Ngày 1/1/2023, 12 dự thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 sẽ đồng loạt khởi công trên địa bàn 9 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Hậu Giang, Cà Mau.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng vừa ký quyết định số 1671/QĐ-BGTVT ban hành kế hoạch tổ chức Lễ khánh thành dự án thành phần Cam Lộ – La Sơn và Lễ khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025 (cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2).
Theo đó, 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 sẽ đồng loạt khởi công vào sáng 1/1/2023 trên địa bàn 9 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Hậu Giang, Cà Mau. 12 gói thầu đầu tiên thuộc 12 dự án thành phần được khởi công, gồm: gói thầu 11-XL đoạn Bãi Vọt – Hàm Nghi dài 35,2 km. Gói thầu 11-XL đoạn Hàm Nghi – Vũng Áng dài 30 km. Gói thầu XL02 đoạn Vũng Áng – Bùng dài 23,54 km. Gói thầu XL01 đoạn Bùng – Vạn Ninh dài 30,29 km. Gói thầu XL2 đoạn Vạn Ninh – Cam Lộ dài 32,54 km. Gói thầu XL1 đoạn Quảng Ngãi – Hoài Nhơn dài 30 km.
Theo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, 3 trong tổng số 12 gói thầu các địa phương đang tích cực thực hiện, phấn đấu bàn giao cơ bản mặt bằng đáp ứng yêu cầu khởi công các gói thầu. Gồm gói thầu XL2 đoạn Vạn Ninh – Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đạt 49%, và gói thầu XL02 đoạn Chí Thạnh – Vân Phong, tỉnh Phú Yên đạt 39% và gói thầu 12-XL đoạn Quy Nhơn – Chí Thạnh trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Tính chung toàn dự án, các địa phương có dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 đi qua đã bàn giao mặt bằng tuyến chính được 472,23 trong tổng 721,2km toàn tuyến, đạt 65%.
Cùng với tuyến nối cao tốc đoạn Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau đã giải phóng mặt bằng được 8,8 trong tổng số 25,45km đạt 35%. Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 được chia thành 12 dự án thành phần với tổng chiều dài 723,7 km tuyến chính, gồm các đoạn: Hà Tĩnh-Quảng Trị (260,9 km), Quảng Ngãi-Nha Trang (352,06 km) và Cần Thơ-Cà Mau (110,9 km). Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng hơn 146.985 tỷ đồng.
Cần đẩy nhanh tiến độ các dự án cao tốc trọng điểm
Trước đó (29/12), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 1250/CĐ-TTg chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đường bộ cao tốc quan trọng quốc gia, trọng điểm. Công điện gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hưng Yên, Bắc Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, Đắk Lắk, Bà Rịa – Vũng Tàu, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Tây Ninh.
Công điện nêu rõ: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã định hướng đột phá chiến lược về “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội”, trong đó xác định ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông. Đồng thời, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 đã đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc. Quốc hội, Chính phủ đã ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống đường bộ cao tốc trên cả nước.
Triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về đầu tư xây dựng các dự án đường bộ cao tốc, Thủ tướng Chính phủ – Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải đã chủ trì họp hằng tháng để chỉ đạo triển khai các dự án, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc. Nhìn chung, các dự án đường bộ cao tốc đã được Bộ Giao thông vận tải và các địa phương tập trung triển khai thực hiện, tiến độ được cải thiện rõ rệt. Để hoàn thành các dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Giao thông vận tải và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có đường cao tốc đi qua tập trung chỉ đạo:
1. Chính quyền các địa phương tập trung thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đúng quy định của pháp luật, bảo đảm người dân bị thu hồi đất có chỗ ở mới tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, nhất là về hạ tầng, y tế, giáo dục, văn hóa…
2. Đối với các gói thầu xây lắp, tư vấn thực hiện lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu: yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện chỉ định thầu đúng pháp luật, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, thất thoát, lãng phí; các nhà thầu được lựa chọn phải bảo đảm năng lực, kinh nghiệm để bảo đảm chất lượng, hiệu quả công trình, dự án; các nhà thầu tư vấn cần thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm trong khảo sát, lập dự toán, giám sát thi công các gói t
hầu; chịu trách nhiệm theo đúng quy định pháp luật nếu để xảy ra sai phạm. Các cơ quan có thẩm quyền liên quan thường xuyên giám sát, kiểm tra, đôn đốc tiến độ, chất lượng và thực hiện đúng pháp luật.
3. Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố được giao là cơ quan chủ quản chủ động thực hiện các cơ chế đặc thù đã được cấp có thẩm quyền cho phép, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vướng mắc, khó khăn, bất cập.
4. Yêu cầu các địa phương, các nhà đầu tư, nhà thầu xây lắp thực hiện quản lý, cấp phép và khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo đúng Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ; nghiêm cấm các hành vi tiêu cực, cản trở hoạt động khai thác vật liệu làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án đường bộ cao tốc. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện các yêu cầu nêu trên và các chỉ đạo tại các phiên họp Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả các dự án đường bộ cao tốc.