Với hơn 1 triệu lao động từ các tỉnh, thành khác làm việc; nhu cầu về nhà ở xã hội (NƠXH) của Đồng Nai là rất lớn trái ngược với nguồn cung rất ít. Do đó, tỉnh đang mời gọi doanh nghiệp trong nước, nước ngoài đầu tư xây dựng NƠXH cho người có thu nhập thấp.
UBND tỉnh Đồng Nai đang mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào 37 dự án nhà ở xã hội xây dựng khoảng 10.000 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2025 tại các huyện, thành phố Biên Hòa và thành phố Long Khánh. Các khu đất quy hoạch dự án nhà ở xã hội đều được các địa phương đưa vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 và có tổng diện tích gần 176ha.
Những địa phương quy hoạch nhiều dự án nhà ở xã hội là thành phố Biên Hòa khoảng 8 dự án, huyện Nhơn Trạch 6 dự án, huyện Trảng Bom 5 dự án. Riêng tại thành phố Biên Hòa, các dự án nhà ở xã hội tất cả đều được triển khai trên đất công, đều phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng. Dự kiến, các khu nhà ở xã hội sẽ xây dựng chung cư cao tầng từ 20-25 tầng. Khi hoàn thành sẽ có 3.800 căn hộ bán và cho thuê với người có thu nhập thấp trên địa bàn thành phố. Những dự án trên nằm ở các phường: Long Bình, Long Bình Tân, Tân Hòa, Phước Tân, Tân Hạnh, Tam Hiệp, Bửu Hòa và Trảng Dài.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư và phát triển nhà ở xã hội tỉnh Đồng Nai năm 2022, ông Võ Tấn Đức – Phó Chủ tịch UBND chia sẻ, số lượng nhà ở xã hội của Đồng Nai chưa đáp ứng được nhu cầu của người thu nhập thấp trên địa bàn. Với 32 khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút trên 550 nghìn lao động là người nhập cư, nhu cầu về nhà ở tại Đồng Nai hiện nay là rất lớn. Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, đến nay trên địa bàn tỉnh chỉ mới xây dựng hoàn thành gần 3.500 căn nhà ở xã hội, trong đó có 1.581 căn nhà ở xã hội dành cho công nhân.
Dự báo đến năm 2025, nhu cầu về chỗ ở công nhân khoảng 450.000 người. Chính vì vậy, nhu cầu về nhà ở tại Đồng Nai thời điểm hiện nay là rất lớn trong khi khả năng mua nhà để ổn định cuộc sống đối với nhiều người lao động còn khó khăn.
Vì vậy, tỉnh đặt ra mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025 sẽ xây dựng khoảng 10.000 căn nhà xã hội. Tỉnh mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư vào 37 dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội với tổng diện tích trên 175 ha đất sạch tại Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom, Vĩnh Cửu…
Đồng Nai là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cũng là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển các khu công nghiệp, thu hút đầu tư. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 32 khu công nghiệp đang hoạt động thu hút 2.000 dự án đầu tư từ 43 quốc gia và vùng lãnh thổ với trên 550.000 lao động là người nhập cư từ mọi miền đất nước đến sinh sống và làm việc. Tổng số người lao động tại các khu công nghiệp có nhu về chỗ ở hiện nay khoảng 410.000 người.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh – Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết phát triển nhà ở công nhân, nhà ở xã hội là nhiệm vụ cấp bách để giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng và nhân dân, là giải pháp quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đảm bảo mục tiêu phát triển toàn diện; đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước – doanh nghiệp, người lao động là quan điểm của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho rằng Đồng Nai còn hơn 700.000 lao động đang sinh sống trong các khu trọ, do đó nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn.
Ông Lĩnh yêu cầu UBND tỉnh cần tính toán đủ quỹ đất phát triển nhà ở xã hội cho công nhân. Việc làm quy hoạch cần tầm nhìn lâu dài, không chỉ “cỏn con vài chục lô đất không ăn thua”. Liên quan đến vấn đề này, tại Hội nghị, nhiều doanh nghiệp cho rằng do trong quá trình thực hiện dự án, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, hạn chế từ việc áp dụng quy định pháp luật và thực hiện các thủ tục hành chính khiến họ “chùn tay”.
Nguyên nhân dẫn đến các doanh nghiệp chưa mặn mà với việc đầu tư vào NƠXH vì hồ sơ thủ tục phức tạp hơn nhà ở thương mại, trong khi sản phẩm lại bị khống chế về giá bán. Theo các doanh nghiệp, những vướng mắc trên được tháo gỡ, Chính phủ cần có thêm nguồn vốn vay ưu đãi, dễ tiếp cận cho nhà đầu tư, người mua nhà thì sẽ có nhiều dự án được triển khai nhanh trong thời gian tới.
Tổng giám đốc Tổng công ty Becamex IDC Phạm Ngọc Thuận cho biết: “Tính đến nay, Becamex đã đầu tư xây dựng gần 48 ngàn căn NƠXH tại Bình Dương, đảm bảo nơi ở cho 181 ngàn người lao động có thu nhập thấp. Giá căn hộ từ 130-186 triệu đồng/căn, phù hợp với khả năng của những người có thu nhập thấp. Becamex đang dự kiến tiếp tục đầu tư thêm nhiều căn hộ giá rẻ cho người dân ở nhiều khu vực khác”.
Từ thực tiễn triển khai dự án, nhiều chủ đầu tư cho rằng, UBND tỉnh cần hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh nhằm giải quyết các bất cập phát sinh trong quá trình phát triển dự án để nâng cao hiệu quả, giá trị của dự án. Đồng thời, có ý kiến chỉ đạo, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính nhằm rút ngắn thời gian thực hiện, tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn về chính sách, chuẩn bị sẵn quỹ đất để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, triển khai nhà ở xã hội vùng ven thành phố, giá đất sẽ rẻ hơn và một số vấn đề liên quan khác.
Việc thu hút được những nhà đầu tư có năng lực tham gia đầu tư xây
dựng các dự án nhà ở xã hội sẽ góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân về nhà ở; giúp những người dân, công nhân, lao động thu nhập thấp có cơ hội sở hữu nhà để an cư lạc nghiệp.