Nội dung chính
Báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2022 của nhiều doanh nghiệp chăn nuôi heo đã cho thấy những dấu hiệu ‘hụt hơi’ về cuối năm do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nhưng giá heo bán ghi nhận mức thấp trong thời gian dài. Điều này trái ngược hoàn toàn với kỳ vọng vào đầu năm ngoái, rằng nhu cầu hồi phục và giá heo có thể liên tục tăng mạnh do lo ngại hụt nguồn cung sau dịch tả châu Phi và ảnh hưởng tiếp theo của đại dịch Covid-19.
Kết quả ảm đạm trong quý IV/2022 của loạt “ông lớn” trong ngành, riêng HAGL nếm “trái ngọt”
Ra mắt thương hiệu “heo ăn chay” với CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (mã: BAF), đại gia Trương Sỹ Bá đã cho thấy quyết tâm chinh phục mảng thực phẩm sạch và đã ghi nhận thành công bước đầu.
Trong 3 quý đầu năm 2022, doanh thu lũy kế đạt 4.889 tỷ đồng, giảm 46% nhưng lợi nhuận sau thuế của Nông nghiệp BAF tăng gần 2 lần lên 158 tỷ đồng nhờ sản phẩm “heo ăn chay”.
Sang quý IV/2022, doanh thu thuần đạt 2.158 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt hơn 6,5 tỷ đồng, giảm 91,4% so với năm 2021, chủ yếu do giá vốn cao và mức tăng chi phí.
Theo đó, hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp) lỗ 10 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 88 tỷ đồng, tức giảm 98 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 10,4% về còn 2,9%. Trong kỳ, doanh nghiệp thoát lỗ nhờ phát sinh khoản lợi nhuận khác 18 tỷ đồng (thanh lý, nhượng bán tài sản cố định).
CTCP Masan MeatLife (mã: MML) cũng không nằm ngoài xu hướng chung của ngành với 3 quý lỗ liên tiếp, từ quý II đến quý IV/2022.
Theo đó, tình hình kinh doanh của MML đã bắt đầu ảm đạm từ quý II/2022 với mức lỗ sau thuế 211 tỷ đồng trước khi tiếp tục lỗ 97 tỷ đồng trong quý III. Quý IV/2022, doanh thu bán hàng của MML đạt hơn 1.580 tỷ đồng, giảm gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí tăng mạnh khiến MML lỗ sau thuế hơn 170 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 882 tỷ đồng.
Trong bối cảnh thị trường ảm đạm, Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã: DBC) lần đầu tiên sau 5 năm báo lỗ ròng hơn 79 tỷ đồng vào quý IV/2022, trong khi cùng kỳ năm 2021 lãi gần 112 tỷ đồng. Thực tế, tình hình hoạt động kinh doanh cốt lõi của Công ty đã sa sút từ quý III/2022, động lực tăng trưởng đến từ hoạt động trong mảng bất động sản.
Điểm sáng duy nhất trong bức tranh xám toàn ngành là CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã: HAG) với chiến lược “1 cây, 1 con”. Quý IV nói riêng và cả năm 2022 nói chung là giai đoạn phát triển mạnh nhất của doanh nghiệp này.
Theo báo cáo, trong quý IV/2022, HAGL thu về 1.610 tỷ đồng, tăng 119% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán heo tăng gần 6 lần, từ 115 tỷ lên 676 tỷ, tương đương tăng 561 tỷ đồng. Nguồn thu từ chăn nuôi đã góp phần lớn trong mức lãi sau thuế 288 tỷ đồng của HAGL quý IV/2022, gấp gần 3 lần so với quý IV/2021.
Luỹ kế cả năm 2022, doanh thu của HAGL đạt 5.081 tỷ đồng, tăng 142%; riêng hoạt động bán heo và trái cây đã giúp mang về 1.214 tỷ đồng, chiếm 75% tổng doanh thu. Lãi ròng cả năm đạt gần 1.181 tỷ đồng, gấp 9 lần năm 2021, bao gồm hơn 92 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại (bao gồm chênh lệch lợi nhuận nội bộ chưa thực hiện và chênh lệch giá trị hợp lý của tài sản mua trong hợp nhất kinh doanh).
“Nút thắt hai đầu”: Chi phí tăng cao, đầu ra giá giảm
Lý giải về kết quả kinh doanh ảm đạm chung trong quý IV/2022, cả Nông nghiệp BAF và Dabaco đều cho rằng nguyên nhân chủ yếu đến từ tình hình dịch bệnh và ảnh hưởng đứt gãy nguồn chuỗi cung ứng nguồn nguyên liệu đầu vào từ diễn biến vĩ mô khó lường. Giá thành nguyên vật liệu thức ăn chăn nuôi, chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển, logistic tăng cao, trong khi giá heo hơi đầu ra liên tục sụt giảm trong thời gian dài (duy trì ở mức khoảng 50.000 đồng/kg) đã ảnh hưởng trực tiếp đến biên lãi.
