Trang chủ Doanh nghiệp Dự báo Long Châu là động lực tăng trưởng cho FRT khi FPT Shop chịu áp lực nhu cầu thấp, tồn kho cao

Dự báo Long Châu là động lực tăng trưởng cho FRT khi FPT Shop chịu áp lực nhu cầu thấp, tồn kho cao

bởi Linh

Dự báo chuỗi nhà thuốc tiếp tục là động lực dẫn dắt lợi nhuận chính của FRT, nhóm phân tích Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của Long Châu sẽ tiếp tục cải thiện với việc mở mới 400 cửa hàng trong năm 2023 và mở thêm 200 – 300 cửa hàng/năm trong 4 năm tới.

Nhìn lại 2022 của FRT: Doanh thu tăng, lợi nhuận giảm, chuỗi Long Châu vẫn là điểm sáng

Năm 2022, FRT đạt 30.166 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 34,1% so cùng kỳ năm trước, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế đạt 390 tỷ đồng, giảm 12%.

Đại diện FPT Retail cho biết nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng điện tử như laptop, Apple tăng cao phục vụ nhu cầu học tập, làm việc trong và sau dịch Covid-19 của năm 2021. Sang năm 2022, việc đứt gãy nguồn cung do các nhà máy tại Trung Quốc đóng cửa chống dịch, nhu cầu hàng hóa đã giảm do ảnh hưởng bởi các yếu tố vĩ mô không thuận lợi như lạm phát và lãi suất đều tăng.

Từ đó, doanh thu thuần quý IV/2022 giảm 1.588 tỷ đồng so với cùng kỳ tương đương 22,5%. Bên cạnh đó lãi suất tăng mạnh làm lợi nhuận của công ty giảm 239 tỷ đồng tương ứng 71,2% trong quý IV/2022, ảnh hưởng đến lợi nhuận cả năm 2022 giảm 53 tỷ đồng.

Điểm sáng là chuỗi nhà thuốc Long Châu với hoạt động kinh doanh được nhận định không bị ảnh hưởng bởi yếu tố vĩ mô trong năm 2022. Chuỗi này mang về cho FRT 9.596 tỷ đồng doanh thu, tăng 340%, tương đương 26 tỷ đồng doanh thu/ngày. Cuối năm vừa qua, chuỗi thuốc Long Châu mở mới 537 cửa hàng và đạt 937 cửa hàng, phủ rộng 63 tỉnh, thành cả nước. 

 

Kỳ vọng chuỗi Long Châu tiếp tục là động lực dẫn dắt lợi nhuận chính trong khi FPT Shop chịu sức ép nhu cầu giảm

Thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam được Business Wire (công ty con của Berkshire Hathaway) dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ đáng kể trong giai đoạn 2022 – 2027; một phần do sự thay đổi sở thích của người tiêu dùng sang mua sắm dược phẩm trực tuyến và gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh về lối sống như tiểu đường, tăng huyết áp, béo phì…

Còn theo báo cáo của Fitch Solutions, dự báo doanh thu từ dược phẩm tại Việt Nam sẽ đạt 216,4 ngàn tỷ đồng vào năm 2026. Tiềm năng tăng trưởng của ngành dược phẩm được đánh giá cao vì thu nhập người dân tăng cao hơn. Thêm vào đó, việc nới lỏng các tiêu chí nhập khẩu và dự kiến có sự gia tăng hiện diện của các nhà sản xuất dược phẩm toàn cầu sẽ thúc đẩy thị trường dược phẩm phát triển hơn.

VCSC đánh giá Long Châu là chuỗi nhà thuốc hiện đại lớn nhất Việt Nam về quy mô và có biên lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) cao nhất (1,5% trong năm 2022). Các chuyên gia kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của Long Châu sẽ tăng thêm 100 – 150 điểm cơ bản/năm với việc mở mới 400 cửa hàng trong năm 2023 và mở thêm 200 – 300 cửa hàng/năm trong 4 năm tới.

