Trang chủ Việt NamĐầu tư phát triển Lãi suất huy động liệu có tăng trở lại?

Lãi suất huy động liệu có tăng trở lại?

bởi Linh

Lãi suất ngân hàng đã phần nào “hạ nhiệt” trong tuần cuối tháng 12/2022 và những ngày đầu năm mới 2023. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng hiện vẫn chưa phải “đỉnh” lãi suất và vì thế mặt bằng lãi suất có khả năng sẽ tăng trở lại.

Lãi suất cao nhất gần 11,5%/năm

Theo khảo sát của phóng viên TTXVN trong tuần đầu tiên của năm 2023, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đang niêm yết lãi suất huy động cao nhất trong hệ thống.

Cụ thể, đối với tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng, SCB niêm yết lãi suất gửi tiền tại quầy là 9,7%/năm và gửi trực tuyến là 9,9%/năm; từ 12 tháng trở lên, lãi suất huy động đồng loạt là 9,95%/năm. Tuy nhiên, đây chưa phải là mức lãi suất cao nhất của ngân hàng này.

SCB hiện đang áp dụng chính sách cộng lãi suất thêm tới 1,5%/năm cho khách hàng gửi tiền tại quầy, kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, trong giai đoạn từ nay đến hết ngày 28/2/2023. Như vậy, lãi suất cao nhất mà khách hàng có thể hưởng tại SCB lên tới 11,45%/năm.

Một ngân hàng khác niêm yết lãi suất cận kề 10%/năm là Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB). Hiện, NCB huy động với lãi cao nhất là 9,9%/năm dành cho sản phẩm tiết kiệm An Phú trực tuyến, kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, lĩnh lãi cuối kỳ. Nếu khách hàng gửi tiết kiệm truyền thống cùng kỳ hạn, lãi suất là 9,7%/năm.

Ngoài ra, NCB còn cộng thêm 0,2%/năm lãi suất so với biểu lãi suất online khi gửi trên ứng dụng NCB iziMobile. Ưu đãi dành cho khách hàng lần đầu gửi tiết kiệm tại NCB.

Trong khi các ngân hàng này vẫn neo lãi suất ở mức cao thì tại một số ngân hàng thương mại khác, lãi suất huy động đã “hạ nhiệt” sau chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và lời kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam về việc áp dụng mức tối đa 9,5%/năm cho lãi suất huy động các kỳ hạn, bao gồm cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất.

Có thể kể tới Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) với lãi suất cao nhất đã chỉnh từ mức 10,5%/năm xuống còn 9,5%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 13 tháng. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng và 6 tháng cũng giảm 0,4%/năm so với trước, xuống lần lượt là 9,4%/năm và 9,2%/năm. Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) giảm từ 10%/năm về mức 9,2%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 12 tháng.

Còn tại Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVCombank), lãi suất tiết kiệm cao nhất cho tiền gửi tiết kiệm bậc thang hiện chỉ còn 9,5%/năm khi gửi trực tuyến và 9,3%/năm khi gửi tại quầy. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) niêm yết lãi suất cao nhất là 9,2%/năm cho các kỳ hạn 18-36 tháng…

Nhìn chung, lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 đến 3 tháng tại các ngân hàng thương mại hiện dao động từ 3,8-6%/năm. Nhiều ngân hàng áp dụng mức kịch trần 6%/năm như SCB, SaigonBank, PVcomBank…

Lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng khá cạnh tranh với mức 9,35%/năm tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank), 9,1%/năm tại Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank), 8,7%/năm tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB)…

Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng phần lớn đều trên mức 9%/năm như tại Bac A Bank, VPBank…, cao nhất vẫn thuộc về SCB.

Vẫn có khả năng nhích tăng

Dù luôn nằm trong nhóm các ngân hàng có lãi suất huy động thấp nhất và giữ ổn định nhất nhưng mới đây Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa điều chỉnh tăng lãi suất huy động một số kỳ hạn ngắn.

Cụ thể, Vietcombank tăng lần lượt 0,8%/năm và 0,3%/năm đối với lãi suất tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 1 và 3 tháng, đưa mức lãi suất hiện tại lên thành 6%/năm. Trong khi đó, lãi suất huy động đối với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên không đổi. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 – 9 tháng ở mức 6,5%/năm; kỳ hạn 12 – 24 tháng là 7,4%/năm.

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng vừa niêm yết biểu lãi suất mới, tăng lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 tháng lên mức 9,5%/năm, kỳ hạn dưới 6 tháng lên thành 6%/năm.

Theo một lãnh đạo ngân hàng thương mại, lãi suất huy động của phần lớn các ngân hàng Việt tuy đã có dấu hiệu “hạ nhiệt” trong vài tuần gần đây nhưng vẫn có khả năng sẽ điều chỉnh tăng trở lại. Bởi theo vị lãnh đạo này, trước những biến động khó lường trên thế giới, áp lực kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá vẫn còn, áp lực tăng lãi suất vì thế vẫn hiện hữu.

Đồng quan điểm, các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) dự báo nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tăng lãi suất do lãi suất điều hành của Mỹ vốn đã vượt mức trước dịch COVID-19 trong khi mức lãi suất điều hành của Việt Nam chỉ mới ngang bằng so với trước dịch. Bên cạnh đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang có kế hoạch tăng lãi suất điều hành trong 2023 với mức đỉnh kỳ vọng 5,1%.

Vì vậy, Mirae Asset cho rằng nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong nước nhằm ổn định tỷ giá với dự báo thặng dư thương mại chưa khả quan trong quý IV/2022, trong khi dự trữ ngoại hối cần được hạn chế sử dụng để can thiệp vào tỷ giá hối đoái trong dài hạn.

Tại họp báo Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng 2023, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ – Ngân hàng Nhà nước nhận định động thái giữ mặt bằng lãi suất cao của Fed trong tương lai sẽ ảnh hưởng tới lạm phát và lãi suất của Việt Nam. Mặt bằng lạm phát cao và xu hướng dịch chuyển dòng vốn trên thế giới sẽ tiếp tục được duy trì. Tất nhiên, mức độ tác động dữ dội, nhanh mạnh của xu hướng thế giới đến kinh tế Việt nam sẽ không như năm 2022 nhưng vẫn sẽ tiếp tục dai dẳng trong năm 2023.

Trước thực tế trên, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết điều hành lãi suất, tín dụng, tỷ giá trong năm 2023 rất khó đi ngược dòng chảy chung của thế giới. Việc giảm lãi suất cần nỗ lực rất lớn, Ngân hàng Nhà nước sẽ cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất, yêu cầu các ngân hàng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất.

Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ hỗ trợ cung ứng vốn cho nền kinh tế nhưng luôn đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát lên hàng đầu, xem xét rất thận trọng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 nhưng không cứng nhắc.

Có thể bạn quan tâm