Theo chuyên gia, việc đánh thuế và xác định căn nhà thứ hai cần phải có hạ tầng để quản lý, không thể thấy bất động sản sốt giá rồi bắt đầu đưa ra các loại thuế.
Đầu tháng 2, TP HCM đã có đề xuất gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hai phương án thu thuế nhà đất thứ hai trở lên.
Đối với phương án 1, thí điểm thu thuế nhà và đất ở mà người sở hữu không trực tiếp sử dụng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quy định mức thuế, phương pháp tính và thời gian áp dụng.
Ở phương án 2, tăng mức thu liên quan đến nhà đất thứ hai trở lên, cụ thể là lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên.
Đề xuất trên nhằm góp ý cho dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 năm 2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP HCM. Chính quyền thành phố cho rằng cách làm này sẽ hạn chế đầu cơ bỏ hoang nhà, đất. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để xây dựng chính sách chung sau này.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có đề nghị cân nhắc đưa đề xuất của TP HCM vào dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54. Bộ cho rằng đây là cơ chế tạo nguồn thu ngân sách cho TP HCM và kết quả thí điểm là cơ sở xem xét áp dụng trên phạm vi rộng hơn.
Tuy nhiên, qua thảo luận còn tồn tại các bất cập. Trong đó, chính sách này có thể không đảm bảo tính công bằng trong nhiều trường hợp và cũng chưa phù hợp với điều kiện thực tế trong việc thực hiện các giao dịch mua, bán bất động sản nên tìm ẩn rủi ro lách thuế.
Cơ chế này còn tác động làm giảm cả cung và cầu của thị trường bất động sản tại TP HCM. Đặc biệt, hiện có rất ít quốc gia trên thế giới đánh thuế cao đối với việc sở hữu nhà đất thứ hai trở lên.
Một sắc thuế đưa ra phải có hạ tầng quản lý
Trong buổi trao đổi trực tuyến với VTC Now, GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, cho rằng về mặt lý luận thì đề xuất của TP HCM đối với phương án thứ nhất là hợp lý nhưng phải đánh thuế ở tỷ suất bao nhiêu, giá cả theo giá thị trường hay Nhà nước và có tính đến tài sản gắn liền với đất hay không thì vẫn còn nhiều việc cần làm.
Về phương án thứ hai, chuyên gia cho rằng sai về mặt lý luận. Lệ phí trước bạ là chi phí cho hệ thống hành chính làm việc sang nhượng tên. Bản chất nó là phí để xác định đây là giao dịch chính thức, hợp pháp và không có cớ gì để đánh nặng. Đồng thời, mức lệ phí trước bạ (nhà, đất) của nước ta ở mức 0,5% đang cao so với thế giới.
“Như vậy, thực sự nó là thuế trước bạ hay phí trước bạ? Đánh thuế nhưng đánh như thế nào để thị trường bất động sản vẫn kinh doanh, vẫn nhộn nhịp nhưng hạn chế được đầu cơ”, GS. Đặng Hùng Võ đặt vấn đề.
Ngoài ra, GS. Đặng Hùng Võ cũng nêu ra một số vấn đề khác: Để đánh thuế thì hệ thống của chúng ta có quản lý được đối tượng chịu thuế hay không? Hồ sơ quản lý đã tích hợp trên cả nước hay theo từng địa phương? Nếu vẫn quản lý theo địa phương thì làm sao biết được một người có bao nhiêu thửa đất trên cả nước?…
Chuyên gia cũng cho rằng, “việc xác định đâu là căn nhà thứ hai là một vấn đề khi cơ sở dữ liệu dân cư và cơ sở dữ liệu nhà ở chưa thích hợp với nhau. Một sắc thuế đưa ra thì phải có hạ tầng quản lý”.
Tiếp đến, nếu bất động sản thứ hai không kinh doanh, không dùng để làm gì thì đánh thuế được. Nhưng nếu bất động sản đó cho thuê, đã đánh thuế trên hoạt động kinh doanh thì sao lại đánh thuế bất động sản lần nữa?”, chuyên gia phân tích.
Ngoài ra, GS. Đặng Hùng Võ còn cho rằng “phải nghiên cứu đến thu nhập của những người chịu thuế, họ có đủ khả năng để đóng hay không. Không phải cứ thấy bất động sản sốt giá, nghĩ dùng thuế thì trị được nên bắt đầu đưa ra các loại thuế.
Cứ lãng mạn ngồi nghĩ ra sắc thuế thế này mới hay thế kia mới hay nhưng mà hệ thống quản lý nào để làm được việc này là cả một vấn đề lớn. Hơn nữa, nó phải có lộ trình bài bản, sao cho sắc thuế đó phù hợp”.