Nhìn chung, nhóm phân tích dự báo doanh thu hàng tháng/cửa hàng của Long Châu được duy trì khoảng 1,1 tỷ đồng trong các năm từ 2023 đến 2025. Dự báo dựa trên dự phóng biên lợi nhuận gộp của chuỗi này được cải thiện lần lượt 1,5%, 1,3% và 1,2% cho các năm 2023-2024-2025.  

Quan điểm tích cực đối với triển vọng của Long Châu được duy trì nhờ doanh thu/cửa hàng và biên lợi nhuận gộp ổn định. VCSC cho rằng chuỗi nhà thuốc sẽ ít chịu sự ảnh hưởng trong bối cảnh nền kinh tế chững lại do nhu cầu về dược phẩm tương đối ít biến động, điều này hỗ trợ Long Châu trong việc tiếp tục cải thiện biên lợi nhuận trong giai đoạn mở rộng mà không phải hy sinh doanh thu/cửa hàng trong bối cảnh sức tiêu thụ chững lại trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, nhóm phân tích không loại trừ rủi ro việc mở rộng cửa hàng và khả năng sinh lời của Long Châu thấp hơn kỳ vọng. 

VCSC cũng dự báo Long Châu sẽ đóng góp khoảng 45% vào dự báo tổng lãi ròng sau lợi ích cổ đông thiểu số (CĐTS) của FRT giai đoạn 2023 – 2025 so với mức 12% trong năm 2022. 

Trong khi đưa ra những dự báo triển vọng cho chuỗi Long Châu, nhóm chuyên gia VCSC lại cho rằng  FPT Shop sẽ ghi nhận doanh tăng trưởng doanh số bán hàng tại cửa hàng hiện hữu (SSSG) giảm 5% trong năm 2023 trước khi phục hồi khoảng 7%-8% trong các năm 2024 và 2025. Dự báo dựa trên kỳ vọng sức tiêu thụ sẽ phục hồi trong năm 2024.

Do đó, VCSC điều chỉnh giảm dự báo LNST của FPT Shop với mức giảm lần lượt là 3% và 4% trong hai năm 2023 và 2024 do dự báo nhu cầu thấp trong bối cảnh tồn kho cao tại chuỗi cửa hàng FPT Shop (3,6 nghìn tỷ đồng) tính đến cuối năm 2022 dẫn đến FPT Shop phải hy sinh thêm biên lợi nhuận gộp để thu về dòng tiền.    

Dự báo kết quả kinh doanh chịu nhiều sức ép của FPT Shop cũng phần nào tạo áp lực cho triển vọng năm 2023 của FRT nói chung trong bối cảnh triển vọng tiêu thụ ICT kém tích cực và tỷ lệ đòn bẩy cao. Ngoài ra, do FRT có tỷ lệ nợ ròng/vốn chủ sở hữu cao (trung bình khoảng 1,3 lần tính đến cuối năm 2021/2022), VCSC dự phóng LNST sau lợi ích CĐTS năm 2023 của FRT sẽ giảm 19% trước khi phục hồi mạnh vào các năm 2024 và 2025.

Mới đây (ngày 3/3), FPT Retail vừa có quyết định tái bổ nhiệm ông Hoàng Trung Kiên giữ chức Tổng Giám đốc từ 7/3/2023 – 7/3/2028.

Ông Hoàng Trung Kiên (sinh năm 1978) được bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc từ 7/3/2020 thay người tiền nhiệm Nguyễn Bạch Điệp. Ngoài chức vụ Tổng Giám đốc, ông Hoàng Trung Kiên còn là thành viên trong HĐQT từ 28/3/2018 đến nay.

Ông Kiên có bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh và Hệ thống thông tin Đại học Tổng hợp Tự do Bruxelles (Bỉ). Với hơn 19 năm làm việc tại CTCP FPT – đơn vị sở hữu 46,53% vốn cổ phần FPT Retail – nắm giữ nhiều vị trí quan trọng tại một số công ty thành viên, ông có thế mạnh trong việc xây dựng, quản trị hệ thống và phát triển kinh doanh.

Tại FPT Retail, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bạch Điệp quản lý trực tiếp hệ thống nhà thuốc Long Châu (CTCP Dược phẩm FPT Long Châu) còn ông Hoàng Trung Kiên điều hành hệ thống FPT shop.

Có thể bạn quan tâm