Nội dung chính
Tính đến hết năm 2022, theo thông tin trên BCTC các ngân hàng thương mại (NHTM) đã công bố, tổng tài sản nhóm ngành ngân hàng đạt hơn 12,7 triệu tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Thứ hạng top 10 các ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất toàn hệ thống tuy vậy có một số biến động.
Tổng tài sản của top 10 NHTM hàng đầu đạt gần 10 triệu tỷ
Hết 31/12/2022, dẫn đầu nhóm ngân hàng TMCP quy mô tổng tài sản lớn nhất toàn hệ thống (không tính Agribank) vẫn là cái tên quen thuộc BIDV. Ngân hàng này trong năm 2022 cũng trở thành nhà băng đầu tiên của Việt Nam có tổng tài sản lần đầu vượt 2 triệu tỷ đồng, tăng hơn 20% so với thời điểm 31/12/2021.
Vị trí thứ 2 và thứ 3 có sự đổi ngôi giữa Vietcombank và Vietinbank. Hết năm nay, Vietcombank vươn lên vị trí thứ hai với tổng tài sản đạt 1,814 triệu tỷ trong khi Vietinbank bám đuổi sát nút phía sau với 1,809 triệu tỷ đồng; lần lượt tăng 28% và 18% so với đầu năm. Ở vị trí thứ 4, MB Bank ghi nhận tổng tài sản đạt 728,5 nghìn tỷ, tăng 20% so với cuối năm ngoái. Techcombank xếp ngay sau đó với tổng tài sản gần 700 nghìn tỷ, tăng 23%.
Top 5 vị trí còn lại lần lượt thuộc về VPBank, ACB, Sacombank, SHB và HDBank.
Như vậy, 10 cái tên trong BXH top 10 tổng tài sản ngân hàng TMCP tính đến hết quý IV/2022 vẫn giữ nguyên so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ có thứ hạng là ghi nhận biến động. Tổng quy mô tài sản của cả 10 nhà băng này đạt khoảng 9,97 triệu tỷ đồng, tăng từ mức 8,4 triệu tỷ đồng hồi đầu năm, tức tăng 19%.
5 ngân hàng TMCP có vốn chủ sở hữu vượt 100.000 tỷ
Tính đến cuối quý IV/2022, có 5 ngân hàng TMCP trong hệ thống ghi nhận vốn chủ sở hữu vượt 100.000 tỷ đồng. Trong đó, Vietcombank tiếp tục là ngân hàng TMCP có vốn chủ sở hữu lớn nhất toàn hệ thống (135.789 tỷ đồng, tăng từ 109.117 tỷ đồng hồi đầu năm). Ở vị trí thứ hai là Techcombank với vốn chủ sở hữu tăng lên 113.424 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu kỳ và vị trí thứ ba là VietinBank với vốn chủ sở hữu 108.304 tỷ đồng, tăng 16%.
BIDV và VPBank là hai ngân hàng còn lại đã tăng vốn chủ vượt 100.000 tỷ đồng tính đến cuối quý IV/2022, lên lần lượt 104.205 tỷ đồng và 103.216 tỷ đồng.
NHNN liên tục chấp thuận tăng vốn điều lệ, có ngân hàng tăng gần 50%
Về vốn điều lệ, trong năm 2022, NHNN đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với gần 20 ngân hàng thương mại cổ phần. Việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng này chủ yếu là từ nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng (lợi nhuận để lại và các quỹ dự trữ)… Về phía các ngân hàng, việc tăng vốn điều lệ một mặt để tăng cường năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh, mặt khác để chia cổ tức bằng cổ phiếu cho các cổ đông. Đồng thời, đây cũng là nhiệm vụ thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025.
Theo đó, trong top 10 ngân hàng vốn điều lệ lớn nhất toàn hệ thống tính đến hết 31/12/2022, VPBank là ngân hàng ghi nhận mức tăng vốn điều lệ lớn nhất so với đầu năm (gần 50%) lên 67.434 tỷ đồng. Ngoài ra, VIB với mức tăng vốn điều lệ gần 36% lên 21.077 tỷ đồng đã chính thức chen chân vào top 10, đẩy Sacombank bật ra khỏi bảng xếp hạng.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV – TS. Cấn Văn Lực các NHTM có nhu cầu bức thiết tăng vốn trong giai đoạn hiện nay trong bối cảnh hệ số an toàn vốn (CAR) của các NHTM Việt Nam cải thiện chậm và ở mức thấp so với khu vực. Chưa kể các nước trong khu vực đã thực hiện áp dụng toàn bộ hoặc một phần tiêu chuẩn Basel 3, trong khi các NHTM Việt Nam mới đang trong giai đoạn triển khai Basel 2. Mức đệm vốn của các tổ chức tín dụng ở mức thấp làm hệ thống ngân hàng dễ bị tác động tiêu cực bởi các cú sốc bất lợi từ môi trường kinh doanh.
Cũng nói về vấn đề này, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV dẫn số liệu thống kê: “Hệ số CAR đến tháng 10/2022 các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối là 9,04%; thấp hơn đáng kể so với các ngân hàng thương mại cổ phần là 12,92%. Song, tỷ lệ này còn rất thấp so với các nước trong khu vực như Philippines là 16,29%; Singapore là 17,2%; Malaysia là 18,3%; Thái Lan là 19,3% và Indonesia là 23,3%”.