Nội dung chính
Theo VCBS, WinCommerce tiếp tục mở rộng và cải thiện biên lợi nhuận dù vẫn khó sinh lãi ròng trong khi chiến lược cao cấp hoá của Masan Consumer Holdings gặp rào cản trong năm 2023.
Sở hữu Masan Consumer Holdings (MCH) và WinCommerce (WCM), cùng hai mảnh ghép quan trọng là Phúc Long và mạng viễn thông Reddi, The CrownX (TCX) là nhân tố chủ chốt của Masan trong kế hoạch xây dựng nền tảng tiêu dùng – bán lẻ của mình.
Trong quý III, TCX ghi nhận doanh thu tăng trưởng 16,8% và lợi nhuận thuần tăng trưởng 90,2% so với quý trước. Trên cơ sở chuẩn hóa, doanh thu 9 tháng đầu năm của TCX tăng 7,8% và doanh thu thu quý III tăng 17,9%so với cùng kỳ năm trước.
Chiến lược cao cấp hoá của Masan Consumer
Theo báo cáo từ Chứng khoán Vietcombank (VCBS), sức mua thực tế giảm cùng rủi ro lạm phát cao là yếu tố then chốt tác động đến triển vọng của các doanh nghiệp bán lẻ tiêu dùng như MCH trong năm 2023.
Lo ngại này được dựa trên bức tranh vĩ mô về chính sách tiền rẻ kết thúc và lãi suất tăng cao. Đồng thời là lạm phát có dấu hiệu tăng nhanh. Tuy danh mục sản phẩm chủ yếu là FMCG (Fast Moving Consumer Goods – ngành hàng tiêu dùng nhanh) và thực phẩm thiết yếu, MCH vẫn sẽ chịu tác động bởi theo dự báo lạm phát sẽ khiến người tiêu dùng thuộc nhóm thu nhập trung bình có xu hướng tìm tới những nhãn hiệu có giá thấp hơn. Xu hướng này đang đi ngược với chiến lượng cao cấp hóa của MCH.
Báo cáo phân tích dự báo tăng trưởng doanh thu của MCH sẽ đạt lần lượt 9,3% và 16,3% trong 2023 và 2024, trong đó ngành thực phẩm tiện lợi, gia vị sẽ tăng từ 10% tới 15% mỗi năm, thịt chế biến có thể tăng 50% mỗi năm.
Triển vọng này có được là nhờ lợi thế cạnh tranh của MCH về sản phẩm đa dạng và hệ thống phân phối sẵn có, ngày càng mở rộng, cũng như thị trường còn nhiều dư địa, đặc biệt là mảng thịt chế biến với quy mô 2.4 tỷ USD năm 2027, hiện chưa có đối thủ thống trị thị trường.
Về tỷ suất lợi nhuận, báo cáo cho rằng biên lợi nhuận gộp sẽ khó có thể hồi phục ngay trong 2023 do áp lực chi phí đầu vào và lạm phát kì vọng vẫn còn ở phía trước. Cho cả năm 2023, VCBS ước tính biên lợi nhuận gộp sẽ giảm nhẹ còn ở mức 39% năm 2023 trước khi hồi phục lại mức 41% năm 2024.
Mô hình của WinCommerce
Trong năm 2022, WCM đã có nhiều thay đổi đáng kể, như mở mới 477 cửa hàng Winmart+ và 4 siêu thị Winmart. Như vậy, xét về số lượng cửa hàng và hiệu quả hoạt động WCM vẫn đang chiếm vị trí số 1 tại thị trường Việt Nam (xấp xỉ 50% các siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc).
Đồng thời, công ty cũng cho ra mắt 50-70 cửa hàng WIN LIFE theo mô hình mới, tích hợp sản phẩm từ WinMart (nhu yếu phẩm), Techcombank (dịch vụ tài chính), Phúc Long (trà và cà phê), Dr. WIN (chăm sóc sức khỏe) và Reddi (dịch vụ viễn thông). Doanh thu tháng/m2 của các cửa hàng theo mô hình mới này đã gia tăng xấp xỉ 20%.
