xem xét quyết định đầu tư lâu dài, mở rộng sản xuất thông qua việc mua đất và xây nhà xưởng. Từ đó kéo theo sự tăng trưởng về nhu cầu đối với các nhà xưởng và nhà kho xây sẵn.
Như Tập đoàn FECON liên tiếp nhận được các dự án mới; trong đó, mới nhất Công ty FECON Hiệp Hòa thuộc tập đoàn này vừa nhận quyết định trở thành chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của Dự án Cụm Khu công nghiệp Danh Thắng – Đoan Bái tại Bắc Giang với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Thời gian triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp từ năm 2023 và bắt đầu khai thác từ quý III/2024.
Đối với Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, doanh nghiệp này đang đẩy mạnh mảng hạ tầng công nghiệp nhằm đón làn sóng đầu tư, với chỉ tiêu đề ra khá tham vọng với 20.000 tỷ đồng doanh thu và 420 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng mức tăng 76% về doanh thu và 356,5% về lợi nhuận so với năm trước.
Đóng cửa phiên giao dịch 27/2, cổ phiếu CTD của Công ty Xây dựng Coteccons có giá 33.500 đồng, FCN của Tập đoàn FECON có giá 10.550 đồng và thị giá HBC Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình là 8.160 đồng/cổ phiếu./.