Để đảm bảo nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), Bộ Xây dựng đề xuất triển khai gói tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng. Gói tín dụng này dành cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp.
Bộ Xây dựng vừa có tờ trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị ban hành Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Mục tiêu của Nghị quyết nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về thể chế, tổ chức thực hiện và nguồn vốn cho thị trường bất động sản.
Bộ Xây dựng đề xuất tháo gỡ tổng thể, đồng bộ những khó khăn, vướng mắc hiện nay trong phát triển nhà ở nói chung, phát triển nhà ở xã hội nói riêng.
Bộ Xây dựng đề nghị Quốc hội giao Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội xem xét, ban hành “Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội” để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể nhằm tạo động lực phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.
Theo đó, những nội dung vướng mắc lớn trong thời gian qua, như: Giao đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội; quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội; lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; về quyền lợi và ưu đãi chủ đầu tư; xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội; đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội…
Đồng thời, ban hành Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” để tăng nguồn cung phù hợp với nhu cầu của người lao động có thu nhập thấp.
Để đảm bảo nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội, đề xuất triển khai gói tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 12% nhu cầu vốn để thúc đẩy thực hiện mục tiêu hoàn thành ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2030).
Gói tín dụng này dành cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn từ 1,5-2% so với lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.
Với nguồn vốn tín dụng, dự thảo Nghị quyết đề xuất giãn nợ gốc, lãi vay cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn (doanh nghiệp, dự án bất động sản phục vụ tiêu dùng, sản xuất, công nghiệp, du lịch, nghỉ dưỡng,…); đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Dự thảo Nghị quyết cũng yêu cầu bám sát tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản và có những giải pháp kịp thời để đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững.
Theo đó, tiếp tục cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, tập trung các dự án, phương án vay vốn khả thi, khách hàng có năng lực tài chính, khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn; ưu tiên xem xét cho vay đối với các dự án bất động sản phục vụ tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, có hiệu quả, thanh khoản tốt như nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, văn phòng cho thuê, bất động sản phục vụ sản xuất, công nghiệp. Có biện pháp giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường bất động sản.
Sắp triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi thấp hơn 1,5-2 điểm %
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 diễn ra mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước ưu tiên nguồn vốn cho nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, Bộ Xây dựng đã đề xuất Ngân hàng Nhà nước bố trí gói tín dụng ưu đãi liên quan 2 phân khúc nhà ở này.
Sau khi phân tích với điều kiện hiện nay và cân nhắc với tình hình thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã bàn với 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước là Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank. 4 ngân hàng đã đồng ý thống nhất gói tín dụng quy mô 120.000 tỷ đồng với nội dung mỗi ngân hàng sẽ dành khoảng 30.000 tỷ đồng cho 2 đối tượng là nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân.
“Trường hợp có thêm các ngân hàng thương mại đủ điều kiện tham gia thì quy mô gói này có thể tăng lên”, ông Hà cho biết.
Về lãi suất, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, xuất phát từ việc muốn giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản nên các ngân hàng đã dự kiến mức lãi suất cho vay gói này sẽ thấp hơn từ 1,5-2 điểm % so với tất cả mức cho vay thông thường của các ngân hàng.
“Sau cuộc họp của Chính phủ về giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đang dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển. Trên cơ sở nội dung của Nghị quyết được ban hành, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai theo đúng chỉ đạo của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Cụ thể là gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với 4 ngân hàng thương mại vốn Nhà nước cùng với lãi suất thấp 1,5-2 điểm % so với mức cho vay thông thường”, Phó Thống đốc thông tin.