Trang chủ Doanh nghiệp HAGL (HAG) của ‘bầu Đức’ hiện làm ăn ra sao?

HAGL (HAG) của ‘bầu Đức’ hiện làm ăn ra sao?

bởi Linh

HAGL từng thông báo có thể bỏ giải V.League 2023 vì thiếu kinh phí nếu VPF không tạo điều kiện cho đội bóng ký hợp đồng với nhà tài trợ Carabao. CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã: HAG) đang làm ăn ra sao khiến bầu Đức gặp khó trong hoạt động của đội bóng?

 

Xung đột quyền lợi giữa nhà tài trợ chính của V.League và nhà tài trợ chính của câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai (CLB HAGL) chưa thể giải quyết đang đặt đội bóng phố núi vào tình thế có thể phải bỏ giải vì không đủ kinh phí hoạt động. Nhưng sau cùng, đôi bên cùng nhượng bộ, HAGL vẫn có được nhà tài chính là tập đoàn nước tăng lực đến từ Thái Lan – Carabao.

Tại Việt Nam, HAGL là câu lạc bộ gắn liền với tên tuổi của ông Đoàn Nguyên Đức (tức bầu Đức) và Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAG). Thực tế, câu lạc bộ bóng đá này hiện vẫn vận hành với vai trò là công ty con của HAG.

Bên cạnh nguồn tài trợ từ các đối tác thứ ba, với vai trò là công ty mẹ, công ty của bầu Đức vẫn đều đặn bơm tiền để câu lạc bộ bóng đá này duy trì hoạt động. Nhiều người cho rằng, HAGL thông báo thiếu nguồn tài chính nếu không được nhà tài trợ chỉ là một trong lý do để đội bóng của bầu Đức phản đối về quy định “nhà tài trợ độc quyền” của Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF).

 

HAGL (HAG) của ‘bầu Đức’ hiện làm ăn ra sao?

 HAGL (áo trắng) ra sân trận mở màn V.League 2023 gặp Hồng Lĩnh Hà Tĩnh với kết quả hoà 0-0. Ảnh HAGL.

Tình hình kinh doanh Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) ra sao?

Nguồn tiền chính để bầu Đức tài trợ cho các hoạt động bóng đá của CLB HAGL là lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của HAG. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cả vị thế và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này đã không còn được như trước.

HAG từng là một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam, cá nhân bầu Đức cũng từng là người giàu nhất thị trường này với khối tài sản hơn 6.100 tỷ đồng vào năm 2008.

Tuy nhiên, những biến động của thị trường trong hơn một thập niên qua đã khiến HAG cũng như bầu Đức không còn giữ được vị thế.

Với riêng HAG, trong giai đoạn hoàng kim 2009-2014, mỗi năm công ty này đều mang về cho bầu Đức và các cổ đông hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận. Kết quả kinh doanh của HAG chỉ bắt đầu lao dốc khi doanh nghiệp mở rộng quy mô quá nhanh và vướng vào các khoản nợ vay hàng chục nghìn tỷ. Trong khi đó, các chiến lược chuyển hướng kinh doanh của ban lãnh đạo đều không mang lại hiệu quả.

HAG chịu đà suy giảm từ năm 2015 khi lợi nhuận ròng giảm mạnh từ mức 1.556 tỷ đồng năm trước xuống còn hơn 600 tỷ đồng. Một năm sau đó (năm 2016), HAG báo lỗ ròng hơn 1.500 tỷ đồng…

Sau giai đoạn thăng trầm, năm 2022, dưới sự dẫn dắt của ‘bầu’ Đức vẫn kiên trì với chiến lược “1 cây, 1 con” (cây chuối, con heo), HAGL đã thu về thắng lợi lớn với doanh thu và lợi nhuận cao nhất kể từ năm 2011.

Theo đó, trong quý IV/2022, HAGL thu về 1.610 tỷ đồng, tăng 119% so với cùng kỳ. Hàng loạt doanh thu từ hoạt động chính của công ty đồng loạt tăng trưởng tích cực.

Giá vốn dù vậy cũng tăng hơn 2 lần lên 1.191 tỷ đồng, HAGL thu về 419 tỷ đồng lợi nhuận gộp, biên lãi gộp giảm từ 30% cùng kỳ năm trước xuống 26%.

 

Doanh thu hoạt động tài chính giảm 35% xuống 82 tỷ đồng do tiền lãi cho vay trong quý cuối năm 2022 giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng mạnh 34 lần lên 407 tỷ đồng do HAGL đã tăng trích dự phòng khoản đầu tư vào nhóm CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (mã: HNG), cùng với đó là lãi vay với hơn 225 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng nhẹ lên 50 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 405 tỷ đồng so với cùng kỳ 2021 do trong quý IV/2022 tập đoàn đã tăng hoàn nhập dự phòng các khoản phải thu.

Dù vậy, HAGL vẫn thu về lãi ròng 288 tỷ đồng trong quý IV/2022, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ 2021.

Luỹ kế cả năm 2022, doanh thu của HAGL đạt 5.081 tỷ đồng, tăng 142%. Trong đó, bán heo và trái cây vẫn là 2 nguồn doanh thu chủ lực của tập đoàn khi mang về 1.214 tỷ đồng, chiếm 75% tổng doanh thu. Sau đó là bán sản phẩm, hàng hoá cùng cung cấp các dịch vụ.

Lãi ròng cả năm đạt gần 1.181 tỷ đồng, gấp 9 lần năm 2021, bao gồm hơn 92 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại (bao gồm chênh lệch lợi nhuận nội bộ chưa thực hiện và chênh lệch giá trị hợp lý của tài sản mua trong hợp nhất kinh doanh).

Năm 2022, HAG đặt mục tiêu doanh thu thuần 4.820 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.120 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, tập đoàn đã vượt 5,4% doanh thu và lợi nhuận, đúng như lời khẳng định trước đó của bầu Đức trong thư gửi cổ đông. Đáng chú ý, đây là năm đầu tiên doanh nghiệp thu lãi trên nghìn tỷ đồng.

Với tình hình trên, bầu Đức sẽ không quá lo lắng về nguồn tài chính cho đội bóng. Đáng chú ý, kể từ năm 2009, khi CLB HAGL được chuyển đổi thành Công ty CP Thể thao Hoàng Anh Gia Lai với vốn điều lệ 115 tỷ đồng (HAG sở hữu 51% và các công ty con nắm 19%), doanh nghiệp bầu Đức đã liên tục rót tiền vào đội bóng này.

Tháng 4/2021, sau khi rót thêm gần 31 tỷ đồng vào CLB HAGL, HAG đã nâng tỷ lệ sở hữu tại câu lạc bộ này lên 97,5%.

Theo báo cáo tài chính mới nhất của công ty mẹ HAG, hiện giá gốc của khoản đầu tư vào CLB HAGL là gần 90 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty đang phải trích lập dự phòng cho toàn bộ khoản đầu tư này…

Trong những năm gần đây, giá trị khoản phải thu về cho vay giữa hai bên liên tục tăng lên, bất chấp kết quả kinh doanh của HAG ra sao.

Ngày 2/2, VPF (Công ty CP Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam, đơn vị được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam giao quyền tổ chức V.League) gửi công văn nhất trí với kế hoạch triển khai tổ chức trận đấu của CLB HAGL.

Theo đó, HAGL đưa phương án chỉ hiển thị logo nhà tài trợ Carabao (không đi kèm chữ “nước tăng lực” bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt), đồng thời thay đổi một số hoạt động quảng cáo bên lề nhằm tránh xung đột quyền lợi ngành hàng độc quyền với nước tăng lực Night Wolf, đơn vị tài trợ chính cho V.League 2023.

Nửa đầu năm 2022 vừa qua, bên cạnh hơn trăm triệu đồng tiền chi trả hộ chi phí, doanh nghiệp của bầu Đức còn cho CLB vay gần 24 tỷ đồng. Đáng chú ý, việc cho vay này diễn ra trong bối cảnh công ty đang có một khoản nợ khó đòi đã xử lý với đội bóng giá trị lên tới gần 422 tỷ đồng vào cuối năm 2021. Đến cuối tháng 6/2022, giá trị khoản nợ khó đòi này đã tăng lên hơn 445 tỷ đồng.

