Trang chủ Doanh nghiệp Một cổ đông lớn Gỗ Trường Thành (TTF) ‘cắt lỗ’, bán ra gần 31 triệu cổ phiếu

Một cổ đông lớn Gỗ Trường Thành (TTF) ‘cắt lỗ’, bán ra gần 31 triệu cổ phiếu

bởi Linh

Trong bối cảnh cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã: TTF) liên tục trượt dốc từ đầu năm 2022 đến nay, một cổ đông lớn đã bán ra  gần 31 triệu cổ phiếu với mức giá tương ứng thấp hơn 59% giá trị hoán đổi trước đó.

TTF bị cắt margin, cổ đông lớn “cắt lỗ” gần 31 triệu cổ phiếu

Theo thông báo ngày 4/1, ông Bùi Hồng Minh đã bán ra gần 31 triệu cổ phiếu TTF, tương ứng 7,52% tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp. Sau giao dịch, ông Minh còn nắm 9,6 triệu cổ phần TTF, tương ứng tỷ lệ sở hữu giảm từ 9,86% xuống 2,33% vốn điều lệ và chính thức không còn là cổ đông lớn tại Gỗ Trường Thành.

Tạm tính giá kết phiên 4/1 là 4.150 đồng/cp, ước tính ông Minh nhận về khoảng 128 tỷ đồng từ giao dịch. 

Trước đó, vào cuối năm 2021, TTF đã phát hành 40,53 triệu cổ phiếu ưu đãi cổ tức để hoán đổi nợ liên quan đến Tập đoàn Vingroup, đại diện bởi ông Bùi Hồng Minh. Tỷ lệ hoán đổi nợ là 10.000 đồng hoán đổi thành 1 cổ phiếu ưu đãi, với cổ tức cố định là 6,5%/năm. 

Kể từ thời điểm đó tới nay, ông Minh không hề giao dịch cổ phiếu TTF. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm nắm giữ, cổ đông lớn Bùi Hồng Minh đã quyết định bán ra phần lớn cổ phần với giá thấp hơn 59% so với giá hoán đổi trước đó.

TTF bị cắt margin, cổ đông lớn “cắt lỗ” gần 31 triệu cổ phiếu

 Giá cổ phiếu TTF trượt dài từ đầu năm 2022 đến nay. Ảnh: TradingView

Trong một diễn biến khác, chủ tịch HĐQT Mai Hữu Tín mới đây đã thông báo hoàn tất mua vào 5,26 triệu cổ phiếu TTF trên tổng số 10 triệu đơn vị đăng ký trước đó. Lý do không hoàn tất giao dịch được đưa ra là thị trường diễn biến không thuận lợi. Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận trong khoảng thời gian từ 28/11/2022 đến 21/12/2022. Tỷ lệ sở hữu của ông Tín hiện ở mức 1,28% và đây cũng là lần đầu tiên vị Chủ tịch này trực tiếp nắm giữ cổ phần TTF.

Ngoài ra, một cá nhân là bà Đinh Thị Kim Dung cũng đã hoàn tất mua vào gần 30,8 triệu cổ phiếu TTF trong ngày 19/12/2022. Giao dịch nhiều khả năng được thực hiện theo phương thức thỏa thuận với giá trị ước tính vào khoảng 134 tỷ đồng. Sau giao dịch, bà Dung đã nâng sở hữu lên 37,6 triệu cổ phiếu TTF, tương ứng tỷ lệ 9,14% cổ phần và trở thành cổ đông lớn của Gỗ Trường Thành.

Mới đây, TTF cũng nằm trong danh sách 65 mã chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (cắt margin) trong quý I/2023 của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE).

Thoát lỗ nhờ doanh thu tài chính

Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022, TTF ghi nhận doanh thu trong quý đạt 357 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 2,7 tỷ đồng, tăng 67,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 21,5% về còn 20,5%.

Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi, trong quý III/2022, Công ty tiếp tục ghi nhận lỗ 7,74 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 6,68 tỷ đồng. Như vậy, trong khi hoạt động kinh doanh cốt lõi thua lỗ, Công ty thoát lỗ nhờ doanh thu tài chính 8,8 tỷ đồng, đến từ lãi chênh lệch tỷ giá và lãi tiền gửi, lãi cho vay, cùng với lợi nhuận khác hơn 4 tỷ đồng.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022, TTF ghi nhận doanh thu đạt 1.516 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 7,2 tỷ đồng, giảm 35% so với 9 tháng 2021.

Trong năm 2022, TTF đặt kế hoạch tổng doanh thu gần 2.269 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 73 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng, TTF đã hoàn thành 68% kế hoạch doanh thu và 10% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

 

Gỗ Trường Thành được thành lập năm 1993 tại Đắk Lắk bởi doanh nhân Võ Trường Thành. Từ năm 2005 – 2007, TTF liên tục đạt kết quả kinh doanh tốt, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế đều tăng trưởng mạnh và trở thành đại gia xuất khẩu gỗ lớn nhất Việt Nam.

Tuy nhiên, việc dự trữ một lượng lớn những loại gỗ đắt tiền dành cho xuất khẩu khiến TTF chịu mất mát khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu ập đến vào năm 2008. TTF bị chôn vốn, không có tiền để chuyển sang những mặt hàng rẻ hơn phục vụ thị trường, và sau đó phải bán lỗ số gỗ quý.

Bên cạnh đó là hàng trăm tỷ đồng đầu tư ngoài ngành vào các lĩnh vực bất động sản, y tế, thủy sản… trong năm 2008 và đều đặn chi tiền tỷ để đầu tư vào kênh này trong những năm tiếp theo.

Đầu tư ngoài ngành với số tiền lớn trong nhiều năm nhưng chưa thể ghi nhận nguồn thu, Gỗ Trường Thành rơi vào cảnh nợ bủa vây và mất khả năng chi trả các khoản nợ đến hạn. 

Dù đã phần nào phục hồi vào năm 2014, thế nhưng từ đó đến nay, doanh nghiệp liên tục gặp nhiều bất lợi, doanh thu và lợi nhuận đều cách rất xa so với mục tiêu đề ra.

Có thể bạn quan tâm