Trang chủ Doanh nghiệp Lợi nhuận quý IV/2022 của doanh nghiệp than khởi sắc

Lợi nhuận quý IV/2022 của doanh nghiệp than khởi sắc

bởi Linh

Thống kê kết quả kinh doanh quý IV/2022 của một số thành viên của TKV cho thấy 8/9 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh.

Lợi nhuận quý IV/2022 của doanh nghiệp than tăng mạnh

Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin, TKV) cho biết tổng doanh thu năm 2022 đạt 165.900 tỷ đồng và 8.100 tỷ đồng lãi trước thuế, lần lượt tăng 20% và 154% so với năm 2021. Với kết quả này, TKV đã vượt 26% kế hoạch doanh thu và 131% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Nếu như quý I, II, III năm 2022 kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp còn phân hóa mạnh thì đến quý IV/2022, bức tranh kinh doanh có phần đồng đều hơn theo chiều hướng tích cực.

Bảng thống kê kết quả kinh doanh quý IV/2022 của một số thành viên đã niêm yết của TKV cho thấy 8/9 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương, trong đó có một doanh nghiệp “lội ngược dòng” chuyển từ lỗ liên tiếp thành lãi đậm.

Lợi nhuận quý IV/2022 của doanh nghiệp than tăng mạnh

Phạm Mơ tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất của các doanh nghiệp.

Với CTCP Than Cọc Sáu – Vinacomin (Mã: TC6), công ty này ghi nhận doanh thu quý IV/2022 tăng nhẹ 8% so với cùng kỳ lên 1.207 tỷ đồng. Lãi sau thuế lại gấp hơn 10 lần quý IV/2021 với 348 tỷ đồng, đóng góp gần 83% vào tổng lợi nhuận năm 2022 của doanh nghiệp.

Trước đó, công ty lỗ trước thuế 350 tỷ đồng trong quý III/2022 và lỗ 420 triệu đồng trong quý II/2022.

Công ty cho biết lợi nhuận quý này tăng đột biến nhờ sản lượng than tiêu thụ than tăng, giá thành sản xuất giảm. Ngoài ra, Tập đoàn TKV cũng điều chỉnh kế hoạch sản lượng, chi phí sản xuất và điều chỉnh đơn giá mua than cho công ty phù hợp với điều kiện đặc thù khai thác xuống sâu của mỏ.

Tính chung năm 2022, doanh thu thuần của Than Cọc Sáu đạt 3.241 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt 3% kế hoạch doanh thu năm 2022; lãi sau thuế chỉ đạt 420 triệu đồng, giảm 99%. Với 728 triệu đồng lãi trước thuế, công ty mới hoàn thành được 3% mục tiêu lợi nhuận.

Trước đó, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội từng đưa cổ phiếu TC6 của Than Cọc Sáu vào diện bị kiểm soát kể từ ngày 1/11/2022 do vốn chủ sở hữu âm 17,5 tỷ đồng trên báo cáo tài chính quý III/2022.

Nhờ việc đẩy mạnh khai thác, tiêu thụ trong điều kiện thời tiết thuận lợi và quản trị chi phí tài chính doanh nghiệp, vốn chủ sở hữu của Than Cọc Sáu trong quý IV/2022 đã được nâng lên hơn 330 tỷ đồng. Than Cọc Sáu kỳ vọng cổ phiếu TC6 sẽ “thoát” diện bị kiểm soát trong quý I/2023 hoặc 6 tháng đầu năm 2023.

CTCP Than Cọc Sáu – Vinacomin

Phạm Mơ tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất của doanh nghiệp.

Bên cạnh Than Cọc Sáu, những ông lớn than ghi nhận tăng trưởng mạnh lợi nhuận trong quý IV/2022 có thể kể đến CTCP Xuất nhập khẩu than – Vinacomin (Coalimex – Mã: CLM) và CTCP Than Mông Dương- Vinacomin (Mã: MDC).

Theo báo cáo hợp nhất quý IV/2022 của Coalimex cho biết doanh thu thuần đạt 3.200 tỷ đồng, gấp 5 lần quý IV/2021; lãi sau thuế đạt 44 tỷ, gấp 5,3 lần.

Tính chung năm 2022, doanh thu thuần của Coalimex đạt 13.227 tỷ đồng, gấp 5 lần năm 2021, lãi sau thuế khoảng 337 tỷ đồng, gấp 11 lần.