Cùng đó ngành chăn nuôi vẫn còn khó khăn, do dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến việc chăn nuôi và nuôi tái đàn, doanh thu và lợi nhuận của các đơn vị chăn nuôi cũng giảm so với cùng kỳ năm trước.
Tại MML, doanh nghiệp cho hay doanh thu giảm mạnh do công ty thực hiện tách mảng (không còn mảng thức ăn chăn nuôi và chỉ tập trung vào mảng thịt thương hiệu) kể từ đầu năm. Thêm vào đó là doanh thu từ hoạt động tài chính giảm mạnh.
Riêng với tình hình tích cực tại HAGL, bầu Đức lý giải rằng việc tận dụng được lượng chuối thải được xem là lợi thế vô cùng lớn của HAGL trong việc giảm giá thành chăn nuôi trong chăn nuôi heo, nhất là trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã suốt năm 2022 do giá nguyên liệu đầu vào như ngô, đậu tương, lúa mì… tăng tính bằng lần so với cùng kỳ năm 2021. Thực tế, trong chăn nuôi heo, nguồn thức ăn chăn nuôi chiếm 70-75% chi phí.
Theo bầu Đức, HAGL tận dụng số lượng chuối không đạt chất lượng trong vùng trồng rộng 5.000 ha của mình để làm thức ăn cho heo. Thành phần từ chuối sẽ chiếm 40% cấu thành thức ăn chăn nuôi, 60% còn lại là các nguyên liệu mua ngoài như đậu tương, thảo mộc,… Để so sánh, tại các doanh nghiệp lớn, việc giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp tăng mạnh khiến chi phí nuôi heo lên trên 50.000 đồng/kg, còn các hộ nuôi nhỏ lẻ là hơn 60.000 đồng/kg. Tuy nhiên, ở HAGL, chi phí nuôi dưới 40.000 đồng/kg nhờ cho heo ăn chuối.
Con đường sáng trong năm 2023?
Trong báo cáo ngành nông nghiệp mới nhất, chứng khoán VNDIRECT nhìn nhận khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất thịt sẽ giảm bớt trong năm 2023 nhờ việc giá lợn được kỳ vọng tăng 5%, với một số yếu tố hỗ trợ như: Nhu cầu ăn uống bên ngoài phục hồi; và thiếu hụt nguồn cung khi hộ chăn nuôi vẫn ngần ngại trong việc tái đàn do giá heo giảm trong thời gian gần đây trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao. Hiện nay, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm khoảng 60% tổng nguồn cung thịt lợn tại Việt Nam.
Mặt khác, giá hàng hóa có khả năng giảm trong 2023 do lo ngại ban đầu về tình trạng thiếu lương thực do xung đột đã lắng xuống khi các nước xuất khẩu khác tăng nguồn cung; ngũ cốc của Ukraine đã được vận chuyển trở lại sau thỏa thuận chấm dứt việc phong tỏa các cảng của nước này; và giá phân bón hạ nhiệt, góp phần thúc đẩy sản lượng thu hoạch nhờ tăng năng suất cây trồng.
Theo quan điểm của VNDIRECT, giá thức ăn chăn nuôi trong nước có độ trễ hơn so với giá nông sản thế giới. Vì vậy, VNDIRECT cho rằng chi phí thức ăn chăn nuôi sẽ giảm dần vào năm 2023.
Trong cả năm, chuyên gia cho rằng nhu cầu tiêu thụ thịt sẽ không giảm nhờ tăng trưởng thu nhập thực tế nhờ kế hoạch tăng lương cơ bản của chính phủ lên khoảng 20,8% vào năm 2023 và lượng khách du lịch quốc tế dự kiến sẽ phục hồi 84% trong quý II và 100% trong quý IV, kéo theo sự phục hồi mạnh mẽ của dịch vụ giải trí, lưu trú và ăn uống. Do đó, VNDIRECT cho rằng các nhà sản xuất thịt sẽ ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu tích cực trong 2023.
Tuy vậy, VNDIRECT cũng khuyến nghị một số rủi ro có thể tác động bất lợi đến kết quả kinh doanh của ngành chăn nuôi gồm: Căng thẳng kéo dài giữa Nga và Ukraine ảnh hưởng đến hoạt động vận tải trên Biển Đen có thể gây áp lực tăng giá ngũ cốc toàn cầu. Bên cạnh đó, do khoảng 80% nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi được nhập khẩu nên tỷ giá USD/VND tăng sẽ kéo theo giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào trong sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng.
Ngoài ra, dịch tả lợn châu Phi có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn vào năm 2023. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay cả nước có 53 ổ dịch tại 53 huyện của 18 tỉnh. Tổng số lợn mắc bệnh là 3.164 con, tổng số lợn chết là 3.259 con. Trong bối cảnh vắc xin chưa cho kết quả tích cực cụ thể, dịch tả lợn châu Phi vẫn tiềm ẩn nguy cơ làm giảm nguồn cung lợn.