Trang chủ Doanh nghiệp Mirae Asset Việt Nam: Dự báo thị trường BĐS khu công nghiệp trầm lắng trong nửa đầu 2023

Mirae Asset Việt Nam: Dự báo thị trường BĐS khu công nghiệp trầm lắng trong nửa đầu 2023

bởi Linh

Ngày 16/2, Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MAS) vừa công bố báo cáo ngành khu công nghiệp với kết quả kinh doanh ghi nhận sự sụt giảm trong giai đoạn kinh tế vĩ mô đang còn bất ổn.

Kết thúc quý IV/2022, KQKD của phần lớn các doanh nghiệp (DN)  ngành khu công nghiệp (KCN) niêm yết đều ghi nhận mức sụt giảm nghiêm trọng, một phần phản ảnh sự chững lại của nền kinh tế chung trong giai đoạn quý IV/2022 và đầu năm 2023.

Cụ thể, báo cáo của MAS cho hay các DN niêm yết ghi nhận doanh thu giảm 46% so với cùng kỳ (svck) trong khi đó lợi nhuận sau thuế (LNST) sụt giảm đột biến 92% svck bởi các yếu tố chính dưới đây.

Thứ nhất là do so sánh với mức nền cao của quý IV/2021, là thời điểm tiến trình xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh, đi kèm tốc độ giải ngân phục hồi sau thời gian dài trì hoãn do dịch bệnh dẫn đến KQKD trong khoảng thời gian này ghi nhận ở mức cao. 

Thứ hai, sự bất ổn của nền kinh tế trong quý IV/2022 đã làm tiến trình đầu tư bị chậm lại cũng như việc giãn tiến độ thanh toán cho các nhà đầu tư mới đi thuê đất. Ngoài ra, nhiều DN trong KCN cũng đã không gia hạn thuê một phần hoặc toàn bộ mặt bằng sản xuất kinh doanh do hoạt động sản xuất kinh doanh trì trệ.

 

Tuy ghi nhận mức tăng trưởng âm trong quý IV, KQKD cả năm 2022 của các doanh nghiệp niêm yết toàn ngành vẫn tăng trưởng 9,1% doanh thu và 78,2% lợi nhuận ròng. Trong đó, các mức tăng trưởng mạnh đều được đóng góp bởi những doanh nghiệp có quỹ đất sẵn sàng cho thuê lớn như BCM, VGC, KBC, IDC. Đặc biệt, việc ghi nhận KQKD bùng nổ của IDC đến từ sự điều chỉnh lại cách ghi nhận doanh thu của hoạt động KCN.

Nhân tố hỗ trợ từ đầu tư công 

Nhận định về triển vọng ngành trong ngắn hạn, cụ thể là nửa đầu năm 2023, nhóm phân tích cho rằng quá trình xúc tiến đầu tư có thể bị trì hoãn trong bối cảnh nền kinh tế chung toàn cầu vẫn chưa thật sự khởi sắc, tác động tiêu cực đến doanh số bán hàng của các nhà phát triển KCN. Phần lớn doanh số trong giai đoạn này sẽ phụ thuộc vào các hợp đồng được ký kết từ trước nhưng chưa đủ điều kiện ghi nhận trong năm 2022, cũng như từ nguồn doanh thu chưa thực hiện phân bổ định kỳ đối với các DN chọn cách ghi nhận phân bổ doanh thu.

Trước đó, trong năm 2022, nguồn cung KCN đã được bổ sung bởi một vài dự án đáng chú ý như KCN VSIP 3 – 700ha, KCN Amata Long Thành – 275ha, KCN Việt Phát – 923ha, KCN Nam Thuận – 217ha, … (diện tích đất công nghiệp cho thuê). Ngoài ra, trong năm 2022, Chính phủ cũng đã phê duyệt cho phép thành lập mới 9 KCN với tổng diện tích công nghiệp lên đến 2.472ha. Dự kiến nguồn cung mới này sẽ đi vào hoạt động trong giai đoạn 2025 – 2026.

Lạc quan hơn, nhìn về dài hạn, MAS cho rằng dòng vốn đầu tư công là nhân tố chính hỗ trợ phát triển KCN. Cụ thể, lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ là ưu tiên hàng đầu của các cấp lãnh đạo trong giai đoạn 2023 – 2025, với mục tiêu hoàn thành 1.600km đường cao tốc trong 3 năm. Việc thúc đẩy đầu tư hạ tầng sẽ làm gia tăng mức độ hấp dẫn của các KCN trong dài hạn, cũng như tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp khi đầu tư vào thị trường Việt Nam (tối ưu hóa chi phí logistic). Trong đó, việc hoàn thành các tuyến cao tốc Bắc – Nam, Vành đai 3 TP HCM, Biên Hòa – Vũng Tàu, … sẽ gia tăng lợi thế cạnh tranh của các KCN khu vực phía nam có quỹ đất thương phẩm lớn trong việc cạnh tranh và thu hút đầu tư.

Nhân tố hỗ trợ từ đầu tư công

 

Theo MAS, chi phí đền bù tăng mạnh là yếu tố rủi ro hiện hữu nhất đối với các nhà phát triển KCN, thu hẹp biên lợi nhuận của các dự án mở mới trong dài hạn do không còn lợi thế quỹ đất giá rẻ. Ngoài ra đối với các dự án mở mới đầu tư cũng sẽ gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng do sự ảnh hưởng của việc tranh chấp pháp lý với các hộ dân nằm trong dự án, từ đó cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của việc đầu tư dự án.

Dòng vốn FDI đăng ký cho thấy dấu hiệu chững lại trong giai đoạn 2022 với tổng vốn đăng ký đạt 27,7 tỷ USD, giảm 11% svck trong khi giải ngân vốn FDI lại đạt 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% svck. Điều này sẽ kéo theo sự giảm tốc trong giải ngân vốn FDI trong giai đoạn 2023. Đây sẽ là yếu tố sẽ gây ảnh hưởng đáng kể lên doanh số của các nhà phát triển KCN trong năm nay

Tình hình khó khăn chung của nền kinh tế đang dần được phản ánh qua KQKD quý IV/2022 của các doanh nghiệp sản xuất, từ đó cho thấy sự suy yếu về tình hình tài chính trong thời điểm hiện tại cũng như ảnh hưởng đến quyết định đầu tư mở rộng kinh doanh trong thời gian tới. Có thể nhận thấy những dấu hiệu hồi phục của các doanh nghiệp sản xuất trong nước, cũng như hồi phục nhu cầu trở lại của thị trường xuất khẩu nói chung và thị trường nội địa nói riêng. Tuy nhiên, việc phục hồi sẽ cần một khoảng thời gian.

Nhân tố hỗ trợ từ đầu tư công

 

Có thể bạn quan tâm