Hà Nội có 219 dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị đang triển khai theo Kế hoạch phát triển nhà ở Thành phố giai đoạn 2021-2025, trong đó có 48 dự án nhà ở xã hội.
Theo UBND TP Hà Nội, hiện Thành phố đang triển khai xây dựng 219 dự án về nhà ở, khu đô thị. Trong đó, có 140 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, tương ứng gần 41,5 triệu mét vuông sàn nhà ở, 221.507 căn hộ; 48 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, tương ứng gần 2,9 triệu mét vuông sàn nhà ở, 3.900 căn hộ; 21 dự án nhà ở tái định cư với khoảng 817.700 mét vuông sàn nhà ở, 10.232 căn hộ và 10 dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn, chính sách tín dụng siết chặt, giá nguyên vật liệu tăng cao… đã đẩy giá thành sản phẩm bất động sản tăng theo, giá tăng trên 10%. Bên cạnh đó, một số vướng mắc về thủ tục đầu tư… khiến các chủ đầu tư dự án, nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc tham gia thị trường. Nguồn cung bất động sản thông qua các dự án nhà ở trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022 có sự sụt giảm rõ rệt: Giảm khoảng 24% số lượng căn hộ và giảm khoảng 56% diện tích sàn xây dựng…
Tại Hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững do Thủ tướng Chính phủ chủ trì mới đây, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, năm 2023, Thành phố quyết tâm phải rà soát, đánh giá 750 dự án để thu hồi. “Chúng tôi dự kiến là sẽ phải dừng 4 dự án, thu hồi trên 2.600 ha và chấm dứt hoạt động đối với khoảng 60 dự án chưa xác định đất”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, thời gian vừa qua, đặc biệt trong năm 2022, thị trường bất động sản TP Hà Nội chưa khởi sắc. Cụ thể, nguồn cung sản phẩm ở mức thấp, chủ yếu là từ các dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư trước đây, còn các dự án đầu tư mới được chấp thuận là không nhiều, chỉ một vài dự án đấu giá đất với quy mô nhỏ.
Chính sách tín dụng siết chặt, giá nguyên vật liệu tăng cao và như vậy đẩy giá sản phẩm bất động sản tăng theo, cộng thêm một số vướng mắc về thủ tục đầu tư khiến các chủ đầu tư dự án, nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc tham gia thị trường. Theo đánh giá của thành phố, giá tăng trên 10%.
Từ đầu năm đến hết quý III/2022, giao dịch bất động sản trên thị trường Hà Nội trầm lắng hơn cuối năm 2021, lượng sản phẩm được chào bán trên thị trường tập trung chủ yếu vào các dự án đầu tư ở các quận, huyện vùng ven do ưu thế về quỹ đất; phân khúc căn hộ chung cư trung và cao cấp chiếm số đa số nhưng giá rất cao, lượng, giao dịch thấp, ước chỉ đạt khoảng 10% lượng sản phẩm chào bán ra thị trường, còn căn hộ thu nhập thấp, nhà ở xã hội thấp. Cụ thể, đối với năm 2022 giảm 25% số lượng căn hộ đưa ra thị trường và tổng diện tích sàn giảm 55% so với năm 2021.
“Trong góc độ TP Hà Nội, chúng tôi thấy một yếu tố pháp lý cũng rất khó khăn, cụ thể, đến giờ phút này, khả năng phát triển các dự án mới khó khăn vì vướng cơ chế đầu tư, đặc biệt mô hình đầu tư, chỉ có hình thức là đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hay đấu giá quyền sử dụng đất để phát triển các dự án nhà ở thương mại là khu đô thị mới”, ông Tuấn bày tỏ.
Tuy nhiên trong trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thì buộc phải thu hồi đất, còn đấu giá quyền sử dụng đất phải trên cơ sở xác định các pháp lý liên quan tới ranh giới của khu vực đấu thầu và đấu giá.
Vì vậy, vướng mắc là trong việc thu hồi đất, đặc biệt những vấn đề thuộc đối tượng không thể thu hồi đất, chỉ có nhận chuyển nhượng thì không thể đấu thầu được, còn đấu giá đòi hỏi khoảng thời gian tương đối lớn. Đồng thời việc chỉ định nhà đầu tư vì chính họ là chủ quản lý sử dụng đất, loại hình này rất nhiều.
Do đó, ông Tuấn kiến nghị xây dựng một nghị định của Chính phủ để xâu chuỗi lại Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở để sao cho phân định rõ đấu thầu theo cơ chế, đấu giá theo cơ chế và chỉ định thì theo cơ chế để thúc đẩy ngay, chứ hiện nay rất nhiều dự án dở dang như nhiều đại biểu đã nói.
Thứ hai, triển khai nhà ở xã hội, mặc dù Thủ tướng chỉ đạo rất mạnh mẽ, có đề án 1 triệu căn hộ, tuy nhiên, khả năng phân bố khu vực nhà ở xã hội chủ yếu là 20% trong các khu nhà ở, khu đô thị mới đã hình thành, còn các khu mới phải đấu thầu, đấu giá thì cần thời gian.
Hiện nay đang thiếu các cơ chế chính sách cho phân khúc nhà ở cấp trung. TP Hà Nội sẽ tiến hành đấu thầu 5 khu nhà ở tập trung nhưng cơ chế chính sách về việc này chưa có. Vì vậy ông kiến nghị có một nghị định linh hoạt của Chính phủ để xử lý vấn đề này.
Hà Nội chấn chỉnh công tác lập, trình phê duyệt kế hoạch sử dụng đất
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông ký ban hành Văn bản số 360/UBND-TNMT gửi Sở Tài nguyên và Môi trường; UBND các quận, huyện, thị xã về việc chấn chỉnh công tác lập, trình phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện.
Văn bản nêu rõ, Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình UBND thành phố phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của 30 quận, huyện, thị xã. Tuy nhiên, nội dung trình của Sở Tài nguyên và Môi trường còn một số nội dung phải hoàn thiện, chỉnh sửa và thời điểm trình, chuyển hồ sơ còn chưa bảo đảm.
Để khắc phục nội dung trên, UBND thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong công tác hướng dẫn, đôn đốc và tổ chức t
hẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện, đảm bảo đúng quy trình và thời điểm UBND thành phố phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận, huyện, thị xã hoàn toàn chịu trách nhiệm về chỉ tiêu sử dụng đất, việc đảm bảo tính pháp lý, chính xác, điều kiện theo quy định của danh mục các dự án thực hiện trong năm, thành phần hồ sơ, trình tự thủ tục, các nội dung trong hồ sơ, tờ trình, quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện.
UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm công bố công khai kế hoạch sử dụng đất cấp huyện theo quy định tại Điều 48, Luật Đất đai 2013 (được sửa đổi bổ sung tại Khoản 1, Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018). UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, giám sát UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện theo quy định.