Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 19/1 đồng loạt đi xuống khi nhà đầu tư ngày càng lo sợ Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ tiếp tục nâng lãi suất mặc dù lạm phát đã có nhiều dấu hiệu lắng dịu.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 252,4 điểm, tương đương 0,76%, và đóng cửa ở gần 33.045 điểm. Đây là phiên giảm thứ ba liên tiếp của Dow Jones, đưa chỉ số gồm 30 cổ phiếu blue chip này quay về dưới mức cuối năm 2022.
Trong khi đó, S&P 500 giảm 0,76% còn 3.899 điểm và Nasdaq Composite mất 0,96%, đóng cửa ở 10.852 điểm. Cả hai chỉ số này hiện vẫn cao hơn so với đầu năm 2023.
Cả ba chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ đều trên đà ghi nhận tuần sa sút đầu tiên sau hai tuần tăng liên tục. Dow Jones đã giảm 3,67% trong tuần này và chuẩn bị có tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2022. S&P 500 và Nasdaq đều đã giảm 2% so với cuối tuần trước.
CNBC dẫn lời ông Christopher Harvey, Giám đốc chiến lược cổ phiếu tại Wells Fargo Securities, nhận định: “Những nhân tố thúc đẩy đà tăng sốc của thị trường từ đầu năm 2023 (phe bán khống mua trả lại hàng, sức hấp dẫn của tài sản rủi ro và lợi suất đi xuống) có vẻ đã chạm tới biên độ trong ngắn hạn. Nhiều khả năng thị trường sẽ đi ngang hoặc đi xuống trong tương lai gần”.
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh phiên 19/1 sau khi Bộ Lao động Mỹ thông báo số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc ngày 14/1 là 190.000, giảm 15.000 người so với tuần trước đó và thấp hơn nhiều so với mức 215.000 mà các nhà kinh tế của Dow Jones khảo sát.
Số liệu trên cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn hoạt động mạnh mẽ trong bối cảnh lãi suất tăng cao liên tục và nền kinh tế giảm tốc, đồng thời làm dấy lên lo ngại Fed sẽ tiếp tục quá trình thắt chặt tiền tệ để đưa lạm phát về mức mục tiêu dài hạn 2%.
“Bất chấp những đợt sa thải lớn của nhóm đại gia công nghệ sau đại dịch, thị trường lao động vẫn rất nóng”, ông Ed Moya, chuyên gia phân tích thị trường cao cấp tại công ty môi giới Oanda, nhận xét: “Thị trường việc làm phải sa sút thì Fed mới cảm thấy thoải mái trong việc ngừng tăng lãi suất”.
Nhà đầu tư đang đánh giá nhiều số liệu kinh tế cũng như phát biểu của các quan chức Fed để đánh giá chiều hướng của lãi suất. Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 cho thấy lạm phát đã hạ nhiệt, nhưng tỷ phú Jamie Dimon, Chủ tịch kiêm CEO ngân hàng JPMorgan Chase, vẫn cho rằng lãi suất quỹ liên bang sẽ vượt mốc 5%.
“Thực ra tôi cho rằng lãi suất có thể sẽ lên cao hơn 5% … bởi vì tôi nghĩ nền tảng của lạm phát vẫn còn rất vững chắc và không dễ gì biến mất sớm được”, ông Dimon trả lời đài CNBC khi đang tham dự Diễn Đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sỹ. Lãi suất quỹ liên bang hiện ở khoảng 4,25 – 4,5%.
“Tình trạng lạm phát của chúng ta được hưởng lợi từ việc Trung Quốc giảm tốc, giá dầu đi xuống đôi chút. Tôi nghĩ giá nhiên liệu có lẽ sẽ tăng trong 10 năm tới … Trung Quốc cũng không còn tác động giảm phát nữa”, ông Dimon nói về những lý do khiến lạm phát sẽ cao trong tương lai.
Ông cũng cho biết cá nhân ông không quá lo ngại về sy thoái. “Tôi biết là sẽ có những cuộc suy thoái, chu kỳ kinh tế lên xuống. Tôi không dành ra quá nhiều thời gian để lo nghĩ về [suy thoái]. Nhưng tôi rất lo những chính sách công yếu kém gây tổn hại cho tăng trưởng của nước Mỹ”.
Cùng ngày 19/1, bà Lael Brainard, Phó Chủ tịch Fed, cho rằng lãi suất sẽ phải duy trì ở mức cao cho dù lạm phát đang có dấu hiệu đi xuống.
“Kể cả sau khi suy giảm những tháng gần đây, lạm phát vẫn còn cao. Vậy nên chính sách tiền tệ cần phải hạn chế hoạt động kinh tế trong một thời gian để đảm bảo rằng lạm phát quay về mục tiêu 2% một cách bền vững”, bà Brainard nói.
Ngày 19/1, chính phủ liên bang Mỹ chạm trần nợ công nhưng Quốc hội vẫn chưa thống nhất nâng trần nợ, đồng nghĩa với việc Washington không được phép đi vay mới để trả nợ cũ và chi tiêu. Tuy nhiên, nhà đầu tư dường như không quá lo lắng vì trong hầu hết những lần chạm trần nợ trước, chính phủ và Quốc hội Mỹ đều tìm được phương án thỏa hiệp.