
Quy trình luyện thép tại nhà máy Nippon Steel
Hoạt động sản xuất tại châu Á trong tháng 5 vừa qua đã chứng kiến sự suy giảm đáng kể. Theo các cuộc khảo sát mới được công bố, Nhật Bản và Hàn Quốc – hai nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại – tiếp tục ghi nhận sự suy giảm trong hoạt động sản xuất. Nguyên nhân chính được cho là do ảnh hưởng từ các biện pháp thuế quan của Mỹ đối với ô tô và nhôm thép nhập khẩu, làm lu mờ triển vọng xuất khẩu của các nước này.
Ở Trung Quốc, hoạt động sản xuất cũng ghi nhận tháng giảm thứ hai liên tiếp, phản ánh sự yếu ớt của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Các nhà phân tích cho rằng, với những nền kinh tế châu Á chưa đạt được nhiều tiến bộ trong đàm phán thương mại với Mỹ, sự bất ổn hiện tại đang khiến các công ty phải hành động thận trọng, hạn chế tăng sản xuất hoặc chi tiêu.
“Khó có thể kỳ vọng vào việc hoạt động sản xuất của châu Á sẽ sớm phục hồi khi các nước trong khu vực đang đứng trước nguy cơ phải đối mặt với mức thuế đối ứng cao,” ông Toru Nishihama, nhà kinh tế trưởng về thị trường đang nổi tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, nhận định. “Nhu cầu tại Trung Quốc suy yếu đã khiến hàng hóa do nước này sản xuất tràn ngập châu Á với giá rẻ, tạo áp lực giảm phát lên các nền kinh tế trong khu vực.”
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ở Nhật Bản và Hàn Quốc
Theo hai cuộc khảo sát khác, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ở Nhật Bản trong tháng 5 đạt 49,4 điểm, dù tăng so với tháng 4 nhưng vẫn dưới mức 50 điểm, kéo dài chuỗi tháng có điểm số dưới 50 lên 11 tháng liên tiếp. Tại Hàn Quốc, PMI trong tháng 5 chỉ đạt 47,7 điểm, tháng thứ tư liên tiếp dưới mức 50 do nhu cầu yếu và ảnh hưởng từ các biện pháp thuế của Mỹ.
Trong quý I đầu năm nay, nền kinh tế của cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều sụt giảm, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ suy thoái kỹ thuật nếu kinh tế tiếp tục đi lùi trong quý II.
Tác động lan rộng đến các nền kinh tế khác
Tại Ấn Độ, tăng trưởng sản xuất trong tháng 5 cũng ghi nhận mức thấp nhất trong ba tháng trở lại đây, do nhu cầu trong nước giảm vì áp lực giá, chính sách thuế quan của Mỹ và căng thẳng địa chính trị. Hiện chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy tình hình sẽ sớm được cải thiện.
Những dữ liệu trên được công bố trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận đạt được tại cuộc họp ở Geneva về việc cùng giảm 115% thuế đối ứng với hàng hóa của nhau. Đồng thời, Tổng thống Trump thông báo sẽ tăng gấp đôi thuế thép và nhôm nhập khẩu lên 50% kể từ ngày 4/6 tới.
Theo kế hoạch, Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Mỹ sẽ gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước phát triển (G7) tại Canada vào giữa tháng này để đàm phán về các mức thuế cao của Mỹ, bao gồm thuế đối với nhôm thép và ô tô.