Trong báo cáo ngành ngân hàng từ Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MAS) ngày 2/3, nhóm chuyên gia chỉ ra rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đánh giá tăng trưởng tín dụng sơ bộ cho năm nay ước đạt 14 – 15%, tuy nhiên mục tiêu hàng đầu vẫn là ổn định và lành mạnh hóa hoạt động của toàn ngành.
Tăng trưởng tín dụng năm nay có thể chỉ đạt 10-12%
Theo thông tin từ NHNN, tăng trưởng tín dụng mục tiêu cho năm 2023 là khoảng 14-15%. Tuy nhiên, MAS đánh giá áp lực lạm phát cao sẽ phần nào kìm hãm tốc độ tăng trưởng tín dụng.
Cụ thể, trong năm 2023, Việt Nam đưa ra mức lạm phát mục tiêu là dưới 4,5%, điều chỉnh tăng 0,5% so với mức lạm phát mục tiêu dài hạn, nhưng NHNN cũng như giới chuyên gia đều nhận định việc kìm chế lạm phát cũng không đơn giản.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 1 năm qua, lạm phát cơ bản tăng liên tục từ 0,66% lên 5,21% vào tháng 1/2023. Việc tăng giá các nhóm hàng hóa và dịch vu thiết yếu như ngành như điện, giáo dục và xăng dầu làm tăng áp lực lạm phát.
MAS cho rằng nguồn tín dụng mới sẽ phần nào tăng thanh khoản của thị trường chung. Tuy nhiên, sự suy giảm chất lượng tài sản trong năm 2022 và các rủi ro nợ xấu do thay đổi môi trường lãi suất sẽ khiến các Ngân hàng Thương mại (NHTM) cẩn trọng hơn trong việc gia tăng tỷ trọng cho các phân ngành/doanh nghiệp có rủi ro cao.
Trước bối cảnh chung như vậy, nhóm phân tích của MAS cho rằng tỷ giá tạm thời ổn định nhưng rủi ro giảm giá đồng nội tệ vẫn còn hiệu hữu do các đợt tăng lãi suất của Fed và nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng tốt.
Nhìn chung, dựa trên những yếu tố vĩ mô chưa khả quan, các chuyên gia thận trọng dự phóng tín dụng sẽ chỉ tăng trong khoảng từ 10 – 12% trong năm nay, thấp hơn so với mức tăng trưởng mục tiêu của NHNN.
Ngoại trừ các ngân hàng có danh mục tín dụng tương đối nhỏ so với toàn ngành, các ngân hàng lớn (bao gồm HDB, MBB, VPB và VCB) có mức tăng tín dụng vượt trội nhờ tích cực hỗ trợ NHNN trong quá trình tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém. MAS kỳ vọng nhóm ngân hàng này sẽ tiếp tục nhận được ưu đãi từ các cấp điều hành trong phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2023.
Lãi suất tiếp tục xu hướng tăng trong năm 2023
Nhìn lại quý IV/2022, báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy tiền gửi của khách hàng tại 27 ngân hàng niêm yết đã tăng đáng kể do mức lãi suất huy động tăng cao ở giai đoạn này khi các ngân hàng thương mại liên tục tăng lãi suất tiền gửi để cải thiện tình hình thiếu thanh khoản.
Tính riêng quý IV, theo MAS, tiền gửi huy động được của nhóm ngân hàng niêm yết chiếm 62% tổng số tiền gửi của cả năm, nâng tổng huy động từ 4,1% cuối quý III/2022 lên tới 10,7% cuối năm 2022. Trong số các loại tài sản có thu nhập cố định, lãi suất tiền gửi vừa hấp dẫn hơn so với trái phiếu chính phủ, vừa có rủi ro thấp hơn nhiều so với trái phiếu doanh nghiệp.
Sang 2 tháng đầu năm nay, cuộc đua lãi suất huy động có phần chững lại trong 2 tháng đầu năm nay trong bối cảnh NHNN phát tín hiệu kiềm chế đà tăng lãi suất, đặc biệt là các ngân hàng vừa và nhỏ, để ổn định hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Ngoài ra, nhu cầu vốn cho sự tăng trưởng tín dụng giai đoạn cuối năm không quá lớn, đi kèm với sự dồi dào thanh khoản của thị trường liên ngân hàng (lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt). Do đó, lãi suất huy động đã giảm đáng kể và không còn các mức lãi suất huy động vượt 10% (kênh huy động chính thức).
Dự báo cho mặt bằng lãi suất cả năm 2023, nhóm phân tích nhận định việc Fed liên tục tăng lãi suất điều hành có thể làm gia tăng áp lực lên lãi suất trong nước. Hiện tại, mức đỉnh lãi suất kỳ vọng đối với thị trường Mỹ đang là 5% – 5,5%, như vậy lãi suất Fed vẫn có khả năng tiếp tục tăng khoảng 50bps đến 75bps trong hai kỳ họp sắp tới diễn ra vào tháng 3 và tháng 5.
Ngoài ra, mức lãi suất cao được dự kiến sẽ kéo dài đến hết năm 2023. So sánh mức tăng lãi suất điều hành, mức tăng của NHNN (+200bps) thấp hơn nhiều so với mức tăng của Fed (+450bps từ đầu 2022). Điều này có thể dẫn đến dòng chảy ngoại tệ ra khỏi thị trường trong nước.
Nhìn chung, MAS đánh giá nhiều khả năng lãi suất tiếp tục xu hướng tăng trong năm 2023.
Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ Chính phủ tháng 2 sáng ngày 3/3, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết từ đầu năm đến nay, đã có thêm 36 lần tăng lãi suất trên thế giới. Điều này khiến USD bắt đầu tăng giá trở lại từ giữa tháng 2/2023. Ngày hôm qua 2/3, chỉ số USD Index ở mức 104.49 điểm, tăng 7,29% so với cùng kỳ năm 2022.
Diễn biến của USD đang tạo áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối của NHNN, bởi cơ quan này vừa phải phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, vừa phải nỗ lực ổn định tỷ giá. Trong bối cảnh đó, NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ của chính sách tiền tệ.
Trong 2 tháng đầu năm, NHNN tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, thực hiện can thiệp thị trường linh hoạt nhằm giữ ổn định thị trường ngoại tệ. Thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ.
Nhờ vậy, thị trường ngoại hối, tỷ giá trong nước ổn định, các giao dịch trên thị trường ngoại tệ thông suốt. Tính đến ngày 3/3, VND chỉ mất giá 0,6% so với cuối năm 2022, đây là mức mất giá thấp so với các đồng tiền trong khu vực.
Ngoài tỷ giá, lãi suất là một trong những điểm sáng tích cực khác khi lãi suất huy động thực tế trên thị trường đã bắt đầu giảm. Theo Thống đốc NHNN, lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm 0,43%/năm. Đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay. Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành theo hướng phấn đấu giảm lãi suất.
Về tín dụng, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 14-15%, cao hơn năm 2022 và có điều chỉnh tùy theo diễn biến thị trường.