Trong báo cáo giải trình, công ty cho biết năm 2022, sản lượng nhập khẩu và pha trộn than tăng cao dẫn đến lợi nhuận tăng tương ứng. Đặc biệt, công ty đã thực hiện thành công một số gói chào thầu quốc tế cấp than cho nhà máy luyện thép trong nước với tỷ lệ lợi nhuận cao.

Bên cạnh đó, một số lĩnh vực kinh doanh khác như cho thuê văn phòng và xuất khẩu lao động phục hồi sau đại dịch COVID-19, mang lại doanh thu và lợi nhuận cho công ty.

Còn với Than Mông Dương, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần quý IV/2022 đạt 939 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ năm 2021. Lãi sau thuế của doanh nghiệp gấp 9,2 lần cùng kỳ lên 92,5 tỷ đồng nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 12% lên 18%.

Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần của Than Mông Dương đạt 2.817 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2021, lãi sau thuế đạt 109 tỷ, gấp 3,3 lần.

CTCP Than Mông Dương- Vinacomin

Phạm Mơ tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất của các doanh nghiệp.

Trái với xu hướng tăng trưởng dương của các doanh nghiệp than trong quý IV/2022, Than Hà Lầm ghi nhận kết quả kinh doanh đi xuống. Theo đó, doanh thu thuần quý IV/2022 của doanh nghiệp này đạt 1.052 tỷ đồng, tăng 30% so với quý IV/2021, song lãi sau thuế lại giảm tới 85%, còn 12 tỷ.

Lũy kế năm 2022, Than Hà Lầm ghi nhận 3.751 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 16% so với năm 2021 nhưng lãi sau thuế giảm 60%, còn 44 tỷ.

Trong báo cáo giải trình, Than Hà Lầm lý giải lợi nhuận sau thuế giảm do công ty đã hạch toán hơn 53,5 tỷ đồng tiền cấp quyền Khai thác khoáng sản Giấy phép khai thác số 2497 tại mỏ than Hà Lầm.

Mặt khác, theo kết luận của Kiểm toán nhà nước thì lãi sau thuế năm 2021 tăng gần 41 tỷ đồng do phân bổ lại chi phí khoan thăm dò đề án thăm dò nâng cấp trữ lượng trong
ranh giới Giấy phép khai thác số 2497 tại mỏ than Hà Lầm.

Nhà máy nhiệt điện ‘đói’ than, áp lực lớn cho TKV

Bước qua một năm rực rỡ, những thách thức với TKV trong năm 2023 đã hiện hữu, đặc biệt là việc cung cấp than cho nhiệt điện.

Trong văn bản gửi Bộ Công Thương mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tình hình cung cấp than không đúng theo kế hoạch xảy ra đối với hầu hết các nhà máy nhiệt điện của EVN như Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghi Sơn 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác đảm bảo cung cấp điện trong năm 2022 của EVN.

“Dự kiến trong năm 2023, nếu tình hình cấp than cho sản xuất điện không được cải thiện, trong khi nhu cầu sử dụng than tăng so với năm 2022 do Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 mới đưa vào vận hành, khả năng thiếu than cho sản xuất điện là hiện hữu”, EVN cho biết.

Để đảm bảo than cho sản xuất điện trong năm 2023, đặc biệt là mùa khô sắp tới, EVN đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo TKV và Tổng công ty Đông Bắc ưu tiên cung cấp than cho nhà máy nhiệt điện, đồng thời, yêu cầu các đơn vị cấp than tuân thủ đúng các điều khoản tại các hợp đồng than các bên đã ký kết.

Trước đó trong buổi làm việc giữa TKV và EVN cuối năm 2022, đại diện TKV cũng thừa nhận lượng than tồn kho cuối năm 2022 của doanh nghiệp chỉ còn khoảng 1,5 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2021.

Ngoài ra, TKV cũng gặp khó khăn trong việc gia tăng sản lượng bởi giới hạn các giấy phép khai thác. Đồng thời, nhu cầu than cho phát triển kinh tế trong nước cao, giá than nhập khẩu liên tục tăng lên mức kỷ lục gây áp lực lớn cho tập đoàn.

Để giải quyết những khó khăn hiện nay, ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc TKV đề nghị các đơn vị thành viên sản xuất tối đa than nguyên khai; đẩy mạnh than chế biến, pha trộn để tăng sản lượng, đảm bảo nguồn than, cung cấp đủ than cho các hộ tiêu thụ đã ký kết hợp đồng với TKV…

Có thể bạn quan tâm