Các thủy điện bị đề nghị loại bỏ gồm: Đắk Ruồi 1 (công suất 7MW), Đắk Man (công suất 6MW), Đắk Brot (công suất 2MW, cùng thuộc H.Đắk Glei) và Sông Tranh 1 (công suất 4,5MW, H.Tu Mơ Rông).
Ngày 18/12, thông tin từ UBND tỉnh Kon Tum cho biết tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ Công thương loại 4 thủy điện khỏi quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn. Cụ thể, 4 thuỷ điện bị đề nghị loại khỏi quy hoạch gồm: Đăk Ruồi 1 (công suất 7 MW), Đăk Man (6 MW) và Đăk Brot (2 MW) cùng thuộc huyện Đăk Glei), Sông Tranh 1 (4,5MW, huyện Tu Mơ Rông).
Theo Giám đốc Sở Công Thương Kon Tum, ông Lê Như Nhất các thủy điện trên được Bộ Công thương đưa vào quy hoạch dự án thủy điện vừa và nhỏ trong nhiều năm. Ông Nhất cho biết, quá trình rà soát, sở xác định các dự án ảnh hưởng 56 ha rừng đặc dụng; công tác tái định canh không đảm bảo… Thậm chí dự án thuỷ điện Đăk Brot đã có nhà đầu tư, song doanh nghiệp không tập trung xây nhà máy mà khai thác vàng, gây mất an ninh trật tự.
Theo UBND tỉnh Kon Tum, hiện nay trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 81 vị trí thủy điện vừa và nhỏ được phê duyệt quy hoạch, tổng công suất lắp máy 870,6MW. Trong đó, 28 dự án đã hoàn thành có tổng công suất 329,4 MW; 11 dự án thực hiện báo cáo khởi công xây dựng với tổng công suất 186,1MW; 38 dự án đang lập dự án đầu tư xây dựng với tổng công suất 335,6 MW.
Theo tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư các dự án thủy điện vừa và nhỏ, dự kiến trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh Kon Tum khởi công xây dựng 6 dự án có tổng công suất 67,4MW gồm Đăk Lô 1, Đăk Lô 3, Đăk Lô 4, Thượng Nam Vao, Nam Vao 2, Đăk Toa. Thời gian thi công xây dựng của các dự án thủy điện trên là khoảng 24 – 30 tháng hoàn thành, vận hành phát điện. Sản lượng điện sản xuất của 28 công trình thủy điện vừa và nhỏ đang vận hành và 2 công trình thủy điện lớn là Thượng Kon Tum và Plei Krông ước đạt khoảng 2,8 tỷ kWh/năm. Các dự án thủy điện đã góp phần đáng kể vào phát triển KT-XH, tác động tích cực và tạo tiền đề trong việc phát triển các ngành nghề liên quan; làm tăng nguồn thu ngân sách. Các công trình thủy điện trong quá trình xây dựng đã tạo ra một nguồn việc làm ổn định cho người dân trong vùng dự án.
Khi triển khai, các nhà đầu tư sẽ phối hợp với chính quyền địa phương thiết kế hệ thống giao thông phục vụ thi công. Sau khi các nhà đầu tư thi công xong công trình sẽ bàn giao cho ngành điện lực quản lý, vận hành, phục vụ điện trực tiếp cho người dân. Từ đó, góp phần giảm bớt việc đầu tư hệ thống lưới điện đến các thôn, làng ở vùng sâu, vùng xa.