Từ đó, báo cáo phân tích tỏ ra lạc quan với triển vọng tăng trưởng doanh thu của WCM trong 2023- 2024 nhờ kế hoạch mở rộng mạnh mẽ được giữ vững và tiềm năng của mô hình cửa hàng tiện lợi sẽ tiếp tục là phân khúc bùng nổ nhất tại Việt Nam.
Trong kịch bản thận trọng, VCBS dự phóng WCM sẽ mở từ 600-800 cửa hàng mới mỗi năm, trong khi doanh thu/cửa hàng sẽ đi ngang trong 2023 do sức mua yếu trước khi tăng trở lại (tăng khoảng 10%) trong 2024.
Về biên lợi nhuận, biên EBITDA của WCM quý III/2022 đã tăng 110 điểm cơ bản so với quý trước, đạt 2,6% chủ yếu nhờ biên lợi nhuận gộp mở rộng từ 23,1% trong quý II lên 23.4% trong quý III. Điều này thể hiện hiệu quả hoạt động của các cửa hàng mới cao hơn, đồng thời cũng là điểm sáng khi hầu hết các chuỗi bán lẻ cùng mô hình trên thị trường vẫn lỗ EBITDA.
Tuy nhiên, để thúc đẩy tốc độ mở rộng, WCM cũng gia tăng nhiều chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp. Bên cạnh đó, báo cáo phân tích nói rằng cũng chưa nhìn thấy động lực rõ ràng của WCM trong việc tiết giảm các chi phí này, do đó, theo quan điểm thận trọng, VCBS cho rằng WCM vẫn chưa có lãi ròng trong 2023.
Kế hoạch IPO của The CrownX
The CrownX là nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất nằm trong chiến lược Point of Life của Masan Group.
Chiến lược này đã được Masan cụ thể hóa thông qua mô hình bán lẻ mini-mall. Các cửa hàng WinMart+ ngoài cung cấp nhu yếu phẩm (thực phẩm, đồ uống, hàng tiêu dùng) được Masan tích hợp thêm kiosk Phúc Long (trà và cà phê take-away), dược phẩm, Techcombank (tiện ích tài chính) và Mobicast (nhà mạng di động mới sở hữu thương hiệu Reddi).
Ông Danny Le, Tổng giám đốc Masan Group, từng cho biết công ty đặt mục tiêu sẽ IPO The CrownX trên sàn chứng khoán quốc tế vào năm 2023 – 2024 với 3 KPI chủ chốt: Tăng thị phần trong chi tiêu tiêu dùng bằng cách mở rộng hệ thống, số hóa toàn bộ nền tảng để trở thành công ty tiêu dùng công nghệ và đạt biên lợi nhuận hai chữ số.
Mới đây, trao đổi với người viết, phía Masan xác nhận vẫn theo đuổi mục tiêu này. Masan cho biết nếu đạt được các mục tiêu kể trên, định giá của The CrownX có thể sẽ vượt xa con số hiện tại và thỏa mãn kỳ vọng của các nhà đầu tư.
“Thông thường các nhà đầu tư private equity (PE) kỳ vọng giá trị khoảng đầu tư của họ sẽ tăng 2 – 3 lần, tương đương với mục tiêu định giá của The CrownX có thể lên tới 20 tỷ USD khi IPO trên sàn chứng khoán quốc tế vào năm 2023 – 2024”, phía Masan cho hay.
Tháng 5/2021, Alibaba và Baring rót vốn vào The CrownX, công ty được định giá 7,3 tỷ USD. Đến thương vụ của TPG, ADIA và SeaTown vào tháng 12/2021, giá trị The CrownX là 8,2 tỷ USD, tương đương tăng 12%.