2 ngày sau khi tổ chức ĐHĐCĐ bất thường lần 1 năm 2023 bất thành do không đủ túc số, ngày 6/3, HĐQT CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest – mã: HPX) đã có nghị quyết về việc triệu tập cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường lần 2.
Theo đó, cuộc họp lần 2 dự kiến sẽ được tổ chức vào 8 giờ sáng ngày 31/3, địa chỉ tại Học viện BĐS Hải Phát, tầng 2, tòa CT4 The Pride, Khu đô thị mới An Hưng, phường La Khê, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Thành phần tham dự họp theo danh sách cổ đông chốt ngày 30/1 cho lần họp bất thường trước đó.
Tại kỳ họp bất thường lần 2, cổ đông Hải Phát Invest sẽ thông qua chủ trương thay đổi đơn vị kiểm toán thực hiện báo cáo tài chính soát xét năm 2022, cùng với các nội dung khác thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ (nếu có).
Trước đó, vào sáng 4/3, Hải Phát Invest đã tiến hành tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2023 lần 1. Tuy vậy, đến thời điểm khai mạc đại hội, chỉ có 63 cổ đông đại diện cho 27,03% vốn điều lệ tham dự họp. Tỷ lệ này không đạt điều kiện trên 50% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự ĐHĐCĐ theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2020 và điều lệ công ty.
Do đại hội lần 1 bất thành, HĐQT Hải Phát Invest sau đó đã ấn định thời gian và địa điểm tổ chức ĐHĐCĐ bất thường lần 2.
ĐHĐCĐ lần này của Hải Phát Invest diễn ra trong bối cảnh cơ cấu lãnh đạo công ty có nhiều thay đổi. Cụ thể, vào ngày 16/2, công ty đã miễn nhiệm chức vụ Giám đốc Ban Kiểm toán nội bộ đối với ông Hoàng Việt Anh sau khi ông này nộp đơn xin nghỉ việc. Người được bổ nhiệm thay thế vị trí của ông Hoàng Việt Anh là ông Nguyễn Tiến Thắng (1983).
Trước đó, hồi đầu tháng 2, Hải Phát Invest cũng có thông báo về việc miễn nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc đối với ông Đinh Thế Quỳnh và ông Phạm Huy Thông sau khi 2 nhân sự này nộp đơn từ nhiệm vào ngày 1/2.
Trong một diễn biến khác, thời gian qua, tỷ lệ sở hữu của Chủ tịch HĐQT Hải Phát Invest Đỗ Quý Hải cùng các thành viên gia đình tại HPX đã liên tục sụt giảm mạnh do bị các CTCK bán giải chấp khoảng 73 triệu cổ phiếu kể từ cuối năm 2022, tương đương gần 24% lượng cổ phiếu đang lưu hành của công ty.
Ngoài ra, cá nhân ông Hải cũng chủ động bán bớt gần 18 triệu cổ phiếu HPX (7,96 triệu cp trong thời gian 5/1 đến 3/2/2023 và 10 triệu cổ phiếu trong 2 ngày 27-28/12/2022), qua đó giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 14,73% vốn, tương đương chỉ còn nắm hơn 44,8 triệu cổ phiếu HPX.
Trước đó, trong năm 2022, cũng như nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS, Hải Phát Invest đã trải qua một năm kinh doanh không mấy khả quan khi doanh thu tăng nhưng lãi ròng giảm đáng kể.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022, doanh nghiệp báo cáo doanh thu thuần trong quý IV đạt 327 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái; chủ yếu đến từ doanh thu mảng BĐS (288 tỷ đồng). Tuy nhiên, kinh doanh dưới giá vốn dẫn đến lỗ gộp trong quý 34 tỷ đồng.
Doanh thu từ hoạt động tài chính cũng giảm mạnh gần 60% xuống còn 145 tỷ đồng. Bù lại, nhờ tiết giảm chi phí, Hải Phát Invest vẫn báo lãi ròng 19 tỷ đồng. Dù con số này giảm 86% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 80% so với quý liền trước nhưng vẫn cao hơn mức đáy 11,6 tỷ đồng vào quý II/2022.
Lũy kế cả năm 2022, Hải Phát Invest ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.635 tỷ đồng, tăng 17% nhưng lãi sau thuế chỉ ghi nhận hơn 142 tỷ đồng, giảm 57% so với năm trước. Chi phí lãi vay tăng mạnh hơn 40% lên 347 tỷ đồng trong năm là một nguyên nhân khiến lãi ròng của doanh nghiệp giảm xuống.
Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của Hải Phát Invest giảm xuống 9.293 tỷ đồng từ 9.578 tỷ đồng đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm mạnh từ 634 tỷ đồng vào đầu năm xuống chỉ còn 152 tỷ đồng. Đầu tư tài chính ngắn hạn (tức tiền gửi có kỳ hạn 1 năm tại các ngân hàng) cũng giảm mạnh từ 330 tỷ xuống 15 tỷ đồng.
Trong khi đó, hàng tồn kho giảm nhẹ từ 3.789 tỷ đồng xuống 3.595 tỷ đồng, chủ yếu gồm bất động sản để bán đang xây dựng và bất động sản để bán đã hoàn thành. Trong đó, hạng mục dở dang tăng từ 2.662 tỷ đồng vào đầu năm lên 3.160 tỷ đồng, trong khi đó tồn kho bất động sản để bán đã hoàn thành giảm từ 702 tỷ đồng xuống còn 435 tỷ đồng.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của Hải Phát Invest tính đến 31/12/2022 ghi nhận khoảng 5.640 tỷ đồng, giảm 7% so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ vay là 3.317 tỷ đồng, giảm 29% so với con số 4.692 tỷ đồng hồi đầu năm.
Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, trong năm, Hải Phát Invest đã dành tới 2.839 tỷ đồng để trả nợ gốc vay trong khi tiền thu từ đi vay chỉ 1.432 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 5.230 tỷ đồng vào năm 2021.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, để ĐHĐCĐ lần thứ nhất đủ điều kiện diễn ra, các cổ đông tham dự theo cả hình thức trực tiếp và ủy quyền phải đại diện cho trên 50% tổng số cổ phần biểu quyết. Với đại hội lần thứ hai, tỷ lệ này phải đạt ít nhất 33%.
Nếu đại hội lần thứ hai vẫn bất thành thì doanh nghiệp sẽ thực hiện đại hội lần thứ ba. Cuộc họp ĐHĐCĐ lần ba sẽ được tiến hành bất kể tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông dự họp là bao nhiêu.