Trở lại với những xung đột lợi ích giữa hai nhà tài trợ chính của V.League và CLB HAGL, hiện hai bên đã thống nhất với nhau, Carabao vẫn sẽ là nhà tài trợ chính của CLB HAGL nhưng phải tuân thủ một số quy định từ nhà tài trợ chính V.League 2023. Đội bóng phố núi vẫn tham gia V.League 2023 và nguồn tài trợ đến từ doanh nghiệp nước tăng lực Thái Lan rất lớn (khoảng 80 tỷ đồng/năm).

Câu chuyện mẫu thuẫn giữa HAGL và VPF tưởng chừng đi đến hồi kết sau khi đôi bên đã có sự thống nhất về phương án xử lý thì mới đây, Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức tuyên bố sẽ kiện VPF ra tòa. “HAGL sẵn sàng đối đầu với VPF trong vụ kiện này. Chúng tôi kiện không phải vì HAGL cần tiền bồi thường mà vì 14 đội bóng dự V.League”, bầu Đức nhấn mạnh.

 

Vụ kiện của HAGL với VPF qua góc nhìn luật sư

Nhận định về vụ xung đột giữa HAGL với VPF, luật sư Nguyễn Thanh Hà – Giám đốc Công ty Luật SBLaw cho biết, vấn đề mấu chốt chính gây xung đột liên quan tới lợi ích của các bên. Bài toán tài trợ của các CLB Việt Nam hiện nay rất quan trọng, nói không quá là mang tính sống còn đối với một đội bóng. Nếu không có nhà tài trợ thì khả năng bỏ bóng đá do thiếu kinh phí là rất cao.

Dưới góc độ kinh tế, nhiều nhãn hàng nước tăng lực đang hợp tác với CLB bóng đá và khiến cuộc chiến giành thị phần trở nên khốc liệt. Đây cũng là minh chứng cho thấy tiềm năng của ngành hàng này tại Việt Nam.

Vụ kiện của HAGL với VPF qua góc nhìn luật sư

 Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Giám đốc Công ty Luật SBLaw.

Trong trường hợp của HAGL, hợp đồng với doanh nghiệp từ Thái Lan giúp CLB này nhận hơn 40 tỷ đồng/mùa. Khi VPF yêu cầu đội bóng không được quảng bá hình ảnh nhà tài trợ mới theo đúng điều lệ giải, HAGL phản đối và lưu ý sẽ mất nguồn thu, tiền trả lương cho cầu thủ, ban huấn luyện và phải đền bù khoản tiền lớn nếu không tuân thủ hợp đồng.

Theo luật sư Thanh Hà, cần xác định tại điều lệ giải có quy định rõ ràng về nội dung độc quyền của nhà tài trợ giải là nước tăng lực Night Wolf, sản phẩm của Công ty Sâm Ngọc Linh hay không. Ngoài ra, trước khi ký kết hợp đồng với Carabao, HAGL có biết về quy định này hay không, VPF ký hợp đồng tài trợ độc quyền với nhãn hàng nước tăng lực trước hay sau khi HAGL ký với Carabao.

Trong trường hợp hai bên không thể đàm phán, thỏa thuận dẫn đến việc khởi kiện, trường hợp HAGL chứng minh được VPF phải chịu trách nhiệm dẫn đến việc HAGL vi phạm hợp đồng, HAGL có thể đòi VPF bồi thường thiệt hại hoặc ngược lại.

Luật sư Thanh Hà cho biết thêm, khoản 2 Điều 8 Luật Cạnh tranh 2018 quy định các hành vi bị cấm liên quan đến cạnh tranh bao gồm: Tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, vận động, kêu gọi, ép buộc hoặc tổ chức để doanh nghiệp thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh.

Tuy nhiên trong vụ việc này, HAGL khó có thể dẫn chiếu Luật Cạnh tranh để kiện VPF vì đưa ra điều khoản độc quyền trong hợp đồng với nhà tài trợ V.League.

 

Có thể bạn quan tâm