Thế giới đã rất khác so với 10 năm trước. Và không lĩnh vực nào thể hiện điều này rõ ràng hơn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Hậu quả của đại dịch COVID-19, kết hợp với suy giảm tài chính cùng xu hướng ứng dụng công nghệ và số hóa đã thay đổi đáng kể các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho tất cả, từ bệnh nhân tới các nhân viên y tế.
Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI)
Thị trường AI – cụ thể là các công cụ học máy (Machine learning) trong chăm sóc sức khỏe được dự đoán sẽ vượt 70 tỷ USD vào năm 2032. Nhiều công nghệ tích hợp AI, chẳng hạn như thị giác máy tính (computer vision), xử lý ngôn ngữ tự nhiên và thuật toán nhận dạng mẫu mô hình, đã được ứng dụng sâu vào hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe.
Một số ví dụ về các lĩnh vực ứng dụng AI bao gồm nghiên cứu thuốc (AI có thể hỗ trợ dự đoán kết quả của các thử nghiệm lâm sàng và tác dụng phụ tiềm ẩn của các loại thuốc mới), phân tích hình ảnh y tế (sử dụng thuật toán thị giác máy tính để phát hiện các dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh khi chụp X-quang hoặc chụp cộng hưởng từ). AI cũng được ứng dụng thành công để phát hiện và điều trị các bệnh rối loạn thần kinh, bao gồm Parkinson và Alzheimer.
Ngoài công việc lâm sàng, AI còn có các ứng dụng trong công việc như xử lý yêu cầu bảo hiểm, quản lý và phân tích hồ sơ y tế, theo dõi và phân tích dữ liệu từ thiết bị đeo người (wearable) của bệnh nhân hoặc cảm biến tại nhà được sử dụng trong môi trường bệnh viện ảo để đưa ra cảnh báo sớm hoặc chẩn đoán các tình trạng khác nhau.
Tổng hợp lại, AI và học máy sẽ tiếp tục là xu hướng nổi bật trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trong suốt năm tới.
Chăm sóc sức khỏe từ xa
Nhu cầu về dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa đã tăng lên đáng kể trong thời kỳ đại dịch. Đến hiện tại, dù việc lên lịch hẹn khám trực tiếp đã an toàn hơn, nhiều bệnh nhân và dịch vụ y tế nhận ra rằng việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa trong nhiều trường hợp có thể mang tới hiệu quả cao và tiết kiệm chi phí hơn.
Có nhiều loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa khác nhau. Như nhu cầu về dịch vụ chăm sóc tại nhà đang trở nên phổ biến hơn, khi các nghiên cứu cho thấy môi trường quen thuộc và sự gần gũi với gia đình có thể có tác động tích cực đến kết quả của bệnh nhân. Dịch vụ này cũng tiết kiệm chi phí rất nhiều so với chăm sóc bệnh nhân nội trú. Ngoài ra, có telemedicine (khám bệnh từ xa) – bao gồm tất cả các thao tác mà bệnh nhân và bác sĩ có thể thực hiện được thông qua việc sử dụng công nghệ: từ gọi video cho bác sĩ thay vì đến tận phòng khám, đến phẫu thuật từ xa (bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân ở một địa điểm xa thông qua công nghệ robot).
Một mô hình chăm sóc sức khỏe từ xa khác là khu bệnh viện ảo, nơi các bác sĩ và hộ lý tập trung ở một địa điểm để cung cấp dịch vụ chăm sóc cho một số bệnh nhân ở xa, thường có các bệnh lý liên quan với nhau. Một sáng kiến khác lại liên quan đến việc tạo điều kiện cho bệnh nhân hoàn thành nhiều thủ tục về điều trị tại nhà trước khi nhập viện. Vương quốc Anh dự kiến sẽ triển khai sáng kiến này vào năm 2023 cho tất cả bệnh nhân phải nằm viện để phẫu thuật.
