Trang chủ Việt NamĐầu tư phát triển Lạm phát cả năm 2022 tăng 3,15%

Lạm phát cả năm 2022 tăng 3,15%

bởi Linh

Giá xăng dầu trong nước giảm theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 giảm 0,01% so với tháng trước, dù vẫn tăng 4,55% so với tháng 12/2021.

 

Theo số liệu mới nhất do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/12, chỉ số CPI tháng 12/2022 giảm 0,01% so với tháng 11 nhưng tăng 4,55% so với cùng kỳ năm ngoái.

Động lực khiến chỉ số CPI tháng 12 giảm 0,01% so với tháng 11 chủ yếu đến từ nhóm hàng hóa quan trọng là nhóm giao thông với mức giảm mạnh 2,78% (làm CPI chung giảm 0,27 điểm phần trăm). Nguyên nhân chủ yếu đến từ ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giảm giá xăng dầu trong nước theo giá nhiên liệu thế giới vào ngày 1/12/2022, 12/12/2022 và ngày 21/12/2022 làm cho giá xăng giảm 7,29%; dầu diezen giảm 10,64%. Bên cạnh đó, chỉ số giá nhóm phụ tùng tăng 0,22%; dịch vụ khác đối với phương tiện vận tải cá nhân và dịch vụ giao thông công cộng cùng tăng 0,08%.

Cùng với nhóm giao thông, nhóm bưu chính viễn thông cũng ghi nhận chỉ số giá giảm 0,04%. 

Ở chiều ngược lại, 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có chỉ số giá tăng trong tháng. Cụ thể, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,66%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,45%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,41%; nhóm giáo dục tăng 0,32%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,22%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,15%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,09%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,08%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,23%… 

Quý IV/2022, chỉ số CPI tăng 0,67% so với quý trước và tăng 4,41% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó: nhóm giáo dục tăng 11,13% so với cùng kỳ năm trước; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,17%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 5,19%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 4,95%; đồ uống và thuốc lá tăng 3,64%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,63%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 2,31%; giao thông tăng 0,86%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,55%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,12%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,21% so với cùng kỳ năm trước. 

Bình quân năm 2022, chỉ số CPI tăng 3,15% so với bình quân năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. 

Trong đó, 5 yếu tố đóng góp đáng kể nhất vào mức tăng chung của CPI năm 2022 có thể kể tới: một là giá xăng dầu trong nước tăng 28,01% so với năm trước (làm CPI chung tăng 1,01 điểm phần trăm), giá gas tăng 11,49% (làm CPI chung tăng 0,17 điểm phần trăm); hai là giá gạo tăng 1,22% so với năm 2021 (làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm) do giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon tăng trong dịp Lễ, Tết; ba là giá các mặt hàng thực phẩm tăng 1,62% so với năm 2021 (làm CPI tăng 0,35 điểm phần trăm).

Cùng đó, giá nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 3,11% so với năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào (làm CPI chung tăng 0,59 điểm phần trăm);

Ngoài ra, giá dịch vụ giáo dục tăng 1,44% so với năm 2021 (làm CPI chung tăng 0,08 điểm phần trăm) do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng học phí năm học 2022-2023;

Ở chiều ngược lại, có một số yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI năm nay như giá thịt lợn giảm 10,68% so với năm trước (làm CPI chung giảm 0,36 điểm phần trăm) do dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát và nguồn cung lợn đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân; giá nhà ở thuê giảm 1,83% so với năm trước (làm CPI chung giảm 0,01 điểm phần trăm), giá giảm chủ yếu trong các tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19; giá bưu chính viễn thông giảm 0,37%. 

Cùng đó, việc Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội đã góp phần đáng kể giúp kiềm chế lạm phát của năm 2022.

Nếu loại trừ các mặt hàng dễ biến động giá, lạm phát cơ bản tháng 12/2022 tăng 0,33% so với tháng trước, tăng 4,99% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 4,55%) chủ yếu do giá xăng dầu là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng CPI trong tháng 12 năm nay thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản. 

Bình quân năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 2,59% so với năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,15%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.

 

Có thể bạn quan tâm