Theo đánh giá từ giới phân tích, sau 3 tuần liên tiếp giảm điểm về ngưỡng hỗ trợ 1.000 điểm, VN-Index vẫn trong giai đoạn hồi phục mang tính kỹ thuật tuy nhiên ‘sóng tăng’ đã giảm đi.
Thị trường chứng khoán ghi nhận một tuần điều chỉnh với mức thanh khoản suy yếu so với tuần trước đó, nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 tuần gần nhất.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 32,14 điểm (-3,1%) xuống 1.020,34 điểm, HNX-Index giảm 7,69 điểm (-3,6%) xuống 205,3 điểm. Giá trị giao dịch trên HoSE đạt 69.800 tỷ đồng, giảm 1,8% so với tuần trước đó, tương đương 4.012 triệu cổ phiếu, tăng 1,4%. Bên cạnh đó, giá trị giao dịch trên HNX giảm khá mạnh 9,5% và đạt 6.245 tỷ đồng, khối lượng giao dịch 449 triệu cổ phiếu, giảm 9,7%.
Phần lớn các nhóm ngành sụt giảm
Ông Nguyễn Đình Thắng, chuyên viên phân tích Công ty chứng khoán SHS, cho biết thị trường điều chỉnh trong tuần qua trong bối cảnh phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu đều sụt giảm.
Trong đó, nhóm nguyên vật liệu dẫn đầu thị trường giảm mạnh nhất với 7,5% giá trị vốn hóa. Các cổ phiếu tiêu biểu thuộc ngành tài nguyên cơ bản, như HPG (-10%), HSG (-12,6%), NKG (-12,1%)… và ngành con hóa chất, như DGC (-9,4%), DCM (-3,8%), CSV (-10,1%)…
Khối ngoại mua ròng hơn 1.900 tỷ đồng trong phiên thị trường “đỏ lửa”
Kế đến, nhóm ngành công nghiệp đứng thứ hai với mức điều chỉnh xuống 5, chủ yếu do sự sụt giảm của các doanh nghiệp thuộc ngành vật liệu và xây dựng, như VCG (-13,8%), VGC (-13,9%), HUT (-15,4%), LCG (-11,7%), HBC (-11,8%), L14 (-20,8%)…
Tiếp theo là ngành tài chính với mức giảm 4,3% giá trị vốn hóa, dẫn dắt bởi các thuộc ngành bất động sản, như NVL (-17%), PDR (-10%), HPX (-19,7%), VIC (-5,7%)… và ngành chứng khoán với SSI (-10,7%), HCM (-8,4%), VND (-12,8%), VCI (-11,5%), FTS (-13,8%)…
Giá trị giao dịch theo ngành:
Nhóm cổ phiếu tiện dịch vụ tiêu dùng cũng trượt mất 4,4% giá trị vốn hóa. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự sụt giảm của các cổ phiếu thuộc ngành bán lẻ, như MWG (-4,3%), PNJ (-3,8%), DGW (-12,2%)…; ngành hàng không với VJC (-1,3%), HVN (-10,3%)…
Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước người duy trì mua ròng tuần thứ bảy liên tiếp trên cả hai sàn với tổng cộng giá trị 1.343 tỷ đồng. Trong đó, mã VPD được mua ròng nhiều nhất với 26,6 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là HPG và SHB với 16,3 triệu cổ phiếu và 15,1 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, mã EIB bị bán ròng nhiều nhất với 58,4 triệu cổ phiếu.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 1/2023 đang cao hơn so với chỉ số cơ sở VN30 với mức chênh 0,67 điểm. Ông Thắng cho rằng điều này cho thấy các nhà đầu tư tiếp tục kỳ vọng thị trường có thể sớm hồi phục trở lại.
Sóng hồi phục chưa kết thúc
Ông Thắng phân tích VN-Index điều chỉnh và tích lũy tuần thứ ba liên tiếp, cho thấy thị trường đang trong vùng điều chỉnh của “sóng hồi.”
