Theo kế hoạch vào ngày 5/2 tới, G7 sẽ áp dụng mức giá trần riêng rẽ đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga được giao dịch ở mức cao hơn dầu thô và một mức trần khác cho những sản phẩm có giá thấp hơn.
Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo ngày 20/1 cho biết Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã nhất trí xem xét lại mức giá trần đối với dầu mỏ xuất khẩu của Nga vào tháng 3 tới, muộn hơn so với kế hoạch ban đầu là vào tháng 2, để có thời gian đánh giá thị trường.
Hồi tháng 12 vừa qua, các nền kinh tế G7, Liên minh châu Âu (EU) và Australia đã nhất trí áp giá trần đối với dầu mỏ xuất khẩu bằng đường biển của Nga ở mức 60 USD/thùng, như một phần trong các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moskva.
Theo kế hoạch vào ngày 5/2 tới, G7 sẽ áp dụng hai mức giá trần riêng rẽ đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga.
Một mức giá trần sẽ được áp dụng đối với các sản phẩm được giao dịch ở mức cao hơn dầu thô, như xăng và dầu diesel, và một mức trần khác sẽ áp dụng cho những sản phẩm được bán với giá thấp hơn dầu thô, như dầu hỏa.
Mỹ đánh giá việc áp giá trần đối với dầu Nga có hiệu quả
Thông báo sau cuộc họp trực tuyến giữa Thứ trưởng Adeyemo với các quan chức G7 ngày 20/1, Bộ Tài chính Mỹ cho biết: “Các thứ trưởng đã nhất trí rằng cách tiếp cận này sẽ tạo ra chính sách giá trần tốt hơn đối với các sản phẩm lọc dầu, bởi trên thị trường cũng có các mức giá khác nhau cho các loại sản phẩm từ dầu.”
Theo thông báo, thời hạn mới đặt ra là tháng 3/2023 sẽ cho phép G7 đánh giá các diễn biến trên thị trường sau khi thực thi chính sách áp giá trần đối với sản phẩm lọc dầu và lắng nghe đánh giá kỹ thuật của Liên minh châu Âu (EU) về việc áp giá trần đối với dầu thô./.