Trang chủ Việt NamĐầu tư phát triển Lâm Đồng: Yêu cầu rà soát các khu dân cư, phân lô bán nền trái quy định

Lâm Đồng: Yêu cầu rà soát các khu dân cư, phân lô bán nền trái quy định

bởi Linh

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng, UBND huyện Bảo Lâm vừa có văn bản chỉ đạo rà soát, tổng hợp các khu vực, vị trí mà các tổ chức, cá nhân đã phân lô, bán nền trái quy định trên địa bàn huyện.

Mới đây, ông Trần Văn Hiệp – Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ký Công văn số 914/UBND-ĐC1 gửi Thanh tra tỉnh về việc kiểm tra, rà soát công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, lâm nghiệp, giao thông trên địa bàn xã Hiệp An, huyện Đức Trọng. UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, theo phản ánh của một số tổ chức, cá nhân, hiện nay công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, lâm nghiệp, giao thông… trên địa bàn xã Hiệp An, huyện Đức Trọng vẫn còn tồn tại, hạn chế, chưa chặt chẽ.

Lâm Đồng: Yêu cầu rà soát các khu dân cư, phân lô bán nền trái quy định

 Ảnh minh họa

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước nói chung và các lĩnh vực nêu trên nói riêng trong thời gian tới, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở ngành có liên quan và UBND huyện Đức Trọng kiểm tra thực tế, rà soát công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng; quản lý đất đai; việc hình thành các khu dân cư, phân lô bán nền không đúng quy định; việc đấu nối đường giao thông vào quốc lộ, cao tốc…

Qua đó, xác định trách nhiệm của chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn xã Hiệp An, huyện Đức Trọng. Tổng hợp, đề xuất biện pháp xử lý và báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo trước ngày 15/3.

Trước đó, ngày 6/2, UBND tỉnh Lâm Đồng phát đi Thông báo số 30/TB-UBND về kết luận của lãnh đạo UBND tỉnh tại buổi làm việc về kế hoạch tổ chức đấu giá các cơ sở nhà, đất trên địa bàn thành phố Đà Lạt. Theo kết luận, UBND tỉnh Lâm Đồng giao UBND thành phố Bảo Lộc và UBND huyện Bảo Lâm rà soát, tổng hợp các khu vực, vị trí mà các tổ chức, cá nhân đã phân lô, bán nền trái quy định của pháp luật trên địa bàn; căn cứ quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và quy định của pháp luật hiện hành báo cáo, đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng (trước ngày 28/2) phương án xử lý, tháo gỡ những vấn đề tồn tại, sai phạm trong việc phân lô, bán nền tại địa phương trong thời gian qua. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng, UBND huyện Bảo Lâm vừa có văn bản chỉ đạo rà soát, tổng hợp các khu vực, vị trí mà các tổ chức, cá nhân đã phân lô, bán nền trái quy định trên địa bàn huyện.

Theo đó, UBND huyện Bảo Lâm giao Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng, UBND các xã, thị trấn Lộc Thắng và các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát, tổng hợp các khu vực, vị trí mà các tổ chức, cá nhân đã phân lô, bán nền trái quy định của pháp luật trên địa bàn huyện. Từ đó, căn cứ quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và quy định của pháp luật hiện hành tham mưu cho UBND huyện báo cáo, đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng phương án xử lý, tháo gỡ những vấn đề tồn tại, sai phạm trong việc phân lô, bán nền trên địa bàn huyện trong thời gian qua.

 

Sôi động giao dịch đất nền tại Bảo Lộc và Bảo Lâm trong năm 2022

Thống kê từ Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng cho biết, thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm là những địa phương có lượng giao dịch đất nền sôi động trên địa bàn tỉnh trong năm 2022.

Theo đó, trong quý 1/2022, trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng ghi nhận 12.467 giao dịch đất nền. Trong đó, tại thành phố Bảo Lộc ghi nhận 958 giao dịch và tại huyện Bảo Lâm ghi nhận 1.105 giao dịch.

Bước sang quý 2/2022, toàn tỉnh Lâm Đồng ghi nhận 19.669 giao dịch đất nền thành công. Trong đó, tại thành phố Bảo Lộc ghi nhận tăng mạnh lên 1.379 giao dịch và tại huyện Bảo Lâm là 3.660 giao dịch. Bước sang quý 3/2022, lượng giao dịch đất nền tại thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm ghi nhận giảm với lần lượt là 533 giao dịch và 1.791 giao dịch.

Gần đây nhất, trong quý 4 vừa qua, lượng giao dịch đất nền tại thành phố Bảo Lộc bất ngờ tăng lên 676 giao dịch. Trong khi lượng giao dịch đất nền tại huyện Bảo Lâm tiếp tục ghi nhận xu hướng giảm nhẹ còn 1.511 giao dịch

 

Có thể bạn quan tâm