“Tuy nhiên, việc VN-Index tiếp tục điều chỉnh mạnh trong tuần này là điều khá bất ngờ mặc dù trạng thái hiện tại của chỉ số vẫn nằm trong khu vực điều chỉnh và sóng hồi vẫn chưa xác nhận kết thúc,” ông Thắng nói.
Ông Thắng nhấn mạnh thời điểm kết thúc năm tài chính 2022 đang đến, nhiều nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước sẽ có những động thái cơ cấu danh mục để chốt số liệu hàng năm và chuẩn bị cho năm tài chính tiếp theo. Điều này sẽ ảnh hưởng nhất định tới biến động thị trường trong những phiên giao dịch cuối năm.
“Về kỹ thuật, VN-Index kỳ vọng sẽ có đợt phục hồi tiếp theo trong ngắn hạn khi giữ vững vùng hỗ trợ quanh 1000 điểm. Tuy nhiên, mức độ tin cậy đang giảm dần do đợt điều chỉnh này có biên độ khá lớn và tính chất tích lũy không còn quá tin cậy. Trung hạn, đợt hồi phục và điều chỉnh vẫn đang diễn ra chỉ mang tính phục hồi kỹ thuật sau xu hướng giảm mạnh trước đó. Do đó, VN-Index sẽ tạo nền giá cân bằng để tích lũy trung hạn trước khi có xu hướng đi lên thực sự,” ông Thắng nói.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, cho rằng thị trường chứng khoán đã có một tuần giao dịch không như kỳ vọng khi các chỉ số chứng khoán điều chỉnh cùng với thanh khoản sụt giảm mạnh. Do, các nhà đầu tư có xu hướng bán ra nhằm hạ tỷ trọng ký quỹ và số cổ phiếu nắm giữ trước kỳ nghỉ lễ.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước có tuần hút ròng mạnh trên thị trường mở nhằm kéo lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng tăng trở lại để duy trì chênh lệch đủ hấp dẫn so với lãi suất đồng USD. Động thái này là để hỗ trợ tỷ giá trước áp lực tỷ giá quay trở lại.
Tuy nhiên, ông Hinh cho rằng điều này sẽ khiến thanh khoản có xu hướng co hẹp lại và tâm lý thị trường trở nên thận trọng hơn. Sang tuần giao dịch cuối năm, ông Hinh dự báo dòng tiền có thể tiếp tục co hẹp trước kỳ nghỉ lễ khi nhà đầu tư trong nước có xu hướng hạ tỷ trọng ký quỹ và cổ phiếu. Trong khi đó, giao dịch của khối nhà đầu tư nước ngoài có thể sụt giảm khi bước vào tuần nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới.
“Trong bối cảnh dòng tiền suy yếu, khó có thể kỳ vọng đà đi lên rõ nét của các chỉ số chứng khoán trong tuần tới. Nhiều khả năng, chỉ số VN-Index giằng co trong biên độ hẹp 1.000-1.050 điểm với thanh khoản thấp. Vì vậy, nhà đầu tư có thể theo dõi những phiên tăng để chủ động hạ tỷ trọng ký quỹ và số cổ phiếu nắm giữ về ngưỡng an toàn,” ông Hinh nói.
Có phần lạc quan hơn, ông Thắng cho rằng thị trường sẽ dần đi vào trạng thái giao động với biên độ hẹp dần với các đợt hồi phục và điều chỉnh tiếp theo, đây là diễn biến đặc trưng của động thái tích lũy trung hạn. Ông Thắng vẫn kỳ vọng VN-Index sẽ hướng tới mốc 1.150 điểm sau điều chỉnh.
“Với kỳ vọng đợt điều chỉnh sẽ sắp kết thúc, các nhà đầu tư ngắn hạn hoàn toàn có thể tận dụng đợt điều chỉnh này để mua vào đón đầu đợt tăng giá mới. Đối với danh mục trung và dài hạn, các giai đoạn điều chỉnh trong sóng hồi phục vẫn là cơ hội giải ngân vào các cổ phiếu tiềm năng cơ bản tốt, tăng trưởng ổn định và bắt đầu có bứt phá vượt đỉnh,” ông Thắng chia sẻ./.