Trang chủ Việt NamĐầu tư phát triển Hà Nội: 4 chung cư cũ nguy hiểm cấp D phải di dời cư dân xong ngay trong quý I

Hà Nội: 4 chung cư cũ nguy hiểm cấp D phải di dời cư dân xong ngay trong quý I

bởi Linh

Ban Chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội cho biết, đối với 4 khu nhà chung cư cũ được xác định nguy hiểm cấp D gồm Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh và Bộ Tư pháp; cần khẩn trương thực hiện công tác di dời các hộ dân và hoàn thành chậm nhất trong quý I/2023.

 

Ban Chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội (Ban chỉ đạo) cho biết, trong năm 2023, Ban tiếp tục nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trực tiếp để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án và các kế hoạch triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt hiệu quả. Đồng thời, duy trì và tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc, tổ chức giao ban thường kỳ nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Đối với 10 khu chung cư cũ ưu tiên triển khai đợt 1 gồm 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D (Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Bộ Tư pháp) và 6 khu có tính khả thi cao (Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân), UBND các quận: Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy khẩn trương thực hiện di dời các hộ dân khỏi nhà nguy hiểm cấp D, hoàn thành chậm nhất trong quý I/2023; khảo sát hiện trạng, kiểm định, lập quy hoạch, hoàn thành chậm nhất trong quý II/2023; tổ chức lựa chọn chủ đầu tư dự án trong quý III/2023.

Thành phố cũng tiếp tục rà soát các nhà chung cư trên địa bàn, đề xuất 2-3 nhà chung cư có điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trước và có kế hoạch triển khai cụ thể đối với các nhà chung cư này.

Hà Nội: 4 chung cư cũ nguy hiểm cấp D phải di dời cư dân xong ngay trong quý I

 4 khu nhà chung cư cũ được xác định nguy hiểm cấp D phải di dời ngay tron quý I/2023. Ảnh HNM.

UBND quận Hoàn Kiếm khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành Đề án quy gom tái định cư các chung cư đơn lẻ trên địa bàn, hoàn thành chậm nhất trong quý II/2023.

UBND các quận, huyện có nhà chung cư thuộc các đợt triển khai 2, 3, 4 còn lại tập trung, khẩn trương hoàn thành công tác khảo sát hiện trạng, kiểm định, lập quy hoạch các nhà/ khu chung cư theo Kế hoạch 334/KH-UBND ngày 31/12/2021 và Kế hoạch số 329/KH-UBND ngày 31/12/2021 của UBND thành phố Hà Nội…

UBND quận Ba Đình cho biết, trên địa bàn quận có 213 nhà chung cư cũ. Trong đó có 4 khu chung cư (138 nhà) cần lập quy hoạch chi tiết 1/500 và 48 nhóm/nhà chung cư (75 nhà) cần lập quy hoạch tổng mặt bằng để làm cơ sở triển khai cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.

Đến nay, đã có 86/213 nhà chung cư cũ trên địa bàn quận Ba Đình đã có kết quả kiểm định. Trong đó, 55 nhà được xác định nguy hiểm cấp C, 26 nhà nguy hiểm cấp B và 5 nhà nguy hiểm cấp D (cấp cực kỳ nguy hiểm, có thể đổ sập bất kỳ lúc nào).

Về công tác di dời các hộ dân khỏi nhà nguy hiểm cấp D: Có 2 nhà đã hoàn thành di dời là Đơn nguyên 1,3 Tập thể Bộ Tư pháp, Đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh. Hiện còn 24 hộ chưa di dời, trong đó Đơn nguyên 1,2 nhà G6A Thành Công còn 23 hộ; Đơn nguyên 3 C8 Giảng Võ còn 1 hộ. Hiện UBND quận Ba Đình đang giao các đơn vị tiếp tục vận động, tuyên truyền các hộ di dời; đồng thời xây dựng kế hoạch cưỡng chế nếu các hộ cố tình chống đối.

Không ban hành văn bản quy định hệ số K phục vụ cải tạo chung cư cũ

Liên quan đến vấn đề cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố; Ban chỉ đạo cũng đã có ban hành thông báo về việc UBND thành phố sẽ không xem xét, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của thành phố về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ (nội dung chủ yếu liên quan đến hệ số K và quy trình lựa chọn nhà đầu tư) theo đề xuất của Sở Xây dựng.

Cụ thể, tại Thông báo số 03/TB-BCĐ thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo – tại cuộc họp tổng kết 1 năm triển khai thực hiện đề án và các kế hoạch triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022, nêu rõ: UBND thành phố không xem xét, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của thành phố về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ (nội dung chủ yếu liên quan đến hệ số K và quy trình lựa chọn nhà đầu tư) – theo đề xuất của Sở Xây dựng.

Nguyên nhân là do việc nghiên cứu, xây dựng, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của UBND thành phố về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đòi hỏi phải có nhiều thời gian, trong khi tiến độ thực hiện đề án và các kế hoạch triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay đã không đáp ứng tiến độ đề ra.

Mặt khác, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã tương đối đầy đủ. Theo đó, các sở, ngành thành phố vận dụng tối đa các chế định hiện có, phối hợp với Sở Tư pháp nghiên cứu, tham mưu, báo cáo UBND thành phố ban hành văn bản cá biệt để chỉ đạo, điều hành (nhưng vẫn phải bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai thực hiện) đối với một số tình huống cụ thể.

Có thể bạn quan tâm