Trang chủ Doanh nghiệp Lỗ triền miên 8 quý, vốn chủ của HAGL Agrico (HNG) liên tục bị ‘bào mòn’

Lỗ triền miên 8 quý, vốn chủ của HAGL Agrico (HNG) liên tục bị ‘bào mòn’

bởi Linh

Theo báo cáo tài chính hợp nhất CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, mã: HNG) công bố mới đây, doanh nghiệp ghi nhận lỗ ròng quý thứ 8 liên tiếp với mức kỷ lục 2.793 tỷ đồng.

Thông tin từ BCTC cho hay doanh thu thuần trong quý IV/2022 của  HAGL Agrico chỉ đạt gần 152 tỷ đồng, giảm 50% so với quý IV/2021. Trong đó, hai nguồn thu chính là bán trái cây và bán mủ cao su đồng loạt giảm lần lượt 63% và 24% xuống 58 tỷ và 94 tỷ đồng. Việc tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn khiến công ty lỗ gộp 465 tỷ đồng. 

Tính riêng trong quý IV/2022, doanh nghiệp lỗ ròng 2.793 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần số lỗ 816 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. 

HAGL Agrico cho biết, nguyên nhân lỗ đến từ ảnh hưởng bão Noru vào thời điểm cuối tháng 9/2022 và tình trạng thiếu hụt lao động tại Lào dẫn đến sản lượng thu hoạch chuối giảm 68% so với cùng kỳ quý IV/2021. Trong khi đó, giá mua phân bón tăng 35%, giá vật tư nông nghiệp và bao bì đóng gói tăng 18%, cước vận chuyển cũng tăng 9%.

Đáng chú ý, khoản lỗ kỷ lục trong quý IV/2022 đến từ việc công ty rà soát lại sổ sách kế toán, ghi nhận chi phí chuyển đổi các vườn cây năm 2020 trở về trước chưa hạch toán bao gồm vườn cao su, cọ dầu và cây ăn trái với tổng chi phí 2.127 tỷ đồng. Khoản lỗ khác ghi nhận trên 2.200 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chưa đến 8 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2022, công ty báo doanh thu thuần giảm 38% so với 2021, từ gần 1.200 tỷ về còn 742 tỷ đồng. HAGL Agrico lỗ ròng cả năm 3.566 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần số lỗ trong năm 2021. 

 

 Như vậy, tính đến 31/12/2022, HAGL Agrico lỗ luỹ kế chưa phân phối 6.993 tỷ đồng. Lỗ lũy kế lớn như vậy cũng là một phần nguyên nhân khiến vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp giảm xuống 3.045 tỷ đồng.

Công ty cho biết đang thực hiện chiến lược về đầu tư và sản xuất nông nghiệp cho giai đoạn 2022-2023, từ đó tạo ra lợi nhuận cho các năm tiếp theo và từng bước giảm các khoản lỗ trên BCTC. Đồng thời, doanh nghiệp đã thực hiện chuyển đổi đồng tiền hạch toán của các công ty con tại Lào từ LAK sang USD, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng bởi chênh lệch tỷ giá, phần gây lỗ lớn trong BCTC các năm qua.

 

 Tính đến 31/12/2022, quy mô tài sản HAGL Agrico giảm gần 10% so với đầu năm về 12.688 tỷ đồng. Chiếm phần lớn trong đó là tài sản cố định hơn 5.000 tỷ đồng và tài sản dở dang dài hạn với chi phí xây dựng dở dang 3.899 tỷ đồng (bao gồm phát triển vườn cây ăn trái 2.140 tỷ đồng, vườn cao su 1.188 tỷ đồng, nhà máy cọ dầu 179 tỷ đồng cùng một số công trình khác). 

Ở bên kia bảng cân đối, doanh nghiệp ghi nhận nợ phải trả 9.643 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng cả ngắn hạn và dài hạn 2.717 tỷ đồng (giảm 17%), vay CTCP Nông nghiệp Trường Hải 3.116 tỷ đồng (tăng 6 lần so với năm 2021) và Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã: HAG) 1.514 tỷ đồng (giảm 28%). Theo đó, trong năm 2022, công ty đã hoàn tất trả nợ đợt 1 HAGL theo thỏa thuận cam kết giữa BIDV, HAGL và HAGL Agrico, số tiền 600 tỷ đồng, nhận lại quyền sử dụng đất diện tích 9.470 ha và các tài sản trên đất thuộc sở hữu của Công ty Andoung Meas (đã bán cho CTCP Nông Nghiệp Trường Hải). 

 

Năm 2023, HAGL Agrico lên kế hoạch sản lượng 118.529 tấn trái cây, doanh thu ước đạt 1.586 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp đặt mục tiêu sản xuất được một triệu con heo mang thương hiệu Heo ăn chuối BAPI Hoàng Anh Gia Lai và tích cực tìm kiếm thêm đối tác tiềm năng để mở rộng sản xuất, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các dòng sản phẩm được chế biến từ thịt heo.

Công ty kỳ vọng doanh thu từ các sản phẩm chuối, heo và gà sẽ mang lại dòng tiền lớn và nhanh để công ty trả nợ và mở rộng kinh doanh.  

Tổng mức đầu tư dự kiến trong năm 2023 là 1.973 tỷ đồng. Trong đó, hạng mục cây ăn trái chiếm 370 tỷ, máy móc thiết bị 60 tỷ, trồng mới và chăm sóc vườn cây 440 tỷ, đầu tư trang trại chăn nuôi bò sinh sản 1.055 tỷ, đầu tư hoàn thiện Sân bay Nong Khang 48 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm