Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đề xuất bổ sung thêm quy định UBND cấp tỉnh “trích 10% tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn” để phát triển nhà ở xã hội.
Góp ý sửa đổi, bổ sung một số quy định của Dự thảo Luật Nhà ở để thực hiện mục tiêu phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030 vừa gửi đến Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), nhận định, nếu chỉ “trích 10% tiền sử dụng đất thu từ các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn” để phát triển nhà ở xã hội thì số tiền này không lớn, nhất là đối với các tỉnh vùng sâu vùng xa.
Cụ thể, theo HoREA, ngay cả TP HCM năm 2021 cũng chỉ thu tiền sử dụng đất được 7.560 tỷ đồng nên trích 10% thì cũng chỉ được 756 tỷ đồng mà thôi.
“Với số tiền ít ỏi này thì khó thể dành để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng kết nối giao thông của các dự án; đền bù, giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn và đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, nhất là Nhà nước không có đủ ngân sách để thực hiện đền bù, tạo quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội”, ông Châu dẫn chứng.
Vì vậy, HoREA đề xuất nên bổ sung thêm quy định UBND cấp tỉnh “trích 10% tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn” để phát triển nhà ở xã hội.
Cũng theo HoREA, hạn chế của Điều 43 và Điều 81 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) là đã không còn quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại góp phần thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Cụ thể, Điều 43 và Điều 81 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã đúng khi bỏ quy định “bắt buộc” chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại có quy mô diện tích từ 10 ha (hoặc 2 ha) trở lên phải dành 20% diện tích đất ở để xây dựng nhà ở xã hội trong dự án (quy định tại khoản 5 Điều 13, khoản 2 Điều 16, khoản 4 Điều 26 Luật Nhà ở 2014 và khoản 1, khoản 2 Điều 5 Nghị định 100/2015/NĐ-CP; khoản 4 Điều 1 Nghị định 49/2021/NĐ-CP).
Bởi lẽ, không phải dự án nhà ở thương mại nào cũng phù hợp để xây dựng nhà ở xã hội trong cùng dự án, nhất là tại các dự án nhà ở cao cấp, dự án nhà ở trung cấp vì nếu xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án này thì chi phí tạo lập quỹ đất rất cao và chi phí đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của dự án phân bổ cho diện tích đất nhà ở xã hội cũng rất cao dẫn đến giá thành, giá bán nhà ở xã hội sẽ rất cao (theo tính toán thì giá bán có thể lên đến trên dưới 40 triệu đồng/m2).
“Hiệp hội đề xuất Nghị định của Chính phủ sau khi có Luật Nhà ở (mới) sẽ quy định phương thức thực hiện nghĩa vụ của “các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải có trách nhiệm đóng góp nghĩa vụ tài chính để góp phần phát triển nhà ở xã hội” và sau khi hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước thì chủ đầu tư được bán toàn bộ sản phẩm của dự án nhà ở thương mại.
Cụ thể, chủ đầu tư nộp thêm vào ngân sách nhà nước một khoản tiền tương đương 20% tiền sử dụng đất của dự án nhà ở thương mại đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, kiến nghị.
Điều này vượt quá khả năng tài chính của đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội và sau này thì người mua nhà ở xã hội tại đây còn phải chịu chi phí quản lý, dịch vụ cao hàng tháng do cùng sinh sống trong khu vực nhà ở cao cấp, trung cấp.
Vì vậy, HoREA đề nghị, rất cần thiết bổ sung quy định “các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải có trách nhiệm đóng góp nghĩa vụ tài chính để góp phần phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Chính phủ” vào Điều 43 và Điều 81 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để bổ sung một phần nguồn vốn xã hội hóa từ các dự án nhà ở thương mại để thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư.
“Đây là chủ trương lớn của Đảng nhằm huy động các nguồn lực xã hội của các thành phần kinh tế để góp phần phát triển kết cấu hạ tầng và phát triển nhà ở xã hội trong lĩnh vực nhà ở”, Chủ tịch HoREA kết luận.
Bộ Xây dựng: Thúc đẩy xây nhà ở xã hội là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Vương Duy Dũng, trước sự suy giảm của thị trường bất động sản năm 2022, ngay những tháng cuối năm, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác liên ngành làm việc với các địa phương, nhà đầu tư để rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp.
Tổ công tác đã nhận diện rõ 3 khó khăn, vướng mắc chính: Quy định pháp luật còn chồng chéo; trình tự thủ tục triển khai dự án còn bất cập; nguồn vốn triển khai thực hiện dự án bị ách tắc (nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, vốn huy động từ khách hàng). Đồng thời, đã đề xuất các giải pháp đồng bộ,
đầy đủ cho các nhóm vấn đề này để xử lý.
Các giải pháp cũng được các bộ, ngành từng bước triển khai thực hiện: Nới room tín dụng, hướng dẫn trực tiếp các địa phương, doanh nghiệp tháo gỡ ngay các vướng mắc hoặc tổng hợp, chuyển các bộ, ngành hướng dẫn các địa phương,… Qua đó, đã từng bước tạo được những dấu hiệu tích cực cho thị trường bất động sản và doanh nghiệp. “Với sự vào cuộc tích cực trên, tôi cho rằng thị trường bất động sản năm 2023 cũng như hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản sẽ ổn định và phát triển trở lại”- ông Vương Duy Dũng cho hay.
Về giá thành nhà ở, lãnh đạo Cục quản lý nhà ở và thị trường bất động sản cho rằng, giá cả hàng hóa dựa trên quy luật cung – cầu. Nguồn cung tăng lên sẽ là một trong những thông số giúp giảm giá nhà. Theo đó, Bộ Xây dựng xác định thúc đẩy đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong năm 2023.
Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021- 2030”. Theo Đề án, các địa phương sẽ chủ động triển khai dành quỹ đất lập dự án xây dựng nhà ở xã hội, phối hợp giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp bất động sản có đủ năng lực…
Với nội dung, giải pháp cụ thể trong Đề án, hy vọng sẽ phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp mạnh mẽ hơn. Đây cũng là giải pháp quan trọng, vừa tạo ra nhà ở cho người dân, vừa khiến giá nhà hạ nhiệt.