Năm 2022, thị trường dầu mỏ thế giới đã trải qua nhiều biến động về giá cả và nguồn cung. Triển vọng cho năm nay tồn tại song song hai mặt, nhìn chung một số chuyên gia duy trì đánh giá tích cực về các yếu tố hỗ trợ giá dầu.
2022: Nhìn lại một năm biến động của thị trường dầu mỏ
Tháng 1/2022, giá dầu bình quân với loại dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ là 82,98 USD/thùng và Brent là 85,57 USD/thùng. Nhưng đến tháng 3/2022, con số này đã tăng vọt lên lần lượt 108,26 USD/thùng và 112,46 USD thùng do ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt mà Phương Tây áp lên dầu mỏ Nga sau khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ. Ngày 8/3/2022, giá dầu WTI đã có những thời điểm đạt mức cao nhất là 123,7 USD/thùng và giá dầu Brent đạt 127,98 USD/thùng.
Hoạt động sản xuất và tiêu thụ dầu mỏ của Nga gián đoạn cũng như những hiệu ứng tâm lý trên toàn cầu đã làm giá dầu bình quân tháng 6 tiếp tục tăng lên lần lượt 114,34 USD/thùng với WTI và 117,5 USD/thùng với dầu Brent. Để bù vào nguồn cung dầu thiếu hụt từ Nga, các quốc gia châu Âu chuyển sang tìm các nguồn cung dầu mới từ Mỹ, Trung Đông, châu Phi.
Theo thống kê từ Bộ Công Thương mới đây (30/12/2022), các lệnh trừng phạt Nga – chẳng hạn ngày 6/10/2022 EU đưa ra gói trừng phạt mới tạo cơ sở áp đặt giá trần liên quan đến việc vận chuyển dầu Nga bằng đường biển cho nước thứ ba, hạn chế hơn nữa việc vận chuyển dầu thô trên biển và các sản phẩm dầu mỏ sang nước thứ ba – đã dẫn đến sự biến động mạnh về giá dầu toàn cầu.
Với những chính sách cấm vận như vậy, xuất khẩu dầu của Nga sang EU trong tháng 11/2022 đã giảm 430.000 thùng/ngày so với tháng trước đó, xuống còn 1,4 triệu thùng/ngày. Khối lượng dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga giảm 330.000 thùng/ngày xuống còn 500.000 thùng/ngày.
Ngày 2/12/2022, nhóm G7 và Australia nhất trí áp mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển. Áp giá trần lên dầu Nga nhằm mục đích kép là vừa giảm nguồn thu từ xuất khẩu dầu của Nga, vừa ngăn chặn nguy cơ tăng giá dầu thế giới sau khi lệnh cấm vận của EU đối với dầu Nga xuất khẩu bằng đường biển chính thức có hiệu lực từ ngày 5/12.
Dù vậy, giá dầu thế giới về cuối năm có tín hiệu hạ nhiệt dần trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, quốc gia tiêu thụ dầu số một hành tinh là Trung Quốc duy trì chiến lược Zero COVID trong một thời gian dài dẫn đến nhu cầu dầu giảm xuống trong khi dự trữ dầu ở mức khá cao.
Kỳ vọng nhu cầu dầu khởi sắc, giá dầu có thể vượt 100 USD/ thùng
Trong bối cảnh giá dầu dần phục hồi trong tháng 1/2023, Ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ cho rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại gần đây và mạnh tay cấp hạn ngạch nhập khẩu dầu cho các nhà máy lọc dầu tư nhân là một dấu hiệu cho thấy quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới kỳ vọng nhu cầu dầu sẽ khởi sắc khi nền kinh tế phục hồi trở lại. Goldman Sachs nhận định nhu cầu dầu của thế giới sẽ tăng thêm 2,7 triệu thùng/ngày trong năm 2023 và thị trường dầu toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng thiếu cung trong nửa sau của năm.
Nhóm phân tích Goldman Sachs đồng thời kỳ vọng sự tăng trưởng vững vàng của nhu cầu dầu trong năm nay sẽ cho phép OPEC+ tăng sản lượng trở lại trong nửa sau của năm, hồi lại phần sản lượng bị cắt giảm sau cuộc họp hồi tháng 10/2022. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo nếu giá dầu yếu hơn dự báo, OPEC+ sẽ duy trì kế hoạch cắt giảm sản lượng đã công bố, thậm chí giảm sản lượng nhiều hơn để giữ giá dầu.