Trong bối cảnh chi phí cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe trực tiếp liên tục tăng và tình trạng thiếu bác sĩ đang diễn ra ở nhiều nước, các hình thức chăm sóc sức khỏe từ xa chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển vào năm 2023.
Thiết bị y tế đeo trên người
Các thiết bị điện tử đeo được sẽ ngày càng phổ biến hơn trong năm 2023. Thiết bị này không chỉ giúp người dùng theo dõi sức khỏe của chính họ mà còn giúp các bác sĩ theo dõi bệnh nhân từ xa.
“Internet of Medical Things” (Mạng lưới kết nối thiết bị y tế) đã nhanh chóng mở rộng trong những năm gần đây: từ các thiết bị đơn giản được thiết kế để theo dõi các dấu hiệu như nhịp tim và nồng độ oxy trong máu đến đồng hồ thông minh có khả năng quét tinh vi như điện tâm đồ, vải dệt thông minh có thể đo huyết áp và dự đoán nguy cơ đau tim và găng tay thông minh có thể làm giảm chứng run tay của bệnh nhân mắc Parkinson.
Ngoài phục vụ các bệnh về thể chất, các thiết bị wearable còn có khả năng theo dõi và phát hiện các dấu hiệu của bệnh tâm lý. Một nghiên cứu do Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore (Xin-ga-po) công bố trong năm 2022 cho thấy cách các chỉ số như mức độ hoạt động thể chất, cách ngủ và nhịp tim có thể được sử dụng để phát hiện khi nào các cá nhân có nguy cơ bị trầm cảm.
Vào năm 2023, các thiết bị wearable sẽ đóng vai trò là thiết bị “edge”, nghĩa là chúng sẽ được trang bị bộ xử lý và có khả năng sử dụng phân tích ngay trong thiết bị thay vì phải gửi dữ liệu qua lại giữa thiết bị và đám mây để xử lý. Điều này có hai lợi ích chính: Đầu tiên là đảm quyền riêng tư của người dùng, vì dữ liệu cá nhân nhạy cảm của bệnh nhân không bao giờ phải rời khỏi thiết bị. Thứ hai là tốc độ phân tích – điều rất quan trọng trong trường hợp thiết bị được thiết kế để phát hiện, cảnh báo những tình trạng đe dọa đến tính mạng người dùng theo thời gian thực.
Cá nhân hóa quá trình chăm sóc sức khỏe
Trong năm 2023, bệnh nhân sẽ có nhiều cơ hội hơn để nhận những dịch vụ chăm sóc sức khỏe được cá nhân hóa riêng cho họ. Điều này bao gồm khái niệm về y học chính xác, trong đó thuốc và các phương pháp điều trị được thiết kế riêng cho một nhóm bệnh nhân dựa trên tuổi tác, di truyền hoặc các yếu tố rủi ro khác thay vì theo cách tiếp cận phổ quát.
Những hình thức chăm sóc sức khỏe cá nhân tiên tiến và chính xác nhất có tính đến thông tin di truyền hoặc bộ gene của một người. Chúng sẽ giúp các bác sĩ dự đoán mức độ hiệu quả của các loại thuốc cụ thể, hoặc xác định liệu bệnh nhân có khả năng bị tác dụng phụ hay không.
Thuật ngữ “cá nhân hóa chăm sóc sức khỏe” đôi khi cũng được hiểu theo hướng cho phép bệnh nhân đưa ra lựa chọn về cách thức lên kế hoạch và thực hiện điều trị cho bản thân. Điều này thường xem xét theo hoàn cảnh, quan điểm và niềm tin của chính bệnh nhân khi họ đưa ra những lựa chọn cụ thể về cách thức và nơi họ nên được điều trị.
Xu hướng này cũng diễn ra trong các ngành công nghiệp khác ngoài lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Mọi hình thức cá nhân hóa có thể sẽ
trở thành xu hướng chính trong suốt năm 2023.