Tương tự, theo bà Daniela Hathorn, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Capital Economics, việc nới lỏng các hạn chế do COVID-19 ở Trung Quốc cũng như mức giá trần áp đặt gần đây đối với dầu thô của Nga sẽ giúp giá dầu được hỗ trợ vào năm 2023. Dù vậy, bà này cảnh báo những lo ngại về tăng trưởng toàn cầu vẫn đang gây áp lực với thị trường dầu.
Bà Hathorn nói: “Hướng tới năm 2023, có một số điều cần lưu ý. Thứ nhất, Mỹ đã xác nhận sẽ bắt đầu bổ sung dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) với mức giá từ 68-72 USD/ thùng, từ đó có thêm lý do để hỗ trợ giá dầu trong thời gian tới. Thứ hai, giá dầu có thể diễn biến lạc quan trong quý I/2023 nếu khả năng phục hồi nền kinh tế thế giới tốt hơn mong đợi.”
Chung nhận định lạc quan, ông Piero Cingari, chuyên gia thị trường tại Capital Economics cũn
g chia sẻ về mức cơ sở của ông đối với giá dầu WTI trong năm nay tiếp tục đạt trên 72 USD/thùng. Cụ thể, theo ông, Trung Quốc mở cửa trở lại giúp gia tăng nhu cầu, tạo ảnh hưởng tích cực đến giá dầu trong 2023. Bên cạnh đó, dựa vào nguồn cung thắt chặt của OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa), giá WTI thậm chí có thể lên tới 95 USD/thùng.
Trong khi đó, cũng đưa ra nhận định về giá dầu trong năm 2023, ông Bob Ryan, giám đốc chiến lược hàng hóa và năng lượng tại BCA Research thậm chí cho rằng giá dầu thô Brent sẽ ở mức trung bình 115 USD/thùng khi Trung Quốc mở cửa trở lại làm tăng nhu cầu dầu mỏ trở lại.
“Chúng tôi tiếp tục kỳ vọng giá dầu Brent năm 2023 sẽ đạt mức trung bình 115 USD/thùng vào năm tới với xu hướng tăng. Điều này một phần được thúc đẩy bởi kỳ vọng của chúng tôi rằng Trung Quốc sẽ thành công trong việc đảo ngược chiến lược Zero COVID.
Chúng tôi dự đoán mức tiêu thụ dầu của Trung Quốc sẽ giảm trong tháng 12/2022 và tháng 1/2023 lần lượt là 750.000 thùng/ngày và 500.000 thùng/ngày. Sau đó, nhu cầu sẽ tăng vào cuối quý I/2023 và trong suốt thời gian còn lại của năm, giải phóng 700.000 thùng/ngày tăng trưởng nhu cầu dầu bị dồn nén trong năm tới so với mức của năm 2022, do người tiêu dùng tăng cường đi lại và chi tiêu trong và ngoài nước”, ông Ryan chia sẻ.
ING (Tập đoàn Quốc tế Hà Lan) cũng dự báo dầu Brent đạt mức trung bình 104 USD/thùng vào năm 2023, nhưng cảnh báo “sự không chắc chắn xung quanh dự báo của chúng tôi là cao do tình hình địa chính trị và hướng đi của nền kinh tế toàn cầu.” ING cho rằng sự kết hợp giữa nguồn cung dầu của Nga thấp hơn và việc cắt giảm nguồn cung của OPEC+ đồng nghĩa thị trường dầu mỏ toàn cầu dự kiến sẽ thắt chặt hơn vào năm 2023.
Ở góc nhìn thận trọng hơn, ông Osama Rizvi, nhà phân tích năng lượng của Oil price giữ quan điểm còn nhiều yếu tố gây áp lực lên nhu cầu dầu cũng như giá dầu trong năm nay, chẳng hạn như triển vọng phục hồi chậm hơn kỳ vọng của nền kinh tế Trung Quốc, doanh số bán lẻ thấp… Trong khi đó, nhu cầu từ các thị trường mới nổi sẽ vẫn chịu áp lực do đồng đô la mạnh lên và tăng giá, trong khi áp lực từ bên ngoài tiếp tục gia tăng khi chi phí trả nợ cho nhiều nước đang phát triển chạm mức cao nhất kể từ những năm 2000.
Ông Rizvi dự phóng rằng giá dầu sẽ kết thúc năm 2023 ở mức thấp hơn những năm 1960.
Từ những phân tích của các chuyên gia, tâm lý chung đang nghiêng về triển vọng tăng giá dầu vào năm 2023. Tuy nhiên, các yếu tố giảm giá, bao gồm suy thoái kinh tế toàn cầu có thể sẽ tiếp tục phủ gam màu xám lên bức